Ông Trần Tuấn Anh, trưởng Ban Kinh tế trung ương, thông tin nghị quyết mới sẽ đề xuất Bộ Chính trị các chủ trương định hướng và giải pháp để tạo bước phát triển mới cho vùng Đồng bằng sông Hồng - Ảnh: T.CHUNG
Sáng 14-9, Ban Kinh tế trung ương và Thành ủy Hải Phòng đồng chủ trì hội nghị tổng kết thực hiện nghị quyết số 54 năm 2005 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2020.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trần Tuấn Anh, trưởng Ban Kinh tế trung ương, cho biết đây là hội nghị lần cuối lấy ý kiến góp ý các bộ ngành, địa phương cho dự thảo nghị quyết mới thay thế nghị quyết 54. Trong tháng 10, Ban Kinh tế trung ương sẽ trình Bộ Chính trị báo cáo tổng kết thực hiện nghị quyết 54, trên cơ sở đó sẽ đề xuất Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới.
Mục tiêu phát huy vùng Đồng bằng sông Hồng trở thành vùng kinh tế động lực, đầu tàu của cả nước. Các ý kiến cùng thống nhất đề xuất phải có cơ chế đặc thù đối với các lĩnh vực công nghệ cao, quy hoạch giao thông…
Sớm quy hoạch xây sân bay tư nhân
Góp ý giải pháp phát triển vùng, ông Trần Sỹ Thanh, chủ tịch UBND TP Hà Nội, kiến nghị trung ương sớm nghiên cứu mở thêm sân bay quốc tế. Hiện Bộ Giao thông vận tải chưa có quy hoạch sân bay, trong khi sân bay xây ở đâu thì cần quỹ đất vài trăm héc ta đến hàng nghìn héc ta phục vụ cho hậu cần sân bay.
Nếu mở ở Hà Nội thì Hà Nội lo, mở ở Hà Nam thì Hà Nam sẽ lo. Quy hoạch vùng sắp làm rồi thì phải sớm ban hành quy hoạch sân bay. Thậm chí, Việt Nam cũng phải tính quy hoạch vài sân bay tư nhân. Đây là việc bình thường.
"Câu chuyện cảng hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa dứt khoát Việt Nam cũng phải có chứ không thể sân bay lưỡng dụng cả vận tải hàng hóa và hành khách. Một số nước như Trung Quốc cũng đang xây dựng sân bay chuyên chở hàng hóa rồi. Cho nên Việt Nam có xây không và xây ở đâu mong các anh cho ý kiến" - chủ tịch Hà Nội đặt vấn đề.
Thu hút dự án chip bán dẫn
Ngoài quy hoạch về sân bay, ông Thanh cũng đề nghị trung ương sớm có giải pháp xây dựng Hà Nội nói riêng và vùng Đồng bằng sông Hồng nói chung thành trung tâm đổi mới sáng tạo khoa học và công nghệ của cả nước.
Ông Thanh thông tin hôm 13-9 có tiếp một tập đoàn lớn của Hàn Quốc đang muốn chuyển dịch sản xuất chip bán dẫn từ Hàn Quốc sang Việt Nam. Thế nhưng hiện chúng ta chưa có chính sách khuyến khích riêng cho lĩnh vực này. Do đó nên thu hút theo dự án, với quy mô đầu tư 5 hay 10 tỉ USD thì có chính sách tương ứng.
Cùng chung ý kiến, ông Trần Duy Đông - thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - mong muốn có cơ chế đặc thù để thu hút dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Vì thị trường của Việt Nam chưa có chip bán dẫn nên Samsung, LG phải nhập chip của Đài Loan.
Kết luận hội nghị, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh trong nghị quyết mới sẽ đề xuất Bộ Chính trị các chủ trương định hướng và giải pháp để tạo bước phát triển mới cho vùng Đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là cơ chế, chính sách đặc thù về thuế, tài chính, ngân hàng…
Sẽ có thêm trung tâm thương mại tự do
Đối với lĩnh vực thương mại, nhiều ý kiến đề xuất có cơ chế xây dựng trung tâm thương mại tự do và đặc khu kinh tế tại một số địa phương ở vùng Đồng bằng sông Hồng. Phản hồi đề nghị này, ông Trần Tuấn Anh cho biết đã nghiên cứu, đề xuất và báo cáo Bộ Chính trị về trung tâm thương mại tự do ở Hải Phòng.
"Liệu có cần đặc khu nữa hay không? Chúng ta có bài học về đặc khu kinh tế ở Quảng Ninh. Vậy trong nghị quyết vùng này, chúng ta có tính đến mô hình hay giải pháp có tính đột phá như vậy hay không, nếu có thì ở mức độ nào?" - trưởng Ban Kinh tế trung ương gợi mở.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận