Chủ tịch Nguyễn Đức Chung trả lời câu hỏi về giá mua nước sạch sông Đuống - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Chiều 15-11, chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, sau khi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp HĐND TP tại địa bàn quận Hoàn Kiếm, đã trả lời báo chí về vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm trong những ngày qua: Chuyện TP Hà Nội quy định tạm tính giá nước sông Đuống tới 10.246 đồng và chuyện bù giá cho các đơn vị mua nước sông Đuống.
Khi nào quyết toán sẽ có giá cụ thể
* Chủ tịch có thể cho biết căn cứ nào để TP Hà Nội chấp thuận giá tạm tính nước sạch sông Đuống tới 10.246 đồng/m3?
Về nguyên tắc, không chỉ nhà máy nước mặt sông Đuống, mà cả nhà máy nước mặt sông Hồng hay trên Ao Vua (Ba Vì), khi doanh nghiệp lập dự án, nhà nước đều đứng ra ký hợp đồng tiêu thụ nước.
Trước khi ký hợp đồng, Sở Tài chính cùng các ban ngành liên quan xây dựng báo cáo để TP xin ý kiến Bộ Tài chính. Thực tế giá nước mặt sông Đuống 10.246 đồng/m3 chỉ là giá tạm tính để phục vụ cho nhà đầu tư lập dự án. Sau này, khi dự án hoàn thành, sẽ có quyết toán công trình, khi đó sẽ ra giá thành cụ thể.
Khi nhà máy nước mặt sông Đuống hoàn thành giai đoạn 1, TP có giao Công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Nội phân phối nước, trung bình 110.000-120.000m3/ngày đêm. Nước sông Đuống được Công ty Nước sạch Hà Nội mua với giá 7.700 đồng/m3, phân phối đến các hộ dân với giá trung bình khoảng 8.000 đồng/m3.
Giá này đã đảm bảo nguyên tắc giá mua không được cao hơn giá bán ra.
* Nhưng TP Hà Nội vẫn đang áp dụng khung giá bán nước sạch được quy định từ năm 2013. Theo đó, người dân phải trả với giá thấp nhất cho 10m3 đầu chỉ 5.973 đồng, từ 10 đến 20m3 mới có giá 7.052 đồng/m3, trong khi nước sạch sông Đuống có giá cao riêng. TP tính toán thế nào để người dân không bị thiệt?
Hiện TP Hà Nội vẫn thống nhất giá bán theo quy định từ năm 2013. Công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Nội mua của nhà máy nước mặt sông Đuống là 7.700 đồng/m3. Sau khi bán ra, Công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Nội có lãi mấy trăm đồng/m3.
Nhà máy nước mặt Sông Đuống nhìn từ trên cao - Ảnh: NGỌC QUANG
Chưa mất đồng nào bù giá cho nước sạch sông Đuống
* Người dân băn khoăn cùng là khai thác nước mặt, tại sao nước sạch sông Đuống lại bán đắt hơn nước sạch sông Đà?
Việc này phóng viên nên hỏi anh Phí Thái Bình (nguyên phó chủ tịch UBND TP Hà Nội) - cha đẻ ra nhà máy này. Nhà máy nước sạch sông Đà đã đi vào hoạt động nhiều năm qua, đã khấu hao hết rồi, giá của nó chắc chắn thấp hơn sông Đuống. TP không bao giờ bù giá cho nước mặt sông Đuống.
* Các chuyên gia tài chính cho rằng TP Hà Nội đã sai khi định giá bán buôn nước sạch thay cho doanh nghiệp, ông lý giải sao?
Đây là vấn đề mang tính chuyên môn, để tôi kiểm tra sẽ thông tin lại sau. Nhưng thực tế, như tôi đã trả lời ở trên, TP đã rất cẩn thận đi xin ý kiến của các bộ ngành liên quan để đưa ra giá tạm tính là 10.246 đồng/m3 nước sạch sông Đuống.
Tôi xin nhắc lại đó chỉ là giá tạm tính để phục vụ cho nhà đầu tư lập dự án. Sau này, khi dự án hoàn thành mới có quyết toán, kiểm toán và mới có giá thành sản phẩm. Lúc đó mới là giá chính thức của nước sạch sông Đuống.
* Vậy khi dự án hoàn thành, quyết toán tổng mức đầu tư, TP Hà Nội có bù giá cho nhà máy nước mặt sông Đuống?
TP Hà Nội chưa mất một đồng nào bù giá cho nước sạch suông Đuống cả. Và chắc chắc là không bao giờ bù giá cho họ.
Không có lợi ích nhóm
* Xung quanh chuyện giá nước sạch sông Đuống cao hơn hẳn so với nước sạch sông Đà, nhiều người cho rằng đằng sau có "lợi ích nhóm". Chủ tịch có thể đưa ra bình luận gì?
Tôi khẳng định là không có lợi ích nhóm nào ở đây cả. TP làm mọi cách, tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực này giải quyết cấp bách vấn đề nước sạch cho người dân. Không chỉ nhà máy nước mặt sông Đuống, tất cả các nhà đầu tư nước ngoài hay trong nước ở các lĩnh vực đều được coi trọng và tạo mọi điều kiện.
* Để xây dựng nhà máy nước sạch sông Đuống, nhà đầu tư đi vay tới 80% trong tổng mức đầu tư, dẫn đến việc người dân TP phải gánh tới 20% tiền lãi vay ngân hàng của họ trong một khối nước sạch. Nhiều người băn khoăn TP Hà Nội có thẩm định năng lực nhà đầu tư không?
Tất cả các dự án trên thế giới đều phải đi vay, kể cả vay 100% cũng chẳng vấn đề gì. Đó là bài toán của họ và họ phải chịu. Mọi người thắc mắc con số đó, tôi thấy rất vô lý, bởi ngay cả TP cũng đang đi vay tiền bổ sung ngân sách thì mới đầu tư được.
Tổng mức đầu tư dự án ban đầu mới chỉ là dự toán. Mai kia quyết toán công trình có thể thấp hơn rất nhiều, cũng có thể cao hơn. Khi đó mới biết được chính xác nhà máy này xây dựng hết bao nhiêu tiền.
Và như tôi đã nói, khi quyết toán xong thì mới có giá thành nước sạch sông Đuống. Trước mắt các công ty nước tự mua với nhau với giá 7.700 đồng/m3.
Đề nghị cấp bù gần 200 tỉ đồng
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, tháng 12-2018, sau khi xác định giá bán buôn nước sạch sông Đuống cho các đơn vị bán lẻ nước sạch ở Hà Nội là 7.700 đồng/m3, Liên ngành TP Hà Nội đã có văn bản đề xuất UBND TP cấp bù giá cho các đơn vị trong năm 2019 với tổng số tiền gần 200 tỉ đồng.
Cụ thể, cấp bù cho Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội khi mua 80.000m3/ngày đêm với giá 7.700 đồng/m3 là hơn 118 tỉ đồng; cấp bù cho Công ty Cổ phần nước sạch số 2 Hà Nội là hơn 37 tỉ đồng khi mua với khối lượng 22.000m3/ngày đêm.
Đặc biệt, Liên ngành TP Hà Nội xác định trong thời gian chưa có giá chính thức, Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống được thanh toán bằng 86% giá tạm tính 10.246 đồng, tức được thanh toán hơn 8.800 đồng/m3. Vì vậy, Liên ngành TP cũng đề nghị cấp bù cho Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống hơn 1.100 đồng/m3.
Theo đó, Liên ngành đề nghị UBND TP cấp bù khoảng 43 tỉ đồng cho Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống khi đơn vị này bán buôn hơn 100.000m3/ngày đêm cho hai đơn vị nêu trên trong năm 2019.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận