Phun khử trùng tại Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Đề xuất trên được đưa ra tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 diễn ra chiều nay 15-2.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh thông tin về bệnh nhân người Nhật mắc COVID-19 tử vong hôm 13-2 tại Hà Nội (bệnh nhân 2229).
Theo ông Chu Ngọc Anh, Hà Nội xem đây như một ca lây nhiễm trong cộng đồng và đến nay đã phong tỏa, lấy mẫu xét nghiệm hơn 290 người liên quan.
Đồng thời, Hà Nội cũng nhận thức có hai nguy cơ lây nhiễm liên quan đến bệnh nhân này. Thứ nhất là những người ở cùng tòa nhà hiện có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng có thể phát bệnh. Thứ hai, nhóm chuyên gia Nhật Bản có giao lưu với bệnh nhân 2229.
Từ đó, Hà Nội chủ động, quyết liệt kiểm soát toàn bộ những người có nguy cơ lây nhiễm. Cụ thể, ngoài lấy xét nghiệm các ca F1, Hà Nội còn nâng cao an toàn phòng chống dịch tại các bệnh viện, địa chỉ khám bệnh, khách sạn…
Tăng cường theo dõi nguồn chuyên gia, lấy mẫu ngẫu nhiên những người liên quan. Tại những điểm cộng đồng, nhạy cảm, cơ quan chức năng cho lấy mẫu ngẫu nhiên để theo dõi.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 có giải pháp để những người này chủ động khai báo. Đồng thời, đề nghị Bộ Y tế sớm xác định nguyên nhân lây nhiễm của ca bệnh này để sớm kiểm soát tình hình.
Cũng trong phần phát biểu, ông Chu Ngọc Anh cho biết Hà Nội lo ngại tới đây hàng triệu người từ các tỉnh, thành khác quay về Hà Nội làm việc sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
Theo thẩm quyền, Hà Nội đã quyết định cho học sinh từ cấp phổ thông trở xuống được học online ở nhà.
Hà Nội đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD-ĐT cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng có hình thức học trực tuyến cho đến hết tháng 2-2021.
Riêng đối với người từ các địa phương khác sắp trở lại Hà Nội làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị các bộ, ngành hỗ trợ Hà Nội thực hiện việc khai báo y tế bắt buộc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận