Sáng 27-12, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều chủ trì buổi họp báo cung cấp thông tin cho báo chí về trường hợp hộ bà Nguyễn Thị Hường - hộ dân còn lại trong hai hộ dân có nhà chắn đường Võ Văn Kiệt (phường 1, TP Bạc Liêu) suốt 20 năm - đồng ý bàn giao mặt bằng để cơ quan chức năng làm đường.
Chủ tịch Bạc Liêu nói về vụ hộ dân có nhà chắn đường 20 năm, nay bàn giao mặt bằng
Làm sai nên không thể cưỡng chế
Bà Lê Kim Thúy - chủ tịch UBND TP Bạc Liêu - cho biết hôm qua, hộ bà Hường đã nhận quyết định về thu hồi đất, nhận phương án phê duyệt bồi thường, hỗ trợ tái định cư, kể cả nhận quyết định chi trả tiền bồi hoàn hỗ trợ tái định cư.
Diện tích đất bị thu hồi của bà Hường để làm dự án đường trung tâm hành chính tỉnh là 737,8m2.
Theo bà Thúy, trước mắt hộ bà Hường đồng ý bàn giao một phần đất trống không ảnh hưởng đến nhà để Nhà nước tiến hành san lấp mặt bằng, thực hiện đấu nối đoạn còn lại của tuyến đường Võ Văn Kiệt.
Trong thời gian 30 ngày, hộ bà Hường sẽ cất nhà tạm để di dời gia đình, tháo dỡ toàn bộ diện tích giao cho Nhà nước theo quy định.
Ông Phạm Văn Thiều cho rằng giải phóng mặt bằng có quy trình rất phức tạp, từ khâu kiểm đếm đến đo đất đai, diện tích, tài sản trên đất, xác định hộ.
"Trước đây làm sơ sài. Nhận thức cán bộ làm công tác giải phóng mặt bằng rất sơ sài, có khi sai, nhất là sai tên, không đúng hộ, sai thửa, nên làm không được.
Hộ bà Hường đặt mấy vấn đề về giá do nằm trên hai tuyến đường. Áp dụng thời điểm đó bà chưa đồng tình nên chưa nhận tiền bồi hoàn, hơn nữa sai thửa, sai bản đồ địa chính nên cưỡng chế không được", ông Thiều giải thích
Tính đúng, tính đủ cho dân thì không có thưa kiện
Chia sẻ về kinh nghiệm giải phóng mặt bằng sau vụ hai hộ dân này, ông Thiều cho rằng giải phóng mặt bằng phải làm đúng quy định từ khâu tư vấn giám sát, các phương án giải phóng mặt bằng (kiểm đếm, đo đạc) phải chính xác và phải áp dụng một giá để sau này người dân không kiện.
"Trước đây chúng ta làm giải phóng mặt bằng rất ngộ đời. Khi không áp dụng mút khung giá, dân thưa kiện thì tăng lên, người nào thưa kiện nhiều thì tăng lên càng nhiều nên gây ra sự bất công bằng.
Áp dụng cả tuyến một giá hết khung, không tăng nữa thì mới xong chuyện. Còn một tuyến đường lúc đầu áp giá 100.000 đồng/m2, kiện tụng thì tăng lên 120.000 đồng/m2 sau đó kiện tụng nữa rồi kéo dài, phải tăng lên và những người chấp hành đầu tiên thì thiệt thòi. Người càng kiện về sau càng có lợi thì người ta đeo bám cái đó hoài.
Cho nên giải phóng mặt bằng nghiêm túc là tính đúng, tính đủ cho người dân, mút khung cho người dân đi, có lợi cho người dân thì làm.
Đặc biệt mấy anh em giải phóng mặt bằng phải trong sạch, trong sáng, công tâm, khách quan, đo đếm chính xác, phương án đưa ra chính xác, hộ nào ra hộ đó, diện tích đất bao nhiêu thì bồi hoàn bấy nhiêu.
Đừng tin tư vấn quá rồi không đi kiểm tra, giám sát phương án bồi hoàn thực tế thế nào.
UBND tỉnh đã có chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng để làm con đường, dự án nào thì đoàn thể và công an đi trước để tuyên truyền, vận động coi các quy định về giải phóng mặt bằng có đúng hay không.
Khi người dân hiểu rồi thì thống nhất, giao cho mình. Tính đúng tính đủ cho dân, mút khung cho họ rồi thì sao họ kiện tụng mình được.
Mình đừng có làm một cách méo mó, không dân chủ khách quan người này ít người kia nhiều thì họ kiện tụng, dự án khó triển khai được", ông Thiều nói thêm.
Từ đó tới nay tuyến đường này chỉ còn hộ bà Nguyễn Thị Hường chắn ngang và khi bà Hường bàn giao mặt bằng, tuyến đường này sẽ hoàn toàn thông suốt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận