04/05/2018 21:24 GMT+7

Chủ tịch ADB: Thuế là công cụ giảm bất bình đẳng xã hội

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Chủ tịch Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao kêu gọi chính phủ các nước cần sử dụng chính sách thuế như một cách bảo vệ người lao động bị mất việc làm trước sự phát triển của các công nghệ.

Chủ tịch ADB: Thuế là công cụ giảm bất bình đẳng xã hội - Ảnh 1.

Chủ tịch ADB Takehiko Nakao tại buổi họp báo trong khuôn khổ hội nghị thường niên ADB lần thứ 51 - Ảnh: ADB

Trong "Triển vọng phát triển châu Á 2018" được phát hành vào tháng 4-2018, ADB cho biết người lao động cần nâng cao kỹ năng hoặc đối mặt với nguy cơ tiền lương thấp hơn và thậm chí thất nghiệp khi việc áp dụng các công nghệ mới thúc đẩy năng suất, dần thay thế một số công việc nhất định bởi máy móc.

Thực tế này buộc các quốc gia một mặt đầu tư cho số hóa, công nghệ nhưng mặt khác cũng phải đảm bảo cuộc sống của nhóm người dễ bị tổn thương này thông qua những khoản thu nhập, hay đào tạo, nâng cao kỹ năng cho họ. 

Ngoài ra, chính phủ cũng cần cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cung cấp giáo dục cho con em của những người đó.  

"Cnác quốc gia cần xem chính sách thuế như là một công cụ để điều tiết thu nhập, tạo công bằng xã hội", ông Takehiko Nakao nói. 

Theo ông Takehiko Nakao, chính sách thuế đa dạng sẽ là công cụ can thiệp thị trường, giảm bớt khoảng cách giàu nghèo thông qua các loại thuế như thuế tài sản, thuế tiêu lũy tiến…. 

"Tôi vừa có buổi trao đổi với đại diện của Trung Quốc và đề nghị chính sách thuế của Trung Quốc cần được cập nhật hơn nữa để đảm bảo đánh thuế vào người giàu, người đang nắm nhiều tài sản, chúng ta không nên chỉ chăm chăm vào đánh thuế của doanh nghiệp mà phải đa dạng loại thuế hơn", ông Takehiko Nakao nói.

Trong bản dự thảo "Chiến lược 2030", ADB cho biết bất bình đẳng thu nhập đã tăng lên ở một số nước và sự khác biệt về xã hội vẫn còn rõ. 

"Gần 80% dân số khu vực chịu sự bất bình đẳng gia tăng giữa những năm 1990 và 2000. 

Tỉ lệ nghèo vẫn cao hơn ở nông thôn so với khu vực thành thị, và có sự chênh lệch đáng kể trong sự tham gia giáo dục, việc tiếp cận điện, nguồn nước cũng như vệ sinh môi trường. 

"Những khoảng trống về giới tính trong năng suất lao động, tiền lương và thu nhập vẫn còn tồn tại, đặc biệt là ở các hộ gia đình do phụ nữ làm chủ. Sự bất bình đẳng gia tăng có thể làm suy yếu sự gắn kết xã hội, gây nguy hiểm cho sự ổn định xã hội và chính trị, và cản trở triển vọng kinh tế của khu vực" - ADB cho biết.

"Khi chúng tôi lựa chọn dự án để thực hiện, chúng tôi nhìn vào tính hiệu quả kinh tế, vào những lợi ích gián tiếp mà dự án đem lại trong đó ưu tiên sự phát triển, hỗ trợ, nâng cao giải quyết chất lượng sống của người dân", Chủ tịch Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Takehiko Nakao cho biết tại họp báo trong ngày đầu tiên của Hội nghị thường niên. 

Đến nay các khoản vay của Việt Nam từ ADB chiếm hơn 47% của khu vực ASEAN tương đương 7,8 tỉ USD. 

Theo ADB, các dự án hỗ trợ giáo dục chiếm khoảng 12% trong cơ cấu lĩnh vực đầu tư tại khu vực này. 

Cuộc họp thường năm nay diễn ra từ ngày 3 đến 6-5 tại Manila, trong bối cảnh tình chính địa chính trị khu vực châu Á có nhiều biến động, các xung đột chính trị ở một số quốc gia, chính sách hướng nội, bảo hộ thương mại trỗi dậy… những thách thức này đang đe dọa phát triển kinh tế của khu vực.

Gần 4.000 đại biểu gồm các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia kinh tế, đại diện chính phủ các nước… sẽ thảo luận về "Chiến lược 2030" của ADB để "đạt được một châu Á và Thái Bình Dương thịnh vượng, hòa nhập, bền vững và bền vững".

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên