Toàn bộ máy tàu hư hỏng dưới tàu vỏ thép của ông Trần Đình Sơn (xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) số hiệu BĐ 99245 TS được tháo ra sửa chữa - Ảnh: THÁI THỊNH |
Đưa chúng tôi xem bản hợp đồng đóng tàu với Công ty TNHH một thành viên Nam Triệu (Bộ Công an), ông Trương Hoài Khánh, chủ tàu vỏ thép BĐ 99279 TS ở TP Quy Nhơn (Bình Định), nói chua chát: “Chúng tôi lần đầu tiên vay một khoản tiền cực lớn để đóng một con tàu vỏ thép, nghĩ là chắc chắn, bền vững".
"Ngư dân không đủ trình độ để thẩm định các khâu sản xuất, lắp ráp máy móc, trang thiết bị cho con tàu hiện đại, nhưng nghĩ rằng có cơ quan đăng kiểm của Tổng cục Thủy sản kiểm tra giúp mình, còn nhà máy đóng tàu là của Bộ Công an chắc chắn cũng sẽ vì dân. Nào ngờ...”.
Chúng tôi tưởng cơ quan đăng kiểm là chỗ dựa của mình, không ngờ niềm tin của chúng tôi đã đặt sai chỗ! |
Ngư dân Trương Hoài Khánh |
“Đặt nhầm niềm tin”
Trong hợp đồng đóng tàu giữa bên A (chủ tàu) và bên B (Công ty Nam Triệu) ghi rõ bên B có trách nhiệm thi công đóng mới tàu theo đúng thiết kế được duyệt.
Toàn bộ quá trình thi công đóng mới tàu phải có sự giám sát của cán bộ kỹ thuật bên A và cơ quan đăng kiểm. Kết thúc mỗi điểm dừng kỹ thuật, bên A, bên B và cơ quan đăng kiểm tiến hành kiểm tra, nghiệm thu khối lượng hoàn thành, chất lượng công trình đóng mới tàu.
Bên B thực hiện các thủ tục về đăng kiểm với cơ quan đăng kiểm, đảm bảo tàu được cơ quan đăng kiểm cấp đủ giấy tờ pháp lý để đưa tàu vào hoạt động ngay sau khi bàn giao.
Tuy nhiên, theo ông Trương Hoài Khánh và một số ngư dân khác, vì nhà máy đóng tàu (ở Hải Phòng) quá xa nhà nên ngư dân không thể ở thường xuyên tại nhà máy trong 6-10 tháng đóng con tàu.
“Tôi ra nhà máy 4-5 lần. Có lần lãnh đạo nhà máy chỉ cho chúng tôi các thùng gỗ lớn trong xưởng, cho biết đó là máy tàu mới được nhập về, sẽ lắp cho tàu vỏ thép của chúng tôi. Khi họ lắp chúng tôi cũng không biết và không rõ chiếc máy nào được lắp xuống tàu của mình” - ông Khánh kể.
Cũng theo ông Khánh, quá trình thi công tàu, ông gặp đăng kiểm viên của Trung tâm đăng kiểm tàu cá Tổng cục Thủy sản vài lần.
“Tôi thấy chỉ có một đăng kiểm viên lúc cầm búa gõ gõ vào vỏ tàu, bảo chỗ này sơn chưa đạt, phải sơn lại, nhưng khi ông này đi thì phía Nam Triệu chẳng sơn sửa gì. Khi cho máy nổ thử tại bến cũng có đăng kiểm viên.
Rồi khi chạy thử đường dài khoảng 2-3 hải lý, đăng kiểm viên cũng có mặt. Tôi không hiểu sao họ không phát hiện ra những chiếc máy chính lắp trên tàu của chúng tôi là máy bộ cải hoán thành máy thủy, để dẫn đến thiệt hại như bây giờ” - ông Khánh nói.
Và ông buồn bã: “Chúng tôi tưởng cơ quan đăng kiểm là chỗ dựa của mình, không ngờ niềm tin của chúng tôi đã đặt sai chỗ!”.
Ông Trần Đình Sơn - chủ tàu vỏ thép BĐ 99245 TS ở huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định), cũng đóng tàu ở Công ty Nam Triệu - cho biết đăng kiểm viên làm việc với nhà máy, ngư dân không hề ký vào loại giấy tờ đăng kiểm nào.
Cũng theo ông Sơn, trong hợp đồng đóng tàu của ông, chính chủ tàu phải trả phí cho cơ quan đăng kiểm hơn 51 triệu đồng, được tính chung vào chi phí toàn bộ của việc đóng tàu.
Ngư dân Trương Hoài Khánh đọc bản photo sổ đăng kiểm tàu vỏ thép của ông do Trung tâm đăng kiểm tàu cá Tổng cục Thủy sản cấp - Ảnh: DUY THANH |
Máy phát điện “nhái” hàng xịn
Ngày 16-6, ông Phan Trọng Hổ - giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định - cho biết đã họp tổ thẩm định độc lập để đôn đốc, đẩy nhanh việc báo cáo kết quả thẩm định 17 chiếc tàu vỏ thép hư hỏng do Công ty Nam Triệu và Công ty TNHH một thành viên Đại Nguyên Dương (Nam Định) đóng cho ngư dân tỉnh này.
“Vì phải chờ kết quả kiểm định mẫu thép từ TP.HCM và văn bản trả lời của Tập đoàn Mitsubishi Nhật Bản về các máy thủy mang nhãn hiệu của hãng này được lắp cho tàu của ngư dân Bình Định, nên khả năng đến ngày 25-6 mới có thể công bố kết quả” - ông nói.
Theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ, kết quả sơ bộ của đợt thẩm định cho thấy Công ty Nam Triệu dùng thép Hàn Quốc đóng tàu, nhưng quy trình sơn không đảm bảo; còn Công ty Đại Nguyên Dương thì trong biên bản nghiệm thu để tính chi phí ghi là thép Hàn Quốc, nhưng trong chứng thư xuất xứ nhãn mác thép lại là thép Trung Quốc.
Về máy, nguồn tin cho hay ngoài các máy Mitsubishi nghi là dùng máy bộ cải hoán để lắp cho tàu vỏ thép do Công ty Nam Triệu đóng, tổ thẩm định còn phát hiện một số máy phát điện dán mác Mitsubishi và Cummins nhưng “ruột” không phải hàng chính hãng!
Riêng máy thủy hiệu Doosan của tàu ông Trần Đình Sơn, nguồn tin cho biết nguyên nhân gãy trục máy là do sau khi máy này bị trục trặc, Công ty TNHH ôtô Đông Hải (đơn vị phân phối máy thủy Doosan ủy quyền tại VN) đã đưa thiết bị vào thay thế là ba bộ pittông, xilanh và buồng nổ.
“Tuy nhiên, những thiết bị này không đồng bộ với phần còn lại của máy nên khi hoạt động máy bị gãy trục” - nguồn tin cho biết.
Vài ngày trước đó, ông Bùi Thanh Hải - giám đốc Công ty TNHH ôtô Đông Hải - nói với phóng viên rằng có đầy đủ bằng chứng cho thấy máy tàu ông Sơn hỏng là do vận hành của ngư dân không đúng cách. Tuy nhiên, chiều 16-6, chúng tôi liên lạc với ông Hải nhiều lần nhưng ông không nhấc máy.
Tổng cục Hậu cần làm việc vụ tàu hỏng Ông Trần Châu - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - cho biết sáng 16-6, thiếu tướng Nguyễn Văn Dư - phó tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần (Bộ Công an) - đã làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định về vụ nhiều tàu vỏ thép do Công ty Nam Triệu đóng cho ngư dân tỉnh này bị hư hỏng. Tại cuộc làm việc, ông Dư yêu cầu Tổng cục Hậu cần - Bộ Công an chỉ đạo để Công ty Nam Triệu ngay trong tháng 6-2017 phải sửa chữa khẩn cấp những hư hỏng của các chiếc tàu vỏ thép do công ty này đóng đã phát sinh hư hỏng. Ông Dư chia sẻ rằng để xảy ra việc một số tàu vỏ thép do công ty thuộc tổng cục đóng xuất hiện hư hỏng như vừa qua là điều đáng tiếc. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận