07/06/2014 08:17 GMT+7

Chủ tàu cá 90152 quyết kiện đến cùng

Đ.NAM - Đ.CƯỜNG
Đ.NAM - Đ.CƯỜNG

TT - Bà Huỳnh Thị Như Hoa (Q.Thanh Khê, Đà Nẵng) đã cùng chồng chính thức viết đơn nhờ luật sư trợ giúp pháp lý kiện tàu Trung Quốc cố tình đâm chìm tàu cá của gia đình bà vào chiều 26-5 trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam.

9GOTsc6k.jpg
Luật sư Đỗ Pháp (trái) đại diện cho bà Huỳnh Thị Như Hoa trong vụ kiện tàu Trung Quốc - Ảnh: Đoàn Cường

Người nhận trợ giúp pháp lý là luật sư Đỗ Pháp (văn phòng luật sư Đỗ Pháp, Đoàn luật sư Đà Nẵng).

Khẳng định quyền tài phán của mình

Chiều tối 5-6 tại văn phòng luật sư Đỗ Pháp (Đà Nẵng), trước sự chứng kiến của ông Trần Văn Lĩnh - quyền chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng, bà Huỳnh Thị Như Hoa (chủ tàu cá ĐNa 90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm) đã viết đơn nhờ luật sư trợ giúp pháp lý. Theo đơn, bà Hoa đề nghị luật sư Đỗ Pháp giúp đỡ pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong vụ kiện yêu cầu phía Trung Quốc bồi thường thiệt hại. Đồng thời, luật sư Đỗ Pháp sẽ là đại diện đứng ra bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Hoa. Trong đó, ông Pháp sẽ đại diện cho bà Hoa đến khi kết thúc vụ kiện và miễn phí hoàn toàn cho bà Hoa trong quá trình tham gia tố tụng.

Ông Trần Văn Lĩnh nói: “Việc khởi kiện là để chúng ta khẳng định với thế giới về quyền tài phán của mình. Trước mắt chúng tôi hướng dẫn chị Hoa làm các thủ tục để kiện tại tòa trong nước, nếu bị đơn là chủ tàu Trung Quốc vắng mặt thì khả năng chúng tôi sẽ hỗ trợ chị Hoa kiện ra Tòa án Luật biển quốc tế, có trụ sở tại Hamburg (Đức). Đây là tòa án cho phép một công dân một nước có thể khởi kiện một nhà nước vi phạm về Luật biển quốc tế”.

Sẽ theo đuổi đến cùng

Ông Đỗ Pháp phân tích: “Vị trí tàu vỏ sắt 11209 của Trung Quốc đâm chìm tàu ĐNa 90152 thuộc vùng biển Hoàng Sa vốn là một đơn vị hành chính cấp huyện của Đà Nẵng, thuộc quyền tài phán của Việt Nam. Vì vậy, nơi thụ lý vụ kiện là TAND TP Đà Nẵng, do vậy chúng tôi đã hướng dẫn bà Hoa làm đơn khởi kiện tàu Trung Quốc ra TAND TP Đà Nẵng. Hiện các cơ sở pháp lý như nhân chứng (mười ngư dân trên tàu cá bị chìm), vật chứng (tàu cá ĐNa 90152 đã được trục vớt và đưa lên bờ), thời gian (16g ngày 26-5-2014), địa điểm (vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam), chứng cứ (clip do ngư dân quay lại) đã được tập hợp đầy đủ. Như vậy bà Hoa đủ điều kiện để khởi kiện chủ tàu vỏ sắt của Trung Quốc ra tòa nhằm đòi bồi thường thiệt hại tại TAND TP Đà Nẵng. Trong đó, nguyên đơn là gia đình bà Hoa, bị đơn là chủ tàu vỏ sắt 11209 của Trung Quốc” - luật sư Đỗ Pháp chia sẻ.

Tuy nhiên, theo ông Pháp, cái khó hiện nay là phải tìm cho ra tên tuổi, địa chỉ của bị đơn (phía Trung Quốc): “Đây là yếu tố quan trọng nhất trong vụ án này. Trong trường hợp không tìm ra bị đơn buộc lòng chúng tôi phải đề nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam và Trung Quốc phối hợp để xác định cho được lai lịch của bị đơn”. Theo ông Pháp, vấn đề này có thể thực hiện được bởi giữa Việt Nam và Trung Quốc có ký kết hiệp định tương trợ tư pháp. Ông Pháp cũng nói thêm: “Chúng ta đã xác định được số hiệu tàu vỏ sắt gây chìm là tàu 11209, và phía Trung Quốc cũng thừa nhận điều đó rồi. Bây giờ cần xem là tàu vỏ sắt 11209 đó thuộc chủ sở hữu của cá nhân nào, hoạt động độc lập hay đang phục vụ cho giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc... Từ đó xác định chủ sở hữu thật sự của tàu này”.

“Trước mắt chúng tôi đang chuẩn bị hoàn tất hồ sơ khiếu kiện để gửi đến TAND TP Đà Nẵng trong tuần tới, khi đó nếu phát sinh thêm các vấn đề pháp lý khác thì chúng tôi sẽ bổ sung để theo vụ kiện đến cùng. Tòa án Luật biển quốc tế là một trong những địa chỉ mà chúng tôi đã ngắm đến” - ông Pháp nói. Chiều 6-6, ông Đặng Ánh - phó chánh án TAND TP Đà Nẵng - cho biết hiện TAND TP Đà Nẵng vẫn chưa nhận được đơn khởi kiện của bà Hoa. Ông Ánh cũng cho biết mọi công dân đều có quyền gửi đơn kiện đến bất cứ tòa án nào trong hay ngoài nước.

Việt Nam gửi công hàm lần 2 phản đối Trung Quốc

Ngày 6-6, Bộ Ngoại giao cho biết Việt Nam đã gửi công hàm lần 2 tới Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ) để cập nhật tình hình vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và các hoạt động gây hấn của tàu thuyền Trung Quốc tại khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Trong công hàm này, phái đoàn Việt Nam tại Geneva cũng kiên quyết bác bỏ những luận điệu vu cáo, bịa đặt trắng trợn của phía Trung Quốc nêu trong công hàm mà phái đoàn của họ gửi cho các tổ chức quốc tế và phái đoàn đại diện thường trực các nước tại Geneva ngày 2-5. Công hàm của Việt Nam nêu bật chủ trương và thái độ thiện chí của Nhà nước Việt Nam trong việc kiên trì giải quyết tranh chấp bằng hòa bình và trên cơ sở luật pháp quốc tế cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên tại biển Đông.

H.GIANG

GS.TS luật Nguyễn Vân Nam:

3 cách khởi kiện khả thi

Trên lý thuyết bà Hoa có thể kiện tại một tòa án có thẩm quyền của Việt Nam, như TAND TP Đà Nẵng chẳng hạn, theo thủ tục hình sự và cả dân sự. Vì nơi xảy ra hành vi hủy hoại tài sản nằm trong vùng đặc quyền kinh tế biển mà Việt Nam có chủ quyền và toàn quyền tài phán. Để vừa khẳng định hành vi phá hoại tài sản, vừa buộc Trung Quốc bồi thường thiệt hại, trước tiên bà Hoa phải làm đơn tố cáo yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố vụ án. Thủ tục tố tụng hình sự sẽ được tiếp tục khi cơ quan điều tra xác định được có dấu hiệu phạm tội và người thực hiện hành vi phạm tội là ai.

Hàng loạt khó khăn xuất hiện trong quá trình điều tra, đặc biệt là xác định thủ phạm, sẽ khiến việc khởi tố bị can và đưa ra xét xử rất dễ trở thành bất khả thi. Nếu chỉ muốn bồi thường thiệt hại, bà Hoa có thể trực tiếp khởi kiện Trung Quốc tại TAND TP Đà Nẵng theo thủ tục dân sự. Tuy nhiên, dù có thắng kiện, bà Hoa cũng rất khó nhận được tiền bồi thường. Vì việc thi hành bản án, dù ở Việt Nam, là rất khó khăn, mặc dù về lý thuyết cơ quan thi hành án Việt Nam có quyền phong tỏa tài sản của Nhà nước Trung Quốc tại Việt Nam để buộc Trung Quốc phải trả tiền bồi thường cho bà Hoa. Dù rất khó nhận được tiền bồi thường, nhưng ngay bây giờ bà Hoa đã phải trả tiền tạm ứng án phí cho vụ kiện dân sự, nếu muốn tòa thụ lý vụ án. Tiền tạm ứng án phí này khoảng 56,5 triệu đồng.

Bà Hoa cũng có thể khởi kiện Trung Quốc tại Tòa án Luật biển quốc tế (ITLOS) có trụ sở tại Hamburg (Đức), buộc Trung Quốc bồi thường thiệt hại và thực hiện các yêu cầu khác của bà. Các yêu cầu khởi kiện cụ thể chỉ có thể được xác định sau khi đánh giá toàn diện chứng cứ và hoàn tất hồ sơ khởi kiện. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng nếu bà Hoa khởi kiện thì phán quyết của Tòa ITLOS chỉ có hiệu lực và giá trị đối với bà Hoa chứ không phải cho tất cả ngư dân Việt Nam.

Để bảo vệ ngư dân lâu dài và toàn diện, có ba hướng khởi kiện - đều khả thi cả - tại ITLOS:

Thứ nhất, ngư dân khởi kiện thông qua đại diện của mình là Hội Nghề cá Đà Nẵng.

Thứ hai, Nhà nước khởi kiện yêu cầu ITLOS ra phán quyết xác định việc Trung Quốc dùng tàu đâm tàu Việt Nam, phá hoại phương tiện đánh bắt của ngư dân Việt Nam là hành vi sử dụng vũ lực.

Cách thứ ba kết hợp một cách khéo léo cả hai hình thức khởi kiện trên.

QUỐC VIỆT ghi

Đ.NAM - Đ.CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên