07/11/2023 10:40 GMT+7

Chữ 'quen' đi liền chữ 'quyền'

Thủ tục hành chính phiền hà, pháp luật nhập nhằng, không rõ ràng, bị áp dụng tùy tiện cũng là vấn đề góp phần quan trọng làm cho quyền lực ngầm trỗi dậy.

Thông tin để suy ngẫm: Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, trong thảo luận tổ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nói: "Dân bây giờ đụng chuyện là nghĩ ngay đến việc mình có quen với ai không. Tư duy đó là chết rồi, nó phản ánh tiêu cực xã hội. Lẽ ra dân khó là phải nghĩ ngay đến chính quyền, nghĩ ngay đến ủy ban, đến pháp luật. Đấy mới là tư duy lành mạnh. Và chúng ta cần hướng tới điều này".

Tình tiết một vụ án: Trong vụ đưa và nhận hối lộ tại dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, cựu giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai Bồ Ngọc Thu khai trước khi duyệt kinh phí bổ sung, bà có báo cáo việc xin vốn đầu tư sẽ gặp khó khăn.

Cựu bí thư Trần Đình Thành liền nói để liên hệ nhờ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty AIC. Kết cục là việc xin vốn diễn ra thuận lợi, Công ty AIC trúng thầu cung cấp thiết bị.

Truyền thuyết thời đại: Trên đường phố, một cậu ấm va chạm xe hơi với một công tử. Hai bên cự cãi, thấy yếu thế, cậu ấm liền móc điện thoại gọi đám đệ tử tới vây chặt cậu công tử. Khi lực lượng chức năng có mặt, cậu ấm liền độp ngay: "Các ông biết bố tôi là ai không? Tránh ra để tôi tự xử".

Thân cô thế cô, cậu công tử đành xuống nước để thoát thân. Tối hôm đấy, bố của cậu ấm tự động dắt con tới nhà gặp bố con cậu công tử và năn nỉ: "Cháu nó dại, dám xúc phạm bề trên, xin anh rộng lòng tha thứ".

Mọi cái đều êm xuôi sau khi bố cậu ấm đặt lên bàn chiếc phong bì "đền bù danh dự" to tướng. Cậu công tử tiễn bố con cậu ấm ra về, không quên nói với theo: "Mày biết bố tao là ai rồi đấy".

Từ những "mệnh đề" nêu trên cho thấy Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có lý do để bày tỏ một hiện trạng có thật. Tại sao người dân lại phải sử dụng kênh "lề trái" mỗi khi "đụng chuyện"?

Nói một cách nghiêm túc là niềm tin của người dân vào công quyền bị giảm sút. Đây là thực tế đáng buồn đang diễn ra trước mắt mọi người. Điều này rất bất bình thường, rất đáng lo ngại!

Nó tạo nên một thế lực không ngai, đạp lên mọi ràng buộc pháp luật, vô hiệu hóa hệ thống quản lý. Đó là một thứ trật tự hỗn loạn, bất chấp đạo đức, văn minh, thể chế.

Trật tự hỗn loạn làm nảy sinh thói quen nguy hiểm. Nó khiến cho nhận thức về quan hệ giữa người dân với cơ quan công quyền trở nên méo mó, lệch lạc.

Người dân cho rằng cơ quan công quyền không giải quyết nhanh, rốt ráo, thỏa đáng về những vướng mắc, trắc trở trong đời sống. Thế là họ tìm đến "ông nọ, bà kia" để... "chạy". "Văn hóa chạy" xuất phát từ nhiều thứ, trong đó có chuyện bất ổn từ cơ quan công quyền.

Ngay cả cán bộ cũng có cách nghĩ tương tự, họ luôn ứng xử theo kiểu "nhất quen, nhì quyền" như trường hợp của ông cựu bí thư Đồng Nai nhờ cậy bà cựu chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn là tương đối phổ biến.

Tham nhũng, tiêu cực, biếng nhác, vô cảm, lạm dụng trách nhiệm là nguyên nhân của tất cả căn bệnh. Thủ tục hành chính phiền hà, pháp luật nhập nhằng, không rõ ràng, bị áp dụng tùy tiện cũng là vấn đề góp phần quan trọng làm cho quyền lực ngầm trỗi dậy.

Nếu tiếp tục buông lỏng, không nhanh chóng hoàn thiện các cơ chế kiểm soát thì cái thứ "tư duy" kỳ dị ấy sẽ tiếp tục gieo rắc mầm mống độc hại, chống lại mọi cố gắng xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Xin lỗi vì giải quyết thủ tục hành chính kéo dài... 11 nămXin lỗi vì giải quyết thủ tục hành chính kéo dài... 11 năm

Ngày 16-10, UBND TP Nam Định, tỉnh Nam Định gửi thư xin lỗi tới một hộ gia đình trên địa bàn vì giải quyết thủ tục hành chính quá hạn, kéo dài đến hơn 11 năm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên