Tự chữa đau răng suýt tử vong vì viêm tấy sàn miệng
Bệnh viện Quân y 175 vừa phẫu thuật cấp cứu kịp thời cứu sống bệnh nhân N.V.T. (49 tuổi, TP.HCM) bị viêm tấy sàn miệng lan tỏa. Trước khi nhập viện, bệnh nhân đã đau răng 10 ngày, tự điều trị kháng sinh nhưng bệnh không giảm, sốt cao, sưng nề sàn miệng, dưới hàm, khó nuốt, nói khó do cứng hàm.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở nhiều, lưỡi - sàn miệng phù nề, sưng nề dưới hàm, cổ phải và được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết đường vào từ viêm tấy sàn miệng lan tỏa do răng.
ThS Đỗ Văn Tú, khoa hàm mặt, Bệnh viện Quân y 175, cho biết viêm tấy lan tỏa vùng sàn miệng là bệnh lý nhiễm khuẩn diễn biến cấp tính và rất nguy hiểm.
Những trường hợp nặng thường là do đến muộn, bản thân có một số bệnh gây suy giảm miễn dịch cơ thể như bệnh đái tháo đường, người bệnh có thể tử vong nhanh chóng do nhiễm trùng nhiễm độc, đặc biệt do ảnh hưởng đến đường hô hấp vì bị khối mủ đè ép vùng hầu họng và lưỡi, chèn khí quản, thậm chí đẩy lệch khí quản sang bên đối diện, người bệnh không nuốt cũng không thở được.
Tương tự, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Việt Đức... cũng có nhiều bệnh nhân nhập viện muộn. Trường hợp bệnh nhân nam, 56 tuổi, tiền sử đái tháo đường nhiều năm, bệnh nhân vào viện trong tình trạng sưng nề, ấn đau vùng cằm, bờ hàm dưới bên trái, vị trí răng 31, 32, 41 đau nhiều.
Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh nhân đã được khẩn trương làm xét nghiệm, chụp phim và được chẩn đoán viêm tấy lan tỏa sàn miệng. Ngay sau đó, bệnh nhân đã được mổ cấp cứu dẫn lưu dịch mủ, sử dụng phối hợp 2 kháng sinh... để điều trị.
PGS.TS Nguyễn Đức Chính, trưởng khoa phẫu thuật nhiễm khuẩn Bệnh viện Việt Đức, khuyến cáo nếu thấy các dấu hiệu biến chứng bệnh viêm tấy sàn miệng lan tỏa cần sớm đến các cơ sở y tế có chuyên môn để điều trị, tuyệt đối không được tự điều trị sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Thời gian gần đây Bệnh viện Việt Đức đã điều trị nhiều trường hợp viêm tấy sàn miệng lan tỏa hầu hết nguyên nhân do răng đạt kết quả tốt. Tuy nhiên cũng có những trường hợp tử vong do đến muộn, tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc hôn mê, mặc dù được phẫu thuật và hồi sức vẫn không thể cứu được.
Theo BS Trương Xuân Quý - chủ nhiệm khoa răng hàm mặt, Bệnh viện Quân y 175, viêm tấy sàn miệng lan tỏa vùng hàm mặt là bệnh nhiễm trùng trên 90% liên quan đến nhiễm trùng răng miệng. Các yếu tố nguy cơ bao gồm tiểu đường, bệnh ác tính ở miệng, sâu răng, nghiện rượu, suy dinh dưỡng và tình trạng suy giảm miễn dịch.
Bệnh có nguy cơ tử vong cao do viêm tấy lan tỏa sàn miệng bao gồm 3 khoang: dưới lưỡi, dưới cằm và dưới hàm. Bệnh diễn biến nhanh và nặng, điều trị khó khăn và kéo dài. Nguyên nhân ban đầu thường là do viêm nhiễm vùng răng miệng và các tuyến nước bọt, sau đó tiến triển nhanh với các triệu chứng toàn thân và tại chỗ.
Toàn thân thường biểu hiện mệt mỏi, sốt cao, tại chỗ sưng nề nhanh, nóng đỏ, lan rộng xuống vùng thấp và vào sâu bên trong, nguy cơ chèn ép đường thở và lan vào trung thất gây khó thở, tử vong nhanh.
Nhiễm trùng nặng có thể gây nhiễm khuẩn huyết. Việc điều trị phải sử dụng kháng sinh liều cao, phổ rộng, phối hợp kháng sinh, theo kháng sinh đồ. Phẫu thuật dẫn lưu dịch mủ kịp thời là nhân tố quan trọng giảm nguy cơ chèn ép đường thở và lan xuống trung thất.
Điều trị các bệnh lý vùng miệng và bệnh lý rối loạn chuyển hóa như bệnh đái tháo đường để dự phòng bệnh. Nếu thấy các dấu hiệu biến chứng bệnh viêm tấy sàn miệng lan tỏa, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế có chuyên môn để điều trị, tuyệt đối không được tự điều trị vì sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Vệ sinh và điều trị đúng bệnh lý răng miệng để tránh bệnh
Viêm tấy sàn miệng lan tỏa là căn bệnh đến từ răng miệng, nên có thể dự phòng nếu vệ sinh răng miệng tốt và phát hiện điều trị sớm bệnh lý răng miệng đúng cách.
Bác sĩ Lê Kim Nhã, Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cảnh báo những bữa tiệc tần suất dày đặc, với đầy ắp thức ăn, rượu bia, nước ngọt hay bánh kẹo chính là tác nhân phá hoại môi trường răng miệng.
Chính thức ăn dính kẽ răng không được vệ sinh sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn khoang miệng phát triển. Vì vậy, để phòng tránh bệnh này cần thực hiện:
- Chế độ ăn: Hạn chế ăn quá nhiều hoặc ăn vặt, ăn quá nhiều bữa trong ngày. Giảm đồ ăn ngọt như bánh kẹo, nước ngọt, nước có gas hay rượu bia và tăng thức ăn có nhiều chất xơ như rau củ.
- Vệ sinh răng miệng thường xuyên sau mỗi bữa ăn: Nên đánh răng và vệ sinh kẽ răng bằng chỉ tơ nha khoa sau mỗi bữa ăn để đảm bảo loại bỏ thức ăn thừa dính kẽ.
- Kiểm soát tốt bệnh lý mạn tính như đái tháo đường: Cần theo dõi và kiểm soát tốt đường huyết, duy trì chế độ ăn cho người bệnh tiểu đường. Đảm bảo vệ sinh cá nhân cả ngoài da lẫn trong khoang miệng.
- Phát hiện và điều trị sớm: Nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu viêm nhiễm nào của vùng hàm mặt, hoặc bất thường răng miệng, cần đến cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất để được thăm khám và điều trị sớm. Tránh những biến chứng không mong muốn do đến quá muộn.
Tỉ lệ mắc đái tháo đường hiện chiếm khoảng 7,3% dân số Việt Nam, trong số những người này khi có bệnh lý về răng miệng nếu không được điều trị tích cực kịp thời rất dễ gây viêm nhiễm trùng lan tỏa hàm mặt, có khi lan xuống cả trung thất, nguy cơ tỉ lệ tử vong cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận