26/05/2020 10:01 GMT+7

Chủ nợ đổ nợ

NGỌC TÀI
NGỌC TÀI

TTO - Hàng chục hộ dân trồng quýt ở huyện Lai Vung, Đồng Tháp đi kiện chủ vựa mua quýt do không trả số tiền hơn 3 tỉ đồng. Tiền không đòi được, 'chủ nợ' nay đổ nợ, túng quẫn sau khi 'con nợ' đã kịp sang tên tài sản cho người thân.

Chủ nợ đổ nợ - Ảnh 1.

Những nông dân trồng quýt sau nhiều năm lao đao vì không đòi được tiền bán quýt Ảnh: NGỌC TÀI

Và những người bị quỵt tiền càng khốn đốn hơn sau một vụ chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhanh bất thường (chỉ trong một ngày) ở huyện Lai Vung. Gia sản đi tong sau thương vụ mua bán nông sản này. Và bà con đã gọi đến báo Tuổi Trẻ phản ảnh sự việc.

Trắng tay

Từ tháng 4-2018, Tòa án nhân dân huyện Lai Vung bắt đầu thụ lý đơn kiện bà chủ vựa quýt Trần Thị Minh Thùy (xã Phong Hòa, huyện Lai Vung) chây ì không trả tiền mua quýt.

Ông Phạm Văn Hùng - người đầu tiên nộp đơn kiện bà Thùy - kể lúc đó bà Thùy năn nỉ, thừa nhận có thiếu nợ và hứa trả nợ. Ai đâu ngờ một mặt hứa hẹn, năn nỉ, một mặt bà này tẩu tán hết tài sản.

Ông Bùi Quang Võ vẫn còn nhớ như in vụ quýt hồng tết 2018, nhà ông bán quýt cho vựa bà Thùy số tiền 367 triệu đồng. Cả nhà vui mừng vì vụ quýt trúng lớn, nhưng ông thành con nợ vì quýt đã bán xong nhưng không nhận được tiền để chi trả các khoản chi trong mùa vụ.

Ông Phạm Văn Cường, một nạn nhân chưa đòi được hơn 200 triệu đồng tiền quýt, rầu rĩ cho biết: "Có gần 20 người từng có đơn kiện bà Thùy, nhiều người thấy tụi tui đi kiện mấy năm nay mà thành trắng tay nên không đeo theo".

Bi đát nhất là tình cảnh bà Phạm Thị Diệu Hiền, người từng mua quýt cho chủ vựa Minh Thùy. Tiền mua quýt bà đã trả cho nhà vườn, quýt bán hết cho vựa nhưng đến nay bà Hiền vẫn không thu về được tiền hơn 1 tỉ đồng. 

Bà Hiền vừa vay ngân hàng vừa vay nóng bên ngoài, "lãi mẹ đẻ lãi con" số tiền nợ đã lên đến hơn 2 tỉ đồng. "Nhiều lúc túng quẫn tui muốn chết cho xong", bà Hiền nức nở kể.

Thời điểm mua quýt, bà Thùy sở hữu 16 thửa đất, nằm rải rác ở hai xã Tân Thành và Phong Hòa, tổng diện tích hơn 1,9ha. 

Trong đó có nhiều thửa nằm mặt tiền đường lớn, giá trị thị trường cao. Ngày 31-5-2018 (không lâu sau khi bị kiện đòi tiền quýt), bà Thùy nộp hồ sơ chuyển quyền sử dụng 16 thửa đất sang cho em ruột là bà Trần Diễm Thúy. 

Thủ tục chuyển nhượng được thực hiện "thần tốc" chỉ trong một ngày. Từ đó, những "chủ nợ" khốn khổ mất ăn mất ngủ, đứng ngồi không yên trong cảnh nợ nần chồng chất, vốn liếng không còn.

Vụ kiện năm 2018 đã hòa giải thành công sau khi bà Thùy hứa sẽ trả nợ. Nhưng sau khi bán đất, chủ vựa quýt không còn tài sản trả nợ nên không thể thi hành án. Những nông dân trồng quýt nuốt ấm ức vào lòng, đến nay vẫn không đòi được tiền. 

Từ chủ nợ, họ thành con nợ của ngân hàng, tín dụng đen, đại lý vật tư nông nghiệp... Chuyện học hành của con cái nguy cơ dở dang, gia cang lục đục.

Làm rõ vụ việc nhanh bất thường

Tháng 4-2020, thanh tra Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Đồng Tháp đã có kết luận khẳng định thủ tục chuyển nhượng 16 thửa đất của bà Thùy cho em ruột xong trong một ngày là nhanh bất thường.

Hồ sơ chuyển nhượng của bà Thùy cũng bị phát hiện nhiều sai sót như thiếu giấy xác nhận trực tiếp canh tác đất nông nghiệp của UBND xã Tân Thành. 

Giấy xác nhận trực tiếp canh tác đất nông nghiệp do UBND xã Phong Hòa xác nhận không có chữ ký của người làm đơn, ngày làm đơn là 31-5-2018 nhưng UBND xã xác nhận lại vào ngày 8-5-2018 (trước cả ngày làm đơn?!). Đơn xác nhận quan hệ chị em ruột để miễn giảm thuế cũng có sai sót.

Khi phóng viên Tuổi Trẻ liên hệ trực tiếp Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Lai Vung, giám đốc chi nhánh Trần Thanh Tuấn từ chối cung cấp thông tin, yêu cầu liên hệ Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Đồng Tháp.

Ông Lê Quang Trí, giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Đồng Tháp, cho biết: "Nếu khách quan, việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai cho người dân nhanh là rất hoan nghênh. 

Tôi xin nhấn mạnh là phải khách quan, còn vụ việc này thanh tra cũng đã kết luận là nhanh bất thường. Tôi đang thực hiện các bước để làm rõ việc nhanh bất thường này có tư lợi hay không để giải quyết đến nơi đến chốn".

Kết luận thanh tra cũng kiến nghị nhắc nhở, phê bình, xử lý trách nhiệm đối với những cá nhân có liên quan để xảy ra sai sót trong hồ sơ. Hiện tại, UBND huyện Lai Vung và Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Đồng Tháp đang tiến hành trên tinh thần kiến nghị của thanh tra sở.

Kết luận "bất thường" là chưa đủ

Theo luật sư Trần Thanh Phong - Đoàn luật sư TP Cần Thơ, vụ việc này cần phải làm rõ số tiền quýt của nông dân, chủ vựa quýt đã sử dụng vào mục đích gì, lý do gì chưa trả tiền quýt lại đi chuyển nhượng hết đất.

Hành vi tẩu tán tài sản và không trả nợ (nếu chứng minh được) có thể đó là dấu hiệu của hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định trong Luật hình sự.

Kết luận thanh tra chỉ đánh giá bất thường, theo tôi, thì chưa đủ, phải làm rõ vì sao có sự bất thường này, có việc cố ý giúp sức cho con nợ tẩu tán tài sản hay không.

Doanh nghiệp hứa tài trợ làm đường, cả thôn... đổ nợ Doanh nghiệp hứa tài trợ làm đường, cả thôn... đổ nợ

TTO - Được doanh nghiệp hứa làm đường theo hình thức "chìa khóa trao tay" nhưng người dân mãi không thấy thực hiện, thậm chí đã bị khởi tố. Thôn đành phải đứng ra gánh khoản nợ này.

NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên