Rất đông khán giả là fan của Ngày xửa ngày xưa đã đến với buổi giao lưu để được trò chuyện, gặp gỡ cùng những nghệ sĩ thân quen của Ngày xửa ngày xưa như Đình Toàn, Quang Thảo, Hoàng Trinh, Bạch Long, Mỹ Duyên, Đông Hải…
Hành trình ngược của Ngày xửa ngày xưa
Ông Huỳnh Anh Tuấn, giám đốc Nhà hát kịch Idecaf, đơn vị đã thực hiện Ngày xửa ngày xưa được 24 năm với 35 chương trình, cho biết hồi nào tới giờ người ta thường thấy sách, truyện được chuyển thể thành kịch, phim thì đây có vẻ là lần hiếm hoi và khá… ngược khi một vở kịch thiếu nhi được chuyển thể thành truyện tranh.
Ông kể bà Phan Thị Lệ, giám đốc Phanbook - đơn vị phối hợp xuất bản quyển truyện tranh, là bạn ông hơn 40 năm. Một ngày bà gọi ông hỏi: "Tuấn ơi có dám làm truyện tranh không?". Sau khi suy nghĩ, ông quyết định làm như là thêm một kênh để lan tỏa Ngày xửa ngày xưa.
Nghệ sĩ Quang Thảo, tác giả kịch bản Ngày xửa ngày xưa 33, tâm sự đây là vở kịch có nhiều kỷ niệm với anh.
Kịch bản này Quang Thảo viết ngay sau đại dịch trong tâm thế khá lo lắng không biết khán giả sẽ đến rạp như thế nào.
Tuy nhiên, vở đã đạt được nhiều thành công. Diễn được 55 suất, phục vụ gần 60.000 lượt khán giả.
Vở đoạt được giải A của Hội Sân khấu TP.HCM, được Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM vinh danh tác phẩm tiêu biểu năm 2023.
Vừa qua, một đoạn của tác phẩm cũng được đưa vào sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5, tập 2.
Nhưng khi làm việc với ê kíp chuyển thể sang truyện tranh, Quang Thảo cho biết anh hoàn toàn tôn trọng sự sáng tạo của họ bởi mỗi loại hình có đặc trưng riêng.
Phan Kim Thanh - họa sĩ chính của quyển truyện tranh - thổ lộ cô là fan của Ngày xửa ngày xưa từ thời học cấp II. Vì vậy, khi vẽ các nhân vật, cô muốn giữ sát nhất với nguyên tác. Trong khi vẽ, cô chắt lọc những đặc điểm trên khuôn mặt của từng diễn viên mình yêu quý để đưa vào nhân vật.
"Làm sao biến người thật trở thành truyện tranh nhưng phải giữ nét quen thuộc vì tôi tôn trọng công sức của diễn viên, tôn trọng sự yêu mến của fan dành cho Ngày xửa ngày xưa" - Kim Thanh nói.
Đạo diễn Đình Toàn bày tỏ sự thích thú và cho rằng các nhân vật được họa sĩ vẽ trong truyện tranh rất đẹp, đặc biệt là… Sinbad (nhân vật do Đình Toàn thủ diễn).
Hạnh phúc vì được… trả nợ
Buổi giao lưu rất sôi nổi, cứ mỗi khi diễn viên nào xuất hiện là khán giả hét vang tên nhân vật và vỗ tay rần rần.
Không chỉ nói về quyển truyện tranh mà có nhiều câu hỏi còn xoay quanh những chuyện của Ngày xửa ngày xưa.
Xúc động trước tình cảm của khán giả, đại diện Nhà hát kịch Idecaf nhấn mạnh các diễn viên bền bỉ tham gia Ngày xửa ngày xưa hầu hết phải là vì mê con nít.
Ngày xửa ngày xưa với họ không chỉ là dịch vụ, kiếm sống mà còn là hành trình của trách nhiệm và trái tim.
Đại diện nhà hát nói: "Chúng tôi coi khán giả như là "chủ nợ" của Ngày xửa ngày xưa nên luôn cố gắng duy trì, đảm bảo chất lượng vở diễn qua từng số để trả nợ những yêu thương của người xem.
Và bây giờ ngoài kịch còn có thêm một món nợ mới là truyện tranh. Vì sau khi xem được quyển truyện tranh vừa ra mắt này, nhiều độc giả nhí đã tiếp tục hỏi thăm bao giờ có quyển tiếp theo.
Chúng tôi khẳng định nếu "chủ nợ" vẫn tiếp tục yêu thương, tiếp tục… "đòi nợ" thì chúng tôi hết sức hạnh phúc sáng tạo để được trả nợ".LINH ĐOAN
Mỹ Duyên là "công chúa trọn đời"
Trong các nhân vật của Ngày xửa ngày xưa, khán giả đã đóng đinh Mỹ Duyên với vai công chúa dù có nhiều nghệ sĩ khác công khai… giành giật!
Quang Thảo kể câu chuyện vui trong Ngày xửa ngày xưa 34, vở Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai, anh và Đình Toàn bàn tính làm một việc mang tính…. lịch sử là soán ngôi công chúa của Mỹ Duyên, trao cho chị vai bà tiên Thạch Nhũ.
Nhưng rốt cuộc vai diễn có phân đoạn công chúa phải im lặng dệt áo trả lại hình hài cho các hoàng tử. Không nói thì phải múa để thể hiện nội tâm. Mà múa là sở trường của Mỹ Duyên, vậy nên muốn "giật" vai công chúa của Mỹ Duyên đâu dễ. Đã là định mệnh rồi!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận