Bài phát biểu trước LHQ của tổng thống Trump đã làm rất tốt vai trò chuyển tải thông điệp "nước Mỹ trước hết" - Ảnh: REUTERS
Đó là Triều Tiên, Iran, và tư tưởng "nước Mỹ trước hết" - những điều ra rả xuất hiện trong các tuyên bố thường ngày trên Twitter của ông Trump. Có khác chăng chỉ là chúng được nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố trực tiếp với đại diện đến từ hơn 190 nước thành viên LHQ, ngoại trừ Triều Tiên và Iran.
Đại sứ Triều Tiên tại LHQ đã bỏ ra ngoài trước bài phát biểu của tổng thống Mỹ. Hơn 40 phút đăng đàn, nhà lãnh đạo Mỹ đối diện với sự im lặng từ bên dưới. Chẳng còn tiếng reo hò hay vỗ tay cuồng nhiệt như những lần ông Trump đứng trước người ủng hộ.
Trùng lắp
Sự im lặng là điều đã được dự báo từ trước khi ông Trump chuẩn bị có bài phát biểu đầu tiên tại LHQ. Những khuôn mặt lạnh lùng, vô cảm và hàng ghế trống của Triều Tiên cũng là điều đã được cảnh báo trước.
Tiếng vỗ tay hiếm hoi chỉ vang lên khi nhà lãnh đạo Mỹ phát biểu: "Là tổng thống của nước Mỹ, tôi sẽ luôn đặt quốc gia mình trước hết, giống như các vị bên dưới - với tư cách là lãnh đạo của chính quốc gia mình, sẽ luôn luôn và nên luôn luôn đặt lợi ích quốc gia trước hết".
Nhưng…
Nói như đài CNN, chưa từng có một tổng thống Mỹ nào tuyên bố trước thế giới như cách mà ông Trump đã làm. Chẳng hề có một nhà lãnh đạo Mỹ nào đứng tại trụ sở LHQ "hùng hùng hổ hổ" đòi xóa sổ một quốc gia thành viên khác là Triều Tiên.
"Sự kiên nhẫn và sức mạnh của nước Mỹ rất vĩ đại, nhưng nếu bị buộc phải bảo vệ chính mình và đồng minh, Mỹ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên. Người tên lửa (ông Kim Jong Un) đang tự sát cùng với chế độ của ông ta".
Có mạnh miệng nhất, như cựu tổng thống Mỹ George W. Bush, cũng chỉ gọi Triều Tiên là một trong 3 nước nằm trong "trục ác quỷ" (Axis of Evil). Nhưng nó được đưa ra trong một thông điệp liên bang, mang tính chất nội bộ của nước Mỹ chứ không phải tại LHQ.
Đại sứ Triều Tiên tại LHQ Ja Song Nam bỏ ra ngoài khi tổng thống Trump chuẩn bị phát biểu - Ảnh: REUTERS
Một chút quan ngại, người ta có thể thấy tuyên bố của ông Trump có mùi hiếu chiến. Song nhìn rộng hơn, nó mang tính trấn an một cách mạnh mẽ hai đồng minh Nhật và Hàn Quốc hơn là một lời đe dọa thật sự.
Tựu trung lại, xuyên suốt bài phát biểu, nhà lãnh đạo Mỹ chỉ muốn một lần chính thức khẳng định trước toàn thế giới tư tưởng "nước Mỹ trước hết" mà ông đang theo đuổi.
Tổng thống Trump đã nhắc đến điều này trong bài diễn văn nhậm chức hồi tháng 1 năm nay, nó cũng đã được hiện thực hóa bằng hàng loạt động thái như rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris,…
Cái tư tưởng ấy, chỉ thiếu duy nhất một cơ hội để được chính thức khẳng định với thế giới và bài phát biểu ngày hôm qua đã làm rất tốt điều đó.
Bài phát biểu đầy tính thù hằn không biết gì của ông Trump thuộc về thời Trung Cổ chứ không phải thế kỷ 21
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif
Đối lập từ châu Âu
Không chỉ trích trực tiếp, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa mình vào thế đối trọng với nhà lãnh đạo Mỹ bằng bài phát biểu tại LHQ sau đó - một vị trí cho phép ông có thể đứng ra giữ vai trò trung gian trong các xung đột quốc tế.
Trái ngược với tuyên bố của ông Trump rằng thỏa thuận hạt nhân giữa nhóm P5+1 với Iran là một sự xấu hổ, người đứng đầu nước Pháp gọi đó là "sự chắc chắn, mạnh mẽ", cho rằng bất kỳ quyết định hủy bỏ nào sẽ là một sai lầm.
"Chủ nghĩa đa phương là cách hiệu quả nhất để đối phó với các thách thức toàn cầu", ông Macron tuyên bố, trái ngược với tư tưởng "nước Mỹ trước hết" của ông Trump.
"Chủ nghĩa đa phương phải làm mọi thứ để ngăn cản chiến tranh. Cứ mỗi lần chúng ta quên đi điều này và cố gắng đạt được một giải pháp thỏa đáng nào đó trong ngắn hạn mà không có lộ trình ngoại giao, chúng ta đã thất bại và đó là trường hợp của Iraq hay Libya", tổng thống Pháp ám chỉ hai cuộc chiến do Mỹ đơn phương phát động.
Trên thực tế, cách lựa chọn từ ngữ của ông Trump trong bài phát biểu đã khiến nhiều đồng minh châu Âu của Mỹ bực bội. Nói với New York Times, bà Federica Mogherini - đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu về ngoại giao, nhấn mạnh: "Chúng tôi chưa bao giờ đề cập tới chuyện hủy diệt các nước khác".
Ai đứng đằng sau bài phát biểu của ông Trump?
Theo truyền thông Mỹ, tác giả thật sự của bài phát biểu "đầy tính hiếu chiến" là Stephen Miller - cố vấn cấp cao về chính sách của chính quyền Trump. Ông Miller cũng là tác giả của bài diễn văn nhậm chức tổng thống của ông Trump hồi tháng 1.
Nhân vật này được đánh giá là có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa rất mạnh và đứng đằng sau những vấn đề gây tranh cãi nhiều dưới thời Trump như lệnh cấm nhập cảnh hồi tháng 1.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận