TTCT - Tại hội nghị trực tuyến của kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 75 ngày 26-9, vấn đề về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp được nhiều lãnh đạo thế giới và các quan chức cấp cao nhắc đến. Họ đồng loạt kêu gọi thế giới đoàn kết để chống lại kẻ thù chung là đại dịch COVID-19. Một tình nguyện viên được tiêm vaccine thử nghiệm phòng virus corona chủng mới do Trung Quốc phát triển tại Bệnh viện nghiên cứu của Đại học Kocaeli, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 25-9-2020. Ảnh: REUTERS Đa phương hay đơn phương? Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan có lời phát biểu đáng suy ngẫm khi khẳng định hợp tác quốc tế là yếu tố then chốt để thế giới vượt qua tác động mang tính tàn phá của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Phát biểu của ngoại trưởng Singapore là lời nhắc nhở cần thiết khi trước đó chỉ một ngày, giám đốc phụ trách các chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - ông Michael Ryan báo động “nếu không làm tất cả những gì có thể”, số nạn nhân của COVID-19 trên thế giới có thể lên đến 2 triệu người” trước khi một loại vaccine an toàn và hiệu quả được phổ biến rộng rãi. Con số tử vong còn có thể cao hơn nếu không có hành động phối hợp để kiềm chế đại dịch. Từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12-2019 rồi lan ra khắp thế giới, đến nay, sau 10 tháng, đã có hơn 1 triệu người tử vong. Mặc dù đã có những tiến bộ về kinh nghiệm và phương pháp điều trị, dự báo của WHO đồng nghĩa với khả năng dịch bệnh COVID-19 sẽ ở lại đón năm mới 2021. Trong bối cảnh đó, hợp tác quốc tế là mấu chốt để cùng vượt qua tác động mang tính tàn phá của đại dịch. Không một quốc gia nào được an toàn cho đến khi tất cả các quốc gia đều an toàn. Thế giới cần đoàn kết hơn lúc nào hết, chứ không phải chia rẽ để khống chế đại dịch. Cộng đồng quốc tế cần đẩy mạnh tất cả các biện pháp cùng lúc, trong khi vẫn nỗ lực tìm kiếm vaccine. Cùng ngày, cũng tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết Anh cam kết đóng góp 727 triệu USD để đảm bảo vaccine phòng COVID-19 sẽ được phân phối đến các nước nghèo thông qua cơ chế COVAX (cơ chế tiếp cận toàn cầu vaccine COVID-19 - bảo đảm tiếp cận công bằng trên toàn cầu đối với vaccine với sự tham gia của các nền kinh tế giàu, thu nhập trung bình và thấp) do GAVI - Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng - cùng WHO lãnh đạo. Ông Johnson kêu gọi các nước đoàn kết chống lại “kẻ thù chung” là virus corona chủng mới, thủ phạm đã chia rẽ các quốc gia, dẫn đến những phản ứng chắp vá trên toàn cầu về các quy định và đóng cửa biên giới. Nỗ lực phân phối công bằng Hiện tại, bất chấp các chỉ trích về cách WHO phản ứng với đại dịch, tổ chức này đang dẫn đầu một cơ chế toàn cầu nhằm đảm bảo các vaccine phòng virus corona chủng mới sẽ được phân phối một cách công bằng, không bỏ sót các nền kinh tế nghèo, không đủ khả năng triển khai tiêm chủng mở rộng. Tính đến ngày 25-9, theo cập nhật mới nhất của WHO, có 64 nền kinh tế có thu nhập cao - trong đó có Canada, Anh, các nền kinh tế thuộc Liên minh châu Âu - tham gia cơ chế COVAX. Các nước này ngoài trả đủ tiền mua vaccine sẽ đóng góp thêm để hỗ trợ 92 nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình đủ điều kiện mua vaccine qua cơ chế COVAX. Một nhân viên y tế kiểm tra các ống nghiệm chứa huyết thanh từ máy ly tâm sau quá trình phân tách phục vụ nghiên cứu vaccine ngừa virus corona tại Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ, ở Florida, Mỹ ngày 24-9-2020. Ảnh: REUTERS Theo WHO, số nền kinh tế tham gia cơ chế COVAX sẽ còn tiếp tục tăng lên dù trước mắt 156 nền kinh tế đã ký kết tham gia đang đại diện 64% dân số của thế giới. Trung Quốc, Mỹ, Nga hiện vẫn chọn đứng ngoài cuộc hoặc tìm con đường riêng. Trong ba nước này, Nga và Trung Quốc đã cho phép sử dụng vaccine trong nước sản xuất theo các quy trình quản lý riêng. Mỹ, quốc gia vừa giàu vừa mạnh đã tận dụng lợi thế “mạnh gạo, bạo tiền” của mình để thỏa thuận với các nhà phát triển vaccine nhằm đảm bảo hàng trăm triệu liều cho người dân trong nước một khi vaccine hoàn thiện. WHO cho biết: bằng cách tổng hợp các nguồn lực tài chính và khoa học, các nền kinh tế tham gia cơ chế COVAX sẽ được bảo đảm trong trường hợp một loại vaccine tiềm năng nào đó thất bại. Ngoài ra, việc mua chung cũng giúp mang lại hiệu quả về chi phí. Với sự tham gia và cam kết của nhiều nền kinh tế, WHO sẽ chính thức ký kết với các nhà phát triển và sản xuất vaccine để có được số liều cần thiết “nhằm kết thúc giai đoạn cấp tính của đại dịch COVID-19 vào cuối năm 2021” và khôi phục nền kinh tế toàn cầu, vốn bị thiệt hại 375 tỉ USD/tháng vì dịch bệnh. Khi có vaccine, việc phân phối sẽ được giám sát bởi một khuôn khổ mới do WHO công bố, dựa trên khuyến nghị của nhóm cố vấn chiến lược về tiêm chủng của tổ chức này. WHO sẽ phân bổ một số liều tương đương 20% dân số của một quốc gia ngay khi có vaccine. Số liều vaccine đó sẽ được sử dụng để tiêm cho những người có nguy cơ cao nhất. Tùy vào lượng cung, nếu thiếu vaccine nghiêm trọng, tỉ lệ phân phối cho các nước có thể giảm xuống còn 3% dân số, đủ để bảo vệ các nhân viên y tế tuyến đầu. Cơ quan chức năng của mỗi quốc gia chịu trách nhiệm xác định những ai là lực lượng thuộc tuyến đầu. Hiện nay cơ chế này đã huy động được khoảng 1,4 tỉ USD từ nhiều nguồn, gần đạt đến mục tiêu 2 tỉ USD vào cuối năm 2020. Tài trợ cho COVAX là rất quan trọng để đảm bảo khả năng chi trả của một nền kinh tế sẽ không là rào cản với việc tiếp cận vaccine COVID-19, tình huống sẽ khiến phần lớn thế giới không được bảo vệ với đại dịch và kéo dài tác động của đại dịch. Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định chủ nghĩa quốc gia về vaccine sẽ kéo dài thời gian hồi phục của toàn cầu và thậm chí có thể làm cho dịch bệnh tiếp tục lan rộng hơn. ■ Anh cho người khỏe mạnh nhiễm virus corona chủng mới để đánh giá vaccine tiềm năng Gần đây, tin tức tốt về các thử nghiệm lâm sàng trên người với vaccine phòng COVID-19 lại đến với công chúng. Mới nhất là thông tin kết quả thử nghiệm giai đoạn đầu của loại vaccine một liều tiêm, có tên Ad26.COV2.S, của hãng dược Mỹ Johnson & Johnson, tạo ra kháng thể trên 99% người thử nghiệm trong độ tuổi 15-55 với phản ứng phụ rất nhẹ sau 29 ngày tiêm. Hiện vaccine đang được thử nghiệm ở giai đoạn 3 với 60.000 người ở nhiều vùng dịch. Ngoài ra, London (Anh) sẽ là nơi đầu tiên trên thế giới triển khai một thử nghiệm trong đó họ mời các tình nguyện viên khỏe mạnh và cố tình cho những người này nhiễm virus để đánh giá các loại vaccine tiềm năng. Chính quyền Anh xác nhận họ đang thảo luận về nghiên cứu nói trên nhưng chưa chính thức ký kết. Chia sẻ với BBC, Alastair Fraser-Urquhart, sinh viên đại học 18 tuổi, cho biết sẽ tình nguyện tham gia thử nghiệm nếu nghiên cứu được phép diễn ra. “Tôi nghĩ thử nghiệm này có tiềm năng cứu hàng ngàn sinh mạng và thực sự giúp thế giới sớm thoát khỏi đại dịch”. Giáo sư Peter Horby của Đại học Oxford khẳng định thử nghiệm này là một ý tưởng hay, có tiềm năng thực sự để thúc đẩy khoa học và giúp hiểu rõ hơn về bệnh COVID-19. Tại sao đây là lúc thích hợp để thực hiện nghiên cứu táo bạo này, giáo sư Horby cho biết: “Giờ đây, chúng ta đã biết đối với một thanh niên khỏe mạnh, không mắc các bệnh lý tiềm ẩn, nguy cơ mắc COVID-19 là cực kỳ thấp. Chúng tôi đã nghi ngờ điều này trước đây nhưng thực sự không có đủ bằng chứng để xúc tiến thử nghiệm chủ động cho người khỏe nhiễm virus để nghiên cứu. Giờ đây, bằng chứng đã rõ ràng. Thay đổi thứ hai là hiện nay có một số phương pháp điều trị được chứng minh là có hiệu quả, vì vậy trong trường hợp một tình nguyện viên bị bệnh, các chuyên gia có khả năng và phương pháp để điều trị căn bệnh”. Sức khỏe của các tình nguyện viên sẽ được theo dõi liên tục 24/24 tại một cơ sở nghiên cứu lâm sàng ở London, đặc biệt là cách hệ miễn dịch của họ phản ứng với virus. Rất ngạc nhiên là nhiều người trẻ, khỏe sẵn sàng tình nguyện tham gia. Đây là cách đi tắt, một cách gần như ngay lập tức giúp xác định liệu một loại vaccine nào đó có hiệu quả hay không. Nó cũng giúp đẩy nhanh quá trình lựa chọn các loại vaccine tiềm năng phòng virus corona chủng mới. Nghiên cứu này do Chính phủ Anh tài trợ và có thể bắt đầu từ tháng 1-2021. Lý do khiến nó chưa được duyệt liên quan đến những cân nhắc về đạo đức. Dù các nghiên cứu dạng này đã được sử dụng để thử nghiệm vaccine phòng bệnh cúm, dịch tả và thương hàn, nhưng đó là khi đã có phương pháp điều trị hiệu quả, không để tình nguyện viên mắc bệnh. Với virus corona, mức độ rủi ro có cao hơn một chút nhưng vẫn là mức độ rủi ro mà các tình nguyện viên cho biết họ sẵn sàng chấp nhận. Người phát ngôn của Chính phủ Anh cho biết các thảo luận quanh thử nghiệm này là một phần trong chiến lược xem xét tổng thể các lộ trình tiềm năng cho nghiên cứu về virus corona. Vaccine thành công sẽ cung cấp khả năng bảo vệ chống lại virus bằng cách huấn luyện hệ thống miễn dịch của con người để chống lại nó giúp họ không bị bệnh. Điều này sẽ cho phép các nước có thể gỡ bỏ các biện pháp hạn chế một cách an toàn, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường. Tags: COVID-19VaccineTâm AnChủ nghĩa quốc gia
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
Phim chiếu rạp Kính vạn hoa tung poster và teaser, nhìn vừa lạ vừa quen THƯỢNG KHẢI 22/11/2024 Kính vạn hoa phiên bản điện ảnh đánh dấu sự tái ngộ của bộ ba Quý Ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh, mang đến một không khí tươi vui nhưng không kém phần kịch tính.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Giữa lúc xung đột leo thang, Nga - Ukraine đạt thỏa thuận đưa 46 dân thường trở lại Kursk THANH HIỀN 22/11/2024 Hàng chục cư dân từ khu vực biên giới Kursk của Nga đã được đưa trở lại quê hương từ Ukraine sau các cuộc đàm phán 'khó khăn' giữa hai bên.