TTCT - Oscar Wilde từng nói một kẻ yếm thế (tiếng Anh là “cynic”) là một người biết giá cả mọi thứ mà không biết giá trị của thứ gì hết - một châm ngôn chỉ rõ tâm lý của kiểu người biết biến những điều tốt đẹp liên quan đến thẩm mỹ, đạo đức, kiến thức, thậm chí cuộc sống gia đình hay niềm vui hằng ngày... thành chuyện làm ăn tầm thường mà vẫn tin chắc họ là người rất hiểu biết, từng trải. Diogenes sống trong chậu, tranh của Jean-Léon Gérôme, 1860. Ảnh: Wikipedia Chắc nhà văn Việt Nam Vũ Trọng Phụng là người biết vạch mặt tâm lý này khéo léo nhất. Trong Số đỏ, ông mỉa mai tường tận những người “bị yếm thế” trong xã hội Hà Nội giữa những năm 1930. Ngay trang đầu ông giới thiệu nhân vật chính, Xuân Tóc Đỏ, rổn rảng về tình duyên với bạn gái trong khi “sấn sổ đưa tay ra toan cướp giật ái tình” (“Xin một tị! Một tị tỉ tì ti thôi!”). Trong vài trang sau đến lượt hai nhân vật khác trò chuyện nghe như họ vẫn còn sống khỏe (và nói chuyện tiếp về thời trang) ở Việt Nam ngày nay: “... - Bây giờ ai cũng phải cải cách y phục cho phù hợp thời trang. Cái lối trang điểm cổ làm cho người ta chóng già, ta phải thay đi mới được. Thưa bà, nếu bà không biết những thuật để giữ gìn sắc đẹp thì khó lòng mà giữ được hạnh phúc gia đình, vì các cô thiếu nữ ngày nay ăn mặc lối mới cả, thật là một sự cạnh tranh ghê gớm. - Bà nói đúng quá! Các thiếu nữ bây giờ ăn mặc tợn hơn các me Tây khi xưa! Thật là tân thời, thật là đĩ thõa! Chao ôi! Họ cướp mất hạnh phúc của tôi, họ đẹp hơn tôi, họ quyến rũ ông Hàn nhà tôi, bây giờ tôi biết làm thế nào? - Thưa bà, cái đó rất dễ... Bà chỉ việc... ăn vận như họ... - Phải! Phải! Âu là tôi cũng ăn mặc tân thời! Mặc cho thiên hạ sẽ gọi tôi là con đĩ già! Chỉ tại bà, các bà, chủ hiệu thợ may, các bà đầu têu ra mà thôi!”. Có thể nói đây là cuộc đối thoại giữa một người cynic nghiệp dư - bà khách hàng “đàn bà nạ dòng” chưa thích nghi với sự cạnh tranh về mặt tình dục đang len lỏi vào cuộc sống hôn nhân, và một kẻ cynic rất chuyên nghiệp - “bà Văn Minh”, người khơi dậy lý tưởng về đời sống hôn nhân hạnh phúc, cùng mẫu mực sắc đẹp tân tiến, nhằm mục đích buôn bán quần áo càng “ít vải” càng đắt tiền. Để hiểu nhiều hơn cách suy nghĩ này (mà khó đặt tên tiếng Việt, dù nó dường như phát triển mạnh ở Việt Nam ngày nay), chúng ta phải quay lại với người Hi Lạp cổ một lần nữa - dân tộc cực kỳ sáng kiến trong việc tạo ra tư duy và phong cách sống mới. “Chủ nghĩa yếm thế” vốn là tư tưởng của cả một trường phái triết học. Tên gọi bắt nguồn từ tiếng Hi Lạp “kynikos”, nghĩa là “giống con chó”. Tên gọi của chủ nghĩa này có một lịch sử hơi rắc rối. Triết gia “cynic” đầu tiên, Antisthenes (khoảng 445-365 trước Công nguyên), giảng dạy triết lý của ông ở vận động trường Cynorcarges (nghĩa là “chỗ của con chó trắng”) tại Athens. Tuy nhiên, một lý do quan trọng khác là những người cynic Hi Lạp cổ sống lang thang ngoài đường và có xu hướng hay chỉ trích - hay dân dã hơn: “bạ đâu cũng cắn”. Trong lịch sử phương Tây, họ nổi tiếng về sở thích phản cảm này và nó cũng là lý do họ giống thế hệ cynic hiện đại: những người nhìn hành vi của người khác dưới góc nhìn rất thực tế, thấy lý tưởng của người này giả dối, quy ước của người nọ vô lý, thời trang của người kia kệch cỡm mà không buồn che giấu sự kinh miệt. Như một nhà văn đồng thời mô tả rất sinh động ông tổ trường phái Diogenes: “Ông ta là độc nhất vô nhị trong việc dè bỉu đồng bào của mình. Ông ta chê bài giảng của Plato là hoài công, chê những buổi trình diễn trong lễ hội Dionysia là kiểu cảnh tượng rùm beng dành cho bọn ngu dốt, còn đám chính trị gia mị dân là tay sai của bọn lưu manh... Ông ta nói là khi thấy các thầy bói giải mã giấc mơ, hoặc những kẻ hãnh diện khoe của cải với thiên hạ, thì ông ta nghĩ ngay con người là loài động vật lố bịch nhất. Ông ta còn nói là để con người cư xử đứng đắn thì hoặc là áp dụng lý trí, hoặc phải xài dây thừng để buộc cổ con người lại như con ngựa”. Nhưng có sự khác nhau ngầm giữa Diogenes và những kẻ cynic hiện đại trong đoạn này, thể hiện qua chỉ một từ: lý trí. Người cynic cổ điển có thể giống đối tượng châm biếm của Wilde và Vũ Trọng Phụng ở chỗ họ không nhắm mắt trước mọi hành động dại dột, không ngậm miệng trước những lời đại ngôn của kẻ khác, nhưng họ khác ở chỗ họ không nghĩ việc CÓ LÝ TƯỞNG là BẮT BUỘC PHẢI NHẮM MẮT và họ dứt khoát không sử dụng thái độ vỡ mộng của họ vì động cơ vụ lợi bản thân. Có hai giá trị họ còn giữ nguyên, ngay cả trong cách ăn nói và hành động, là sự tự nhiên và (như đã nói) lý trí. Sống tự nhiên theo lời dạy của những người cynic cổ điển là chống lại những ràng buộc giả tạo của xã hội, miễn trừ của cải, gạt bỏ nghi thức, hình thức không cần thiết. Diogenes nổi tiếng là người sống ngoài đường trong một cái thùng để chứng minh sự nhẫn nại thích nghi với cuộc sống tối giản, cùng sự khinh thường con người ham vật chất, thấy cách sống của con người đó quá nghèo hèn, cách ăn mặc của anh ta quá khó nhìn. Còn sống theo lý trí là sống vượt qua ảnh hưởng của những ám ảnh và mê tín có khả năng chi phối cuộc sống con người. Cả Diogenes lẫn thầy giáo của ông Antisthenes đều quyết tâm cưỡng lại tính nhẹ dạ tôn giáo của thời đại họ sống. Vì muốn thuyết phục Antisthenes tham gia một hội kín tôn giáo danh tiếng, thầy tu giáo phái đó đã bóng gió rằng người hiểu biết về nghi lễ hội kín sẽ hưởng thụ nhiều trong kiếp sau. Câu đáp của Antisthenes thật là ngắn gọn: “Vậy sao ông không chết ngay đi?”. *** Suốt lịch sử đã xuất hiện một số người có tâm lý yếm thế và rõ ràng không phải các xu hướng cynical đều bao gồm sự ích kỷ, phiến diện và quyết tâm lừa bịp người khác mà Wilde và Vũ Trọng Phụng đã giễu cợt. Thời đại Khai sáng ở châu Âu đã được khởi đầu bởi một số nhà văn biết phê phán các định chế xã hội dựa trên lý tưởng về lý trí vừa hài hước vừa phá cách. Hơn nữa, tư tưởng cynic theo nghĩa tích cực này không những là vũ khí của giới trí thức, mà còn xuất hiện dưới nhiều dạng dân gian. Giả sử Antisthenes có nghe câu ca dao của người Việt “Hòn đá mà biết nói năng, thì thầy địa lý hàm răng chẳng còn”, chắc ông sẽ cười cảm kích! Cái đáng ngạc nhiên là chủ nghĩa cynic âm tính ngày nay có vẻ có sức hấp dẫn rất lớn, thậm chí đã trở thành bầu không khí xã hội nói chung. Chắc một nhà xã hội học giỏi có thể viết nguyên một cuốn sách khá dài về nguyên nhân của hiện tượng này. Nhưng ai muốn nói chung về nguồn gốc của vấn đề thì không cần đến các nghiên cứu cặn kẽ. Quá trình “giải thiêng” có tầm vóc lịch sử, và nhất là cách mà bản sắc văn hóa riêng biệt ở khắp mọi nơi đang tàn phai trong quá trình toàn cầu hóa, góp phần không nhỏ vào cách nhìn cho rằng lý tưởng, vốn toàn giả dối hay khoa trương, là loại hành lý quá cước người ta phải bỏ lại hay trả thêm tiền nếu cứ khăng khăng mang theo. Việc tính cộng đồng cố kết là đặc trưng của một số lãnh thổ nhỏ - như các làng xã Việt Nam - mất dần là kết quả gần như không tránh khỏi của đô thị hóa, nếu không muốn nói là điều kiện cần thiết của sự phát triển xã hội. Khoa học và kỹ thuật, trong khi giúp ta cải thiện điều kiện sống một cách gần như kỳ diệu trong vòng hai thế kỷ gần đây, cũng đã làm ta phải từ bỏ nhiều ý tưởng về thế giới mà nếu không đúng theo nghĩa đen thì vẫn hay theo nghĩa bóng. Trước hết, cái nhìn cynic ngày càng lan rộng liên quan đến sự phát triển của nền kinh tế thị trường quy mô lớn. Nhiều người đánh giá người khác bằng thước đo đồng tiền, thành đạt vật chất, những điều họ mua và tiêu thụ được, với hậu quả là các giá trị khác có xu hướng mất dần ý nghĩa, thậm chí bắt đầu có gì đó lố lăng, nghịch lý. Cái gây lúng túng nhất trong quá trình này chính là sự thịnh vượng về mặt kinh tế và xã hội tạo điều kiện cho thái độ yếm thế. Có thể nói đó là sự thâm hụt về mặt tinh thần của chính thành công trong việc đáp ứng nhu cầu vật chất, cung cấp hàng hóa phong phú cho ngày càng nhiều người: những người nhìn cuộc đời với đôi mắt vỡ mộng - người tin rằng ai cũng có cái giá của họ, cũng mua được, và người nào có cách nhìn lạc quan hay tinh tế hơn thì cho rằng về bản chất, con người chỉ là những kẻ khờ khạo - có vẻ ngày càng thắng thế. Quay lại với Vũ Trọng Phụng, mấy “bà Văn Minh”, và trước hết mấy học trò của bà ấy như Xuân Tóc Đỏ, ở đâu cũng gặp được và ở đâu cũng làm trò của họ, càng sắc sảo thì càng đáng chán. *** Cụ thể hơn thì cách nhìn cynical lộ rõ trên khía cạnh nào của đời sống con người ngày nay? Có thể nói một loại chủ nghĩa yếm thế về mặt đạo đức thể hiện trong cách suy nghĩ cho rằng đạo đức là giả dối: quan điểm rằng tất cả mọi người đều chỉ muốn kiếm lợi cho bản thân, rằng xét về đạo đức không ai thực sự tốt hơn ai, hoặc nếu người dữ khác với người hiền thì sự khác nhau không ảnh hưởng đến cơ hội sống của họ. Về mặt chính trị, chủ nghĩa yếm thế lộ rõ trong thái độ coi chính trường toàn là trò hề đáng ghét, thể hiện đặc biệt rõ ở một số nước như Úc, Mỹ trong vài thập niên gần đây. Nó là niềm tin rằng mục đích của các chính trị gia thông thường chỉ là nắm quyền, cũng có thể là làm tiền bằng cách sử dụng quyền lực một cách bất chính. Một lĩnh vực khác là truyền thông, nơi mà nhiều người thấy không còn ranh giới nữa giữa thực và hư. Chuyện truyền thông đại chúng và hàng loạt người trên mạng không còn phân biệt được tin thật với tin giả đã dẫn nhiều đất nước phát triển đến điều có thể coi là thái độ “yếm thế thông tin”: quan điểm cho rằng giới truyền thông không còn đáng tin vì “tin tức thời sự” đã trở thành một sản phẩm thương mại được soạn sửa, xuyên tạc và phát tán theo giá cả, chứ không phải giá trị, của nó. Tiếp theo là giới kinh doanh. Ở đây tôi muốn đề cập đến những “tập quán thương mại” dựa trên quan điểm rằng khi kinh doanh, việc lừa dối khách là không tránh khỏi, hay niềm tin rằng việc mở rộng phạm vi hoạt động bất kể hậu quả lâu dài là phương tiện biện minh cho mục đích tối cao cần thiết: lợi nhuận. Trong ngành du lịch, thái độ yếm thế thể hiện trong cách đẩy môi trường còn hoang sơ, nguyên vẹn mà chính mình đang khai thác tới chỗ tận diệt. Hoặc lấy ví dụ “đời thường” hơn: thái độ “yếm thế” thể hiện trong chiến lược kinh doanh của những quán xá đông khách vì bán đồ ngon, sau đó hét giá và giảm chất lượng để hưởng lời lớn hơn từ danh tiếng mà quán không còn xứng đáng. Còn một khía cạnh khác của thái độ yếm thế rất tiêu cực, gần như trái ngược với chủ nghĩa yếm thế vốn rất hăm hở của các triết gia Hi Lạp cổ, lộ rõ ở nền giáo dục Việt Nam. Những lớp học và bài thi mệt nhoài đi đôi với quan điểm phổ biến là nội dung chương trình học không quan trọng, không cung cấp cho học trò kiến thức hữu ích. Kinh nghiệm cay đắng với một nền giáo dục bắt học trò học thuộc lòng đủ thứ mà không cần hiểu nguyên nhân, chứ đừng nói là có kỹ năng giải quyết vấn đề thực tế, dẫn đến cảm giác yếm thế là bằng cấp nhận từ nhà trường Việt Nam chỉ có nghĩa về mặt hình thức, là thứ công cụ giúp kiếm công ăn việc làm lương cao hơn kẻ khác, thành thử việc gian lận trong phòng thi hoặc mua bằng ở hậu trường cũng là cách đối phó hợp lý. Rút lại, khi đương đầu với kiểu Xuân Tóc Đỏ đương đại, rổn rảng về lý tưởng tình yêu nhưng lại chìa tay ra “xin một tị tỉ tì ti”, có lẽ có hai cách giải quyết. Thứ nhất là phương án của những người cynic Hi Lạp cổ, đáp lại cay độc: cắn vào bàn tay của kẻ có ý đồ vô duyên đấy. Phương án thứ hai là cách của đích thân Wilde và Vũ Trọng Phụng: nói đúng sự thật về kẻ yếm thế, cho rằng việc nói đúng sự thật là lý tưởng đáng giữ vững, nhưng đồng thời nói ra nó với tiếng cười của những nhà văn trào phúng bậc thầy.■ Tags: Oscar WildeChủ nghĩa chó cắnCách đương đầuKẻ yếm thế
7 điểm giữ xe cho người dân đến Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Ất Tỵ 2025 NHƯ BÌNH 27/01/2025 TP.HCM vừa cập nhật danh sách 7 điểm tổ chức giữ xe máy có thu phí dành cho người dân, du khách đến thưởng lãm Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Ất Tỵ 2025.
Chiều cao đàn ông tăng là nhờ… đàn bà THIÊN MINH 27/01/2025 Một nghiên cứu mới cho thấy tầm vóc của con người trong thế kỷ qua có sự gia tăng. Tuy vậy, sự gia tăng này lại không đồng đều giữa nam và nữ.
Ô tô tông liên hoàn trước cổng chợ hoa Tết, xe máy bị cuốn vào gầm, 4 người nhập viện HỒNG QUANG 27/01/2025 Chiếc ô tô hiệu Toyota tông liên hoàn vào 2 xe máy rồi lao tiếp vào chiếc ô tô màu đỏ đi cùng chiều phía trước trước cổng chợ hoa Quảng An.
Đôi nam nữ bị đâm chết trong đêm 27 Tết TRÀ PHƯƠNG 27/01/2025 Vụ án mạng nghiêm trọng xảy ra tại huyện Diễn Châu, Nghệ An. Một đôi nam nữ bị người bạn cũ đâm chết trong đêm 27 Tết.