Các bị cáo nhận thức hành vi của mình là sai trái, cúi đầu xin lỗi gia đình 3 chiến sĩ công an hi sinh - Video: DANH TRỌNG
Các bị cáo tại phiên tòa - Ảnh: GIANG LONG
Sáng 8-9, phiên tòa xét xử sơ thẩm 29 bị cáo trong vụ đổ xăng làm chết 3 chiến sĩ công an xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội tiếp tục phần thẩm vấn. Đa số các bị cáo đều thừa nhận hành vi của mình khi chống đối người thi hành công vụ rạng sáng 9-1 là sai trái, họ tham gia "vì thiếu hiểu biết pháp luật".
"Bị cáo không nắm rõ nguồn gốc đất"
Mặc dù không được gọi tên lên bục khai báo nhưng ông Bùi Viết Hiểu (77 tuổi) giơ tay xin được trình bày. Bị cáo "xin lỗi hội đồng xét xử" vì những lời khai ngày hôm qua (7-9) tại tòa.
Ông Hiểu thừa nhận những lời khai hôm trước về nguồn gốc khu đất Đồng Sênh là những thông tin từ năm 1981 đã "quá lạc hậu", vì từ năm 1990 đến giờ chính sách đất đai thay đổi nhiều mà bị cáo không hề biết.
"Bị cáo thành thật xin lỗi HĐXX vì hành vi của bị cáo sai, không theo kịp tình hình nên không nắm được. Bị cáo mong tòa cho hưởng sự khoan hồng của pháp luật vì đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại".
Bị cáo cũng thừa nhận tối 8-1 không ngủ ở nhà, vì Lê Đình Công cho người vào đèo ra nhà ông Kình ngủ vì "khả năng có người tấn công nên đưa bị cáo ra để bảo vệ".
Trong phiên tòa ngày hôm 7-9, bị cáo Hiểu nói từng làm chủ nhiệm HTX Đồng Tâm giai đoạn 1981-1982, thấy cáo trạng nêu không đúng về nguồn gốc đất ở đồng Sênh. Ông tham gia "tổ đồng thuận" theo lời mời của ông Kình từ năm 2013, nhưng không phải chống đối mà với "mục đích chống tham nhũng".
Ông Hiểu cho rằng tại khu đồng Sênh chỉ có 47,36ha bị thu hồi để làm sân bay Miếu Môn, số còn lại là đất nông nghiệp. HĐXX đánh giá bị cáo Bùi Viết Hiểu "khai loanh quanh nhằm chối tội".
Đi khiếu kiện để được chia đất
Khai trước tòa với giọng run run, bị cáo Bùi Viết Tiến nói mình chỉ là "người dân bình thường", chứ không tham gia tổ đồng thuận. Từ đầu đến cuối, bị cáo không khai vận chuyển vũ khí lên nhà ông Kình.
Bị cáo Bùi Viết Tiến tại phiên tòa sáng 8-9 - Ảnh: DANH TRỌNG
"Bị cáo chỉ biết ông Kình là người đứng đầu, và có những người khác là ông Bùi Viết Hiểu, ông Lê Đình Công. Bị cáo không được hứa nhận cho gì. Chỉ thấy ông Kình nói chống tham nhũng đứng lên đòi quyền lợi nên tham gia để bảo vệ người chống tham nhũng".
Ông Kình nói giữ đất để chia cho toàn thể người dân chứ không riêng một ai. Bị cáo cũng không góp tiền mua lựu đạn, mà được vận động thiếu tiền lo kinh phí giấy tờ, nên góp chứ không được bàn bạc mua lựu đạn", bị cáo Tiến phân trần.
Bị cáo Mai Thị Phần trả lời thẩm vấn HĐXX - Ảnh: DANH TRỌNG
Giống như bị cáo Tiến, bà Mai Thị Phần khai đi theo tổ đồng thuận vì "được ông Kình hứa chia đất". Đứng trước bục khai báo, bà Phần khai được ông Kình phân công cầm tiền cho tổ đồng thuận. Bà khai rạng sáng 9-1 có mặt ở hiện trường nhưng không làm gì.
"Bị cáo không đi mua xăng và cũng không biết ai mua, cũng không chuẩn bị vôi bột gạch đá. Bị cáo cầm góp 2 triệu đồng, nhưng trong đó chỉ có 500, còn lại của những người khác", bà Phần khai.
Về lý do tham gia khiếu kiện nhiều năm, bị cáo Phần khai được ông Lê Đình Kình hứa giữ đất để sau đó chia cho những người theo tổ đồng thuận.
"Ông Kình hứa mỗi người sẽ được 200m2, trị giá hơn 1 tỉ đồng. Chúng em làm sai trái, thiếu hiểu biết, thấy việc làm của mình là sai", bị cáo Phần cúi mặt ấp úng.
Bị cáo Lê Thị Loan trình bày có bố từng tham gia kháng chiến nên trong lòng không bao giờ nghĩ đến giết người. Cáo trạng quy kết bị cáo tội này nên "thấy không được thoải mái".
Về lý do đóng góp tiền cho các bị cáo khác mua lựu đạn, bà Loan nói xin chồng 3,5 triệu đi chợ mua đồ để sang chăm con dâu đẻ. Khi vào nhà bị cáo Tuyển thì được hỏi "có tiền không" để vay trả nợ. Sau nhiều lần gặng hỏi bà Loan biết Tuyển vay tiền để trả nợ tiền mua lựu đạn. Tuyển nói với bị cáo "con dâu đẻ chứ mình đẻ đâu".
Bị cáo Loan khẳng định không làm bom xăng. Bị cáo đưa tiền cho Tuyển là để trả nợ chứ không phải để mua lựu đạn.
"Bị cáo sám hối xin lỗi gia đình 3 chiến sĩ"
Cũng giống như phiên tòa hôm 7-9, nhiều bị cáo nói khi bị bắt mới biết có 3 chiến sĩ công an hi sinh. Ở trong trại tạm giam, họ thấy hối hận với hành vi của mình vì gây ra nỗi đau vô cùng lớn cho người nhà 3 chiến sĩ.
Bị cáo Trần Thị Phượng thừa nhận khi Công an Hà Nội tiến vào thôn Hoành rạng sáng 9-1, thấy người khác cầm đá ném, thấy người dân hô hào "thì mình cũng làm theo như thế". Lời khai tại cơ quan công an cho thấy, bị cáo Phượng khai có nhặt 2 viên đá ném về phía công an.
"Bị cáo nhận thức hành vi của mình là sai trái, mong muốn tòa xem xét có hình phạt nhẹ để về với con. Con bị cáo còn rất nhỏ, còn cần có mẹ. Bị cáo không trực tiếp gây ra cái chết cho 3 chiến sĩ, nhưng bị cáo thành thật xin lỗi gia đình 3 chiến sĩ", bị cáo Phượng nói.
Bị cáo Nguyễn Quốc Tiến cũng xin tòa cho nói lời chia buồn với gia đình 3 chiến sĩ. "Trong thời gian bị giam giữ, bị cáo đã ăn năn hối cải và sám hối thành tâm niệm phật để họ sớm được siêu thoát’, bị cáo Tiến nói và nhắc lại lời xin lỗi 3 gia đình chiến sĩ.
Khi được tòa cho phát biểu ý kiến, đại diện 3 gia đình chiến sĩ công an hi sinh đều đề nghị HĐXX xử đúng người đúng tội. Về trách nhiệm dân sự, gia đình các bị hại cũng mong tòa căn cứ vào các quy định pháp luật để tính toán bồi thường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận