Ảnh minh họa. Nguồn: gsm.vn
Ngày 21/1, Trung tâm Chứng thực Điện tử Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp Câu lạc bộ Chữ ký số và Giao dịch điện tử Việt Nam (VCDC) tổ chức hội thảo "Thúc đẩy ứng dụng chữ ký số và ký kết hợp tác phát triển chữ ký số trên nền tảng di động."
Theo Trung tâm Chứng thực Điện tử Quốc gia, sau 10 năm triển khai, một trong những kết quả đáng ghi nhận của chữ ký số là góp phần cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội,… Đặc biệt, trong lĩnh vực thuế, gần 100% doanh nghiệp đã thực hiện các thủ tục qua mạng sử dụng chữ ký số.
Tuy nhiên, chữ ký số hiện chủ yếu cung cấp cho doanh nghiệp. Số lượng thuê bao chữ ký số cá nhân còn rất hạn chế, chỉ chiếm khoảng 1% tổng chữ ký số được cấp phát và chỉ tập trung ở một số ứng dụng nội bộ. Đại diện Trung tâm Chứng thực Điện tử Quốc gia cho hay, thúc đẩy ứng dụng chữ ký số cá nhân là một trong những mục tiêu quan trọng của Bộ Thông tin và Truyền thông trong thời gian tới.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, tại sự kiện, các đơn vị cung cấp dịch vụ chữ ký số tại Việt Nam thống nhất hợp tác phối hợp triển khai công nghệ chữ ký số trên nền tảng di động. Thỏa thuận có sự tham gia của các đơn vị: Viettel CA, VNPT CA, FPT CA, CA2, Vina CA, EFY CA, Safe CA và Bkav CA. Theo đó này, các đơn vị cam kết chia sẻ công nghệ, kiến thức triển khai; cùng xây dựng tiêu chuẩn, phát triển ứng dụng và thúc đẩy chính sách phát triển thị trường cá nhân.
Ông Phạm Quốc Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Chứng thực Điện tử Quốc gia cho biết, dự kiến trong quý 1, đơn vị này sẽ hoàn thiện đầy đủ các văn bản pháp lý để tạo điều kiện thật sự thuận lợi cho việc triển khai mở rộng chữ ký số trên nền tảng di động.
Đồng tình, ông Ngô Tuấn Anh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chữ ký số và Giao dịch điện tử Việt Nam khẳng định kế hoạch trong năm 2019 của Câu lạc bộ là tập trung triển khai chữ ký số cho khách hàng cá nhân sử dụng trên các thiết bị di động.
"Hiện nay, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực số đã sẵn sàng về giải pháp và công nghệ. Với sự hỗ trợ về hành lang pháp lý đầy đủ từ Bộ Thông tin và Truyền thông, chúng tôi kỳ vọng chữ ký số cá nhân sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới," ông Ngô Tuấn Anh nói./.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận