Võ Thành Luân, người lập ra dự án Nhà của thời thanh xuân - Ảnh do nhân vật cung cấp
Trong một đoạn trích từ sách 1987 +, Võ Thành Luân viết: "Chúng tôi không quay lưng đi để bỏ lại thanh xuân rực rỡ của giai đoạn đẹp nhất đời mình. Chúng tôi chỉ chọn sống cùng nhau dưới một mái nhà. Đó là căn nhà mà người nói và người điếc có thể chung sống hạnh phúc bên nhau".
Từ những trăn trở về cuộc sống
Võ Thành Luân sinh năm 1987 tại Bảo Lộc, Lâm Đồng. Anh từng có "giấc mơ Mỹ", phỏng vấn 2 lần đều rớt. Dành dụm tiền đi Philippines du học và theo đuổi ngành Tâm lý, tìm một bước đà để đến Mỹ, nhưng anh càng đến gần, giấc mơ đó lại càng xa.
Người được truyền cảm hứng và cũng muốn truyền cảm hứng cho những bạn trẻ - Ảnh do nhân vật cung cấp
Trong một lần, anh bị một đứa trẻ giật cơm trên tay. Bé vừa ngấu nghiến ăn vừa lấy tay che đầu để chờ sẵn đòn.
Cùng với đó, cơn bão Hải Yến đã làm thay đổi suy nghĩ và cuộc sống của anh. "Từ cơn bão, tôi nhìn lại thấy ở đất nước mình rừng đang chết dần, rồi sẽ đi về đâu? Dù chết đi là qua một kiếp người, nhưng chúng ta sẽ chọn sống như thế nào khi chỉ sống có một lần?", anh trải lòng.
Bỏ dở chương trình đang theo học tại Philippines, trở về Việt Nam, năm 2016, Võ Thành Luân đến thành phố Đà Lạt bắt đầu dự án Thời thanh xuân, giúp cho những người trẻ không nghe và nói được có thể trrải nghiệm về nghề nghiệp, cách làm việc, tích lũy vốn để có thể sống tự lập.
Sau 2 năm, dự án đã có được một quán trà, nơi các bạn điếc làm chủ, một nông trại nhỏ đang nên hình, và một gia đình. Quán trà Thời thanh xuân phục vụ trà, ngoài ra còn bánh các sản phẩm tinh dầu từ cây cỏ Đà Lạt, xà phòng handmade, đồ trang trí… tất cả đều do các bạn điếc ở đây làm.
Anh bộc bạch: "Tôi nghĩ câu chuyện về dự án không thể giải thích được bằng 1 - 2 lý do. Nó đã hình thành trên hành trình tôi từng qua, những con người tôi gặp đã vun đắp cho tôi niềm tin và lý tưởng, đánh thức bên trong mình ý niệm về hạnh phúc thật sự".
Chưa bao giờ thôi hết khó khăn
Khi quyết định từ bỏ con đường du học, Võ Thành Luân chỉ âm thầm, không báo với ai, kể cả mẹ. Anh khóa Facebook cá nhân, chặn số điện thoại của gia đình vì muốn toàn tâm toàn ý cho dự án.
Rồi mẹ anh cũng biết chuyện. "Điều tôi tự hào và cám ơn nhiều nhất là những ngày tháng đó, mẹ chỉ âm thầm theo dõi, để cho tôi đi theo quyết định của mình dù sau này kể lại, mẹ nhiều lần lo lắng và xót đứa con trai út", anh bộc bạch.
Với anh, những ngày khởi đầu dự án và cả hai năm qua đều chưa bao giờ hết khó khăn. Anh từng lang bạt từng ngày, đi ngủ ké từng đêm hay chạy xe suốt ngày ở ngoài đường để bánh từng bánh xà phòng.
Đến khi anh tìm được một ngôi nhà hoang mà sau này sửa sang thành Nhà của Thời thanh xuân, bạn bè chỉ bảo một câu: "Thôi bỏ đi, khó làm lắm".
Không gian mơ mộng của quán trà Thời thanh xuân - Ảnh do nhân vật cung cấp
Để có tiền thực hiện dự án, Võ Thành Luân rao bán cây đàn, được 150 triệu đồng. Anh đã cùng mọi người chắt chiu để làm quán Thời thanh xuân, các bạn nữ cũng phải cầm búa đóng gỗ.
Khó khăn tồn tại khi người nói và người điếc bất đồng ngôn ngữ, và cả cách suy nghĩ. Khó khăn còn từ những ngờ vực mà nhiều người dành cho dự án, đôi lúc khiến họ xáo động.
Điều khó khăn khiến tôi sợ nhất - chúng tôi không thương nhau đủ nhiều để đi qua những vất vả - lại không xảy ra. Vậy nên đến giờ này, mọi người còn sống cùng nhau, xem nhau như người nhà. Tôi nghĩ mọi việc đều giải quyết được.
Võ Thành Luân
Bữa cơm tối của các bạn trẻ người điếc và người nói ở Nhà - Ảnh do nhân vật cung cấp
Viện dưỡng lão Thời thanh xuân
Quán trà Thời thanh xuân tại số 9, đường Triệu Việt Vương, TP Đà Lạt đang trong quá trình sửa chữa, để có thể đón người mù đến cùng làm việc với người điếc. Trong 5 năm nữa, anh tập trung vào việc đào tạo nhân lực và mở rộng hệ thống Nhà của thời thanh xuân.
Anh mong muốn, vào năm thứ mười, dự án sẽ được trao 50ha rừng để xây dựng Viện dưỡng lão Thời thanh xuân. Nơi những người đã cống hiến thanh xuân sống cùng nhau và bảo vệ rừng.
Còn năm thứ bảy, là lúc cả nhà sẽ thực hiện chuyến đi vòng quanh thế giới trong hai năm rưỡi trước khi quay lại và toàn sức cho Viện dưỡng lão Thời thanh xuân. "Có lẽ điều này bị coi là điên rồ, nhưng đó là ước mơ lớn của cuộc đời chúng tôi. Nếu không làm được, tôi là kẻ khoác lác, hoặc nợ một lời xin lỗi lớn với các em. Nhưng chúng tôi tin nhau lắm, quan trọng nhất vẫn là sống bên nhau", anh hi vọng.
Dự án Thời thanh xuân thu hút được rất nhiều tình nguyện viên. Họ là những người trẻ, đang loay hoay với hành trình tìm lý tưởng sống, một thanh xuân đẹp đẽ. Nhiều người đơn giản đến Nhà của Thời thanh xuân để bỏ qua những bộn bề cuộc sống, bon chen, đố kị. Họ cùng làm việc, chung sống, học ngôn ngữ ký hiệu để có thể giao tiếp với các bạn khiếm thính, sống chan hòa với cỏ cây của núi rừng Đà Lạt.
Hạnh phúc là được sống cùng nhau, và thanh xuân là để cống hiến khi quãng đời của mình còn đẹp nhất, trẻ nhất.
Võ Thành Luân
Mời bạn đọc tham gia diễn đàn "Chọn và đi"
Sau tọa đàm "Có niềm tin, có sức mạnh" do báo Tuổi Trẻ tổ chức vào ngày 24-3, nhiều bạn đọc đã phản hồi thể hiện sự quan tâm, mong muốn duy trì tuyến nội dung và tọa đàm ý nghĩa này.
Từ ngày 17-4, báo Tuổi Trẻ khởi đăng tuyến bài 3 kỳ với chủ đề "Chọn và đi" trên nhật báo Tuổi Trẻ và Tuổi Trẻ Online, đăng tải các quan điểm, câu chuyện, tấm gương chân thật đã tin vào chính mình, tin vào con đường mình chọn và bước đi, dù vấp ngã nhưng đứng lên kiên cường, sức mạnh niềm tin được tạo nên từ chính bản thân.
Để diễn đàn diễn tiếp tục lan tỏa hiệu quả, báo Tuổi Trẻ mong nhận được ý kiến, đóng góp, câu chuyện từ bạn đọc về giá trị của "Chọn và đi", cụ thể là chọn tin vào chính mình, đi trên con đường mình đã chọn để thành công.
Bài viết bạn đọc gửi về sẽ được chọn đăng trên báo Tuổi Trẻ Online và có nhuận bút.
Các ý kiến chia sẻ vui lòng gửi về: [email protected].
Dự kiến đầu tháng 5, báo Tuổi Trẻ sẽ tổ chức tọa đàm với chủ đề này tại Phú Quốc (Kiên Giang). Sự kiện có sự tham gia của các diễn giả, bạn trẻ khởi nghiệp, nhà nghiên cứu văn hóa, xã hội...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận