08/07/2015 00:10 GMT+7

​Chủ động ứng phó với hạn hán kéo dài

Nguồn: Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT
Nguồn: Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT

Trước tình hình hạn hán tại một số tỉnh miền Trung, Cục Trồng trọt đã đề ra một số giải pháp phòng, chống hạn, thiếu nước trong thời gian tới.

Theo báo cáo đánh giá tình hình thiệt hại do hạn hán tại một số tỉnh miền Trung của Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT, tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại do ảnh hưởng của hạn hán tại các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Thuận và Khánh Hòa trong vụ đông xuân 2014-2015 và vụ hè thu 2015 khoảng 54.833 ha.

Tổng diện tích không canh tác được do thiếu nước tại 5 tỉnh trên khoảng 47.082 ha; trong đó diện tích lúa phải dừng sản xuất do thiếu nước khoảng 30.531 ha, diện tích cây trồng cạn phải dừng sản xuất gần 16.551 ha.

Đối với chăn nuôi, tình hình thiệt hại đàn gia súc do hạn hán gây ra làm thiếu thức ăn, suy dinh dưỡng và ngộ độc thức ăn đã làm chết 1.810 con, tập trung chủ yếu tại Ninh Thuận.

Về tình hình thiếu nước ăn và nước sinh hoạt, tính từ ngày 20-01-2015 đến 19-6-2015, có tổng số 142.480 nhân khẩu, trong đó tỉnh Ninh Thuận có 23.130 nhân khẩu và tỉnh Bình Thuận có 119.350 nhân khẩu thiếu nước ăn và nước sinh hoạt trầm trọng. Tỉnh đã huy động các phương tiện chở nước cấp cho mỗi người dân duy trì từ 25-30 lít nước/ngày.

Trước tình hình hạn hán, Cục Trồng trọt cũng đã đề ra một số giải pháp phòng, chống hạn, thiếu nước trong thời gian tới.

Về giải pháp ngắn hạn, đối với sản xuất lúa, các địa phương cần cân đối nguồn nước phân vùng tưới cụ thể, trên cơ sở đó xác lập vùng an toàn tưới, vùng có nguy cơ nhằm xây dựng phương án sản xuất trong tình hình dự báo hạn hán; sử dụng giống ngắn ngày, cực ngắn ngày, bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để tưới đồng loạt và cắt nước đồng loạt.

hinh-4-1436411604.jpg

Các địa phương tiếp tục rà soát cân đối nguồn nước, chuyển đổi cây trồng cạn ngắn ngày trên đất lúa để tiết kiệm nước và tăng hiệu quả sử dụng đất lúa; quản lý chặt chẽ không để gieo trồng ngoài kế hoạch ở những khu vực nguồn nước không bảo đảm; những vùng đủ điều kiện có thể chỉ đạo chuyển đổi sang cây trồng cạn gồm cây rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày.  

Cụ thể, vùng có nguồn tưới, tập trung sản xuất các loại cây trồng ngắn ngày như ngô lai, lạc, rau đậu các loại; vùng không có khả năng đủ nước tưới đến cuối vụ.

Đối với những vùng đất hoàn toàn không có khả năng tưới hoặc không có nguồn chống hạn cuối vụ nên chuyển đổi sang cây mía, cây sắn để hạn chế thiệt hại khi sản xuất lúa.

Về giải pháp trung và dài hạn, trên cơ sở bản đồ hạn, các địa phương cần xây dựng kế hoạch gieo trồng các loại cây lương thực, thực phẩm và các loại cây công nghiệp, cây ăn quả dài ngày, điều chỉnh kịp thời theo hướng chuyển đổi diện tích trồng lúa vùng thường xuyên có nguy cơ thiếu nước sang các loại cây rau màu.

Đối với vùng đặc biệt khó khăn về hạn hán có thể đề xuất chuyển đổi sang cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trong điều kiện hạn hán thường xuyên.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác trồng rừng nhằm đảm bảo độ che phủ, đặc biệt là khu rừng đầu nguồn nhằm đảm bảo nguồn nước cho vùng hạ lưu.

Nguồn: Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên