Đại diện Sở NN&PTNT Hải Dương cho biết tỉnh có 2.000 ha vải sớm, tỉ lệ ra hoa đạt 80%. Còn với 8.500 ha vải thiều chính vụ cũng chỉ mới có 50% diện tích ra hoa. Trong số 50% diện tích cây vải ra hoa này, có tới 1/4 diện tích vừa ra hoa, vừa ra lộc. Như vậy, tỉ lệ đậu quả sẽ không cao.
Chỉ riêng huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương), có khoảng 4.000 ha vải, trong đó 3.000 ha là vải thiều. Với diễn biến thời tiết như hiện nay, diện tích vải thiều ra hoa có thể chỉ dưới 50%; vì thế nguy cơ mất mùa có thể xảy ra.
Tại Hải Dương, để giúp cây vải tăng khả năng đậu quả, các cơ quan chuyên môn đã khuyến cáo người dân với những cây chỉ ra lộc thì bỏ không chăm sóc. Với những cây có cả hoa, cả lộc thì nên vặt hết lộc để cây nuôi hoa. Bên cạnh đó, cần phun các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh.
Còn tại Bắc Giang, các cơ quan đang cùng nông dân, đặc biệt là huyện Lục Ngạn tác động các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, kích thích để cây vải bật lộc, ra hoa, nâng cao tỉ lệ ra hoa của cây.
Vải là cây á nhiệt đới, trong quá trình sinh trưởng, cây vải cần một giai đoạn nhiệt độ ngoài trời thấp. Ví dụ, cần thời tiết dưới 15 độ C để cây tích lũy nhiệt, phân hóa mầm, lộc, hoa. Tuy nhiên, năm nay, nhiệt độ ấm hơn, thời gian ngày có nhiệt độ thấp chưa đủ và không tập trung nên cây vải sẽ ra hoa ít.
Những tháng đầu năm 2017, thời tiết có những diễn biến bất thường nên ảnh hưởng lớn đến sản xuất trồng trọt, đặc biệt là cây ăn quả lâu năm. Vụ Đông Xuân ấm, ít mưa ảnh hưởng tới sinh trưởng phát triển, nhất là việc ra hoa, thụ phấn của cây vải tại các tỉnh phía Bắc.
Cục Trồng trọt và Cục Bảo vệ thực vật sẽ bám sát diễn biến nhiệt độ ở miền Bắc để có kịch bản ứng phó sớm với diễn biến của thời tiết, chủ động hướng dẫn người dân áp dụng các gói kỹ thuật, chăm sóc để vải được sản lượng, được giá.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận