Trả lời Tuổi Trẻ Online về việc nhiều người dân thắc mắc ý nghĩa của cụm từ "ke ga" được gắn tại các bảng chỉ dẫn trong ga tàu tuyến metro số 1, đại diện Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (chủ đầu tư) đã có một số lý giải nhất định.
Chủ đầu tư cho biết thuật ngữ "ke ga" đã được dùng ở cả metro Hà Nội và ngành đường sắt quốc gia hàng chục năm nay.
Do đó, ở tuyến metro số 1 tại TP.HCM, chủ đầu tư cũng thống nhất gọi là "ke ga" như tên gọi chung.
"Tuyến metro số 1 sắp hoàn thành nhưng chưa chính thức khai thác thương mại, nên có thể mọi người nghe chưa quen", vị đại diện nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online trước đó, một cán bộ thuộc Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (chủ đầu tư metro số 1) giải thích theo Luật Đường sắt 6-2017 thì thuật ngữ "ke ga" được định nghĩa là "công trình đường sắt trong ga đường sắt để phục vụ hành khách lên, xuống tàu, xếp, dỡ hàng hóa".
Nói một cách dễ hiểu hơn, bảng chỉ dẫn đến tầng ke ga là chỉ nơi người dân đứng chờ tàu, khi tàu đến và cửa tàu mở thì người dân ra, vào tàu ở khu vực này.
Theo tìm hiểu của phóng viên từ cuốn Từ điển tiếng Việt (chủ biên là giáo sư Hoàng Phê, thuộc Viện Ngôn ngữ học Việt Nam), danh từ "ke" có nghĩa là nền xây cao bên cạnh đường sắt ở ga để hành khách tiện lên xuống tàu hoặc xếp dỡ hàng hóa (khác với "ke" để chỉ thước kẻ góc - êke).
Ghép với từ ga thành "ke ga" cũng thành nghĩa tương đương với nội dung trên.
Trong khi đó, một số nhà nghiên cứu về ngôn ngữ cho rằng cụm từ "ke ga" không phải là ngôn ngữ chuyên môn nước ngoài, mà đã dùng ở Pháp từ lâu.
Cụ thể, "ke ga" bao gồm hai từ "quai" và "gare" trong cụm từ "quai de la gare" tiếng Pháp dùng để diễn ra về sân ga (đối với xe lửa, tàu điện).
Do đó, tại Việt Nam có thể ghi là sân ga hoặc trạm chờ, trạm đến, trạm đi… để gần gũi và dễ hiểu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận