Ngày 2-3, ông Lê Trung Hiếu - giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang - cho biết đến nay, Công ty cổ phần Phát triển du lịch An Giang (chủ cáp treo Núi Cấm) đã nộp hơn 5,2 tỉ đồng cho Ban quản lý khu du lịch Núi Cấm, sau khi các ngành chức năng quyết liệt đòi "nợ".
Theo ông Hiếu, đơn vị đã có nhiều văn bản "đòi nợ" đối với chủ đầu tư cáp treo Núi Cấm về số tiền thu hộ nhưng bị "mượn" nhiều năm nay chưa nộp lại.
"Sau nhiều lần đòi và làm việc với các ngành thì mới đây, công ty đã trả cho chúng tôi hơn 5,2 tỉ đồng. Số còn lại là hơn 4,5 tỉ đồng do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Tài chính hỗ trợ để họ nộp", ông Hiếu nói thêm.
Để thu hút và ưu đãi đầu tư đối với doanh nghiệp, Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang đã ban hành nghị quyết số 10/2021.
Theo đó, Công ty cổ phần Phát triển du lịch An Giang được phép thu hộ đối với khách du lịch tham quan bằng phương tiện cáp treo, với tỉ lệ để lại cho chủ đầu tư cáp treo là 35% trên tổng số tiền thu hộ phí tham quan thu được.
Số tiền thu hộ phí để lại trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ thu phí và được quản lý, sử dụng theo quy định. Phần còn lại 65% trên tổng số tiền thu hộ phí tham quan thu được nộp vào ngân sách nhà nước.
Theo biên bản cuộc họp ngày 4-11-2022 giữa các sở, ngành tỉnh, ông Nguyễn Văn Xe - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phát triển du lịch An Giang - đã xác nhận công ty còn nợ 65% tiền thu phí tham quan Núi Cấm bằng phương tiện cáp treo, với số tiền trên 9,8 tỉ đồng (tính đến cuối quý 3-2022).
Ông Xe giải thích, việc công ty này chậm nộp tiền trả vào ngân sách nhà nước là do tình hình dịch COVID-19 của năm 2020, 2021, hoạt động kinh doanh của đơn vị thua lỗ.
Do vậy ông Xe đề nghị các ngành chức năng tỉnh An Giang xem xét chấp thuận cho công ty chậm nộp khoản tiền đã chiếm dụng từ thu phí hộ trên đến hết quý 2-2023.
Tuy nhiên, đại diện Ban quản lý khu du lịch Núi Cấm, Sở Tài chính tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh An Giang không chấp thuận đề nghị của ông Xe.
Đồng thời, đề nghị Công ty cổ phần Phát triển du lịch An Giang chuyển trả ngay số tiền còn nợ vào ngân sách nhà nước đúng quy định.
"Theo quy định, sau mỗi quý, công ty sẽ nộp lại cho chúng tôi khoản tiền đó. Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, vì dịch bệnh nên cho họ nợ. Đến khi nghị quyết 10 có hiệu lực thì việc này do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh và Sở Tài chính hỗ trợ.
Tôi cho rằng sau khi một doanh nghiệp khác vào mua cổ phần của cáp treo Núi Cấm thì họ có tiền, nhưng không ngờ lại gặp nhiều khó khăn", ông Hiếu nói thêm.
Mới đây, ông Đinh Minh Hoàng - phó chánh Văn phòng UBND tỉnh An Giang - đã có văn bản gửi Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư về việc xin chủ trương chuyển trả kinh phí khắc phục sạt lở đá đường lên núi Cấm giai đoạn 2015-2016.
Trong đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đồng ý nội dung báo cáo đề xuất của Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư.
"Đối với số tiền thu hộ chưa nộp vào ngân sách nhà nước: Giao Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư có văn bản yêu cầu Công ty cổ phần Phát triển du lịch An Giang nộp ngay vào ngân sách tỉnh kinh phí thu hộ phí tham quan khu du lịch Núi Cấm theo đúng quy định tại nghị quyết số 10/2021 của HĐND tỉnh, quy định mức thu, nộp, quản lý sử dụng phí tham quan khu du lịch Núi Cấm, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang", văn bản nêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận