26/09/2024 17:13 GMT+7

Chủ BOT Quảng Nam 'khóc' vì phải trả lãi 14 tỉ, thu phí chỉ 6 tỉ

Nói với đoàn kiểm tra chiều 26-9, chủ đầu tư BOT Điện Bàn cho hay doanh nghiệp đã kiệt quệ vì tiền thu phí không bù được lãi ngân hàng.

Chủ BOT Quảng Nam 'mếu máo' khi gặp lãnh đạo Cục Đường bộ, nói thu 6 tỉ nhưng trả lãi tới 14 tỉ đồng - Ảnh 1.

Trạm BOT Điện Thắng Trung - Ảnh: B.D.

"Trước đây khi chưa có các khu dân cư mọc lên hai bên trạm BOT thì doanh thu tương đối tốt. Nhưng từ 4 năm trở lại đây xe đa phần né trạm, đi đường khác khiến trạm hoạt động cầm chừng. Mỗi tháng thu bình quân chỉ 6 tỉ đồng nhưng lãi phải trả cho ngân hàng tới 14 tỉ. Chúng tôi không biết phải cầm cự ra sao", ông Thân Hóa - giám đốc Công ty 545, chủ đầu tư BOT Điện Bàn - trao đổi với đoàn kiểm tra tại trạm BOT Điện Thắng Trung (Điện Bàn, Quảng Nam) chiều 26-9.

"Đi vòng một phút mà đỡ được 40.000 đồng phí BOT"

Trưa 26-9, dù không phải giờ cao điểm nhưng dòng xe con, xe tải phần bẻ vô lăng ùn ùn chuyển hướng ngay trước mũi trạm BOT Điện Thắng Trung ở hướng phía nam. Chỉ còn xe container, một ít xe khách đường dài đóng phí để đi qua. 

Khi có mặt ở trạm thu phí này, nhiều thành viên đoàn hoài nghi về số liệu "doanh thu chỉ đạt 10%" nên đề nghị lên xe vòng qua đường tránh ghi nhận tình hình.

Khi ngồi trên xe di chuyển qua đường chữ U bọc qua khu dân cư sát trạm, chứng kiến đường láng bóng, rộng thênh thang, một lãnh đạo trong đoàn phải thừa nhận là đường tránh quá thuận lợi.

"Nếu đi thẳng thì mỗi xe con bình quân mất 35.000-40.000 đồng tiền phí BOT. Trong khi đó chỉ mất khoảng 1 phút để đi vòng, đường rộng thênh thang. Một phút mà đỡ được mấy chục ngàn đồng thì lợi quá" - đại diện đoàn kiểm tra nói.

Trình bày về trạm BOT Điện Thắng Trung, ông Thân Hóa, chủ đầu tư dự án, nói rằng chưa bao giờ doanh nghiệp lâm vào tình cảnh bế tắc như hiện nay.

"Ngày xưa chúng tôi hưởng ứng chủ trương của Nhà nước để đầu tư. Trạm di dời tới vị trí hiện nay đã là lần thứ 3. Hai lần trước thì thu cho hai dự án thành phần và đã thu xong, tới vị trí mới nhất thì khó khăn chồng chất khó khăn. Nguyên do là xe né trạm, chạy vào các đường trong khu dân cư. Các tuyến đường song song mọc lên cũng hút một nguồn xe lớn" - ông Hóa nói.

Giám đốc Công ty 545 nói rằng hiện doanh thu giảm tới 90%. Mỗi tháng doanh thu chưa tới 6 tỉ đồng, trong khi đó lãi phải đóng cho ngân hàng tới 14 tỉ.

"Tôi năm nay 68 tuổi rồi. Người ta nhìn vào ai cũng bảo có trạm BOT 'khỏe re', nhưng nói thật giờ có ai đó bảo mua lại trạm, dù chỉ đủ tiền gốc thì tôi cũng bán ngay. Quá mệt mỏi rồi, tôi muốn nghỉ ngơi, chứ ôm cục nợ thế này không biết đến bao giờ" - ông Hóa nói.

Chủ BOT Quảng Nam 'mếu máo' khi gặp lãnh đạo Cục Đường bộ, nói thu 6 tỉ nhưng trả lãi tới 14 tỉ đồng - Ảnh 2.

Đoàn kiểm tra ghi nhận thực tế đoạn đường xe né trạm BOT Điện Thắng Trung - Ảnh: B.D.

Tiến thoái lưỡng nan với BOT Điện Bàn

Trình bày với đoàn của Cục Đường bộ, ông Hóa đề xuất các hướng thoát cho trạm BOT Điện Thắng Trung hiện nay.

Một là Nhà nước bỏ tiền ra mua lại dự án. Hai là bố trí một địa điểm thích hợp để di dời trạm. Phương án cuối cùng là Nhà nước hỗ trợ tìm cách đóng hoặc khép hẹp lại lối mở dải phân cách nằm ở hướng nam trạm BOT.

Trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, trong công văn ngày 25-9, Cục Đường bộ cho rằng việc di dời trạm là chưa phù hợp với chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải và hợp đồng BOT mà doanh nghiệp đã ký, đề xuất trước đó.

Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam, vị trí dời trạm về hướng mới cũng sẽ không đảm bảo khoảng cách tối thiểu đặt trạm BOT.

Về đề xuất Nhà nước mua lại trạm BOT Điện Thắng Trung, Cục Đường bộ cho biết Bộ Giao thông vận tải đã trình Chính phủ xem xét chỉ đạo xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.

Chủ BOT Quảng Nam 'khóc' vì phải trả lãi 14 tỉ, thu phí chỉ 6 tỉ - Ảnh 3.

Tuyến đường đi qua khu dân cư bên hông trạm BOT Điện Thắng Trung chiều 26-9 - Ảnh: B.D.

Về kiến nghị đóng hoặc thu hẹp khoảng mở dải phân cách trước trạm BOT Điện Thắng Trung, tại buổi làm việc chiều 26-9, đại diện đoàn của Cục Đường bộ nói phương án này cũng không khả thi vì nguy cơ tai nạn, gây khó khăn cho đi lại của người dân.

Buổi làm việc chiều 26-9 không "chốt" lại được phương án tối ưu nào ngoài việc các bên sẽ đề nghị tăng cường các biển cấm xe tải trọng lớn, thường xuyên giám sát và xử phạt xe cố tình đi vào khu dân cư.

Để hạn chế xe tải né trạm, đại diện Cục Đường bộ cũng gợi mở hướng cần thiết có một rào chắn (kiểu như "cổng làng") để xe lớn không đi qua được, xe cứu hỏa, cấp cứu thì được mở rào để vào khi có tình huống khẩn cấp.

Trạm BOT Điện Thắng Trung đặt sai vị trí suốt 4 năm qua?

Trong văn bản trả lời Công ty 545, Sở Giao thông vận tải Quảng Nam cho rằng vị trí đặt trạm BOT Điện Thắng Trung hiện tại thuộc gói dự án BOT đã hoàn thành quyết toán thu phí từ tháng 8-2020.

Do đó vị trí trạm này không đảm bảo quy định. Đang có tình trạng xe qua trạm nhưng không đi qua phần đường thuộc dự án gói Km947-987.

Chủ BOT Quảng Nam 'mếu máo' khi gặp lãnh đạo Cục Đường bộ, nói thu 6 tỉ nhưng trả lãi tới 14 tỉ đồng - Ảnh 4.Chủ tịch thị xã Điện Bàn: 'Làm đường cho dân đi chứ không phải để khóa, thu phí cho BOT'

"Đường làm ra là để cho dân đi chứ không phải làm ra để khóa rồi phục vụ thu phí BOT cho doanh nghiệp. Nếu thấy lỗ quá thì phải tính phương án khác, có thể là dời đi nơi khác hợp lý hơn".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên