01/02/2015 10:37 GMT+7

Dự kiến đăng ký dự thi THPT quốc gia từ 15-3

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Thông tin này được đưa ra sáng 1-2 tại Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2015 tại TP.Nha Trang, Khánh Hòa.

Các em học sinh Khánh Hòa chăm chú lắng nghe thầy cô tư vấn tại Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp sáng nay 1-2  - Ảnh: Tiến Thành

Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT, Tỉnh đoàn Khánh Hòa và Trường ĐH Nha Trang phối hợp tổ chức. Hơn 4.000 học sinh THPT tại Nha Trang và các huyện lân cận về tham gia chương trình.

Trước những băn khoăn về kỳ thi THPT quốc gia 2015, PGS-TS Trần Văn Nghĩa - phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT, cung cấp thông tin: điểm khác của kỳ thi THPT quốc gia năm nay là sau khi có kết quả kỳ thi THPT quốc gia (đầu tháng 8) thí sinh mới đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Tuy nhiên ngay từ bây giờ các em phải xác định mình muốn học trường nào để đăng ký môn thi và lấy kết quả xét tuyển. Có hai điểm quan trọng thí sinh cần lưu ý là đăng ký dự thi và xét tuyển ĐH, CĐ.

Đăng ký dự thi thế nào?

Về cách thức đăng ký dự thi, khoảng ngày 15-3, thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi. Khi điền phiếu đăng ký dự thi, thí sinh phải điền đầy đủ thông tin cá nhân và mục đích dự thi: thi xét tốt nghiệp THPT hay xét tuyển ĐH, CĐ.

Thí sinh là học sinh THPT đánh dấu vào cả hai ô này nếu muốn xét tuyển tốt nghiệp THPT và ĐH - CĐ, thí sinh tự do chỉ đánh dấu vào ô xét tuyển ĐH, CĐ và học sinh chỉ cần xét tốt nghiệp THPT thì đánh dấu vào ô xét tốt nghiệp THPT.

Về việc đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ: khi có kết quả kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh được cấp 4 giấy chứng nhận để xét tuyển 4 đợt, mỗi đợt kéo dài 20 ngày.

Mỗi giấy chứng nhận được đăng ký 4 nguyện vọng vào 1 trường. Tuy nhiên các em cân nhắc việc đăng ký nhiều nguyện vọng vào một trường bởi khi trúng tuyển nguyện vọng 1, thí sinh sẽ không được xét tuyển đợt 2.

PGS.TS Trần Văn Nghĩa - PGS-TS Trần Văn Nghĩa - phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT trả lời thắc mắc của thí sinh - Ảnh: Tiến Thành

Một thí sinh băn khoăn: khi đăng ký môn tự chọn để xét tốt nghiệp THPT, học sinh có thể đăng ký nhiều môn sau đó lấy môn có điểm cao nhất để xét hay phải đăng ký môn tự chọn để xét tốt nghiệp THPT ngay từ đầu? 

PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, chia sẻ: môn tự chọn để xét tốt nghiệp các em phải đăng ký trước chứ không phải đăng ký thi nhiều môn sau đó chọn môn có điểm cao nhất để xét tốt nghiệp THPT.

Về nguyên tắc, các em có thể đăng ký dự thi tối đa 8 môn, tuy nhiên cần cân nhắc vấn đề này bởi khi thi nhiều môn như vậy, kết quả các em có thể không cao và khi đó cơ hội để trúng tuyển vào ĐH, CĐ sẽ ít đi.

Liên quan đến câu hỏi thí sinh nhận giấy chứng nhận kết quả ở đâu để đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ và có được sử dụng bản photo để xét tuyển hay không, PGS-TS Nguyễn Văn Thư - hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết giấy chứng nhận sẽ được gửi về nơi thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi, thí sinh liên hệ nơi mình nộp hồ sơ để nhận.

Thí sinh được cấp bốn giấy chứng nhận và tất cả đều đóng dấu đỏ. Thí sinh phải dùng bản chính để xét tuyển, các trường không nhận bản photo.

Nhu cầu nhân lực khối kinh tế đang phục hồi

Học sinh tìm hiểu thông tin trắc nghiệm chọn ngành do Tuổi Trẻ tặng - Ảnh: Minh Giảng

Rất nhiều học sinh Khánh Hòa bày tỏ sự quan tâm đến nhóm ngành kinh tế cũng như cơ hội việc làm của nhóm ngành này.

Một học sinh muốn đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM) hỏi: "Hiện nay nhiều người học kinh tế ra không tìm được việc làm. Cho em hỏi nếu học ở trường, khi tốt nghiệp trường có hỗ trợ việc làm hay không?".

Chia sẻ lo lắng này, TS Lê Tuấn Lộc - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM) cung cấp thông tin: hiện nay nền kinh tế chúng ta gặp khó khăn nhưng đang trong đà phục hồi. Năm nay, theo công bố, mức độ tăng trưởng của nền kinh tế rất khả quan. Và không phải hầu hết sinh viên ra trường đều tốt nghiệp.

Thực tế, người này không tìm được việc nhưng người kia lại tìm được. Có doanh nghiệp phá sản thì cũng có doanh nghiệp mới ra đời. Vấn đề quan trọng là chúng ta học như thế nào, tham gia các hoạt động xã hội, trang bị kỹ năng như thế nào để khi ra trường có thể đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Việc có việc làm hay không hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng của người học.

Tại Trường ĐH Kinh tế - Luật, chương trình đào tạo khá cởi mở và trang bị nhiều kỹ năng mềm cho sinh viên.

Liên quan đến vấn đề việc làm của khối ngành kinh tế, TS Trần Thế Hoàng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết theo khảo sát, 94-96% sinh viên của trường tốt nghiệp có việc làm sau 3-6 tháng.

"Kinh tế chúng ta hiện nay đang phục hồi. Hiện nay kinh tế vĩ mô có dấu hiệu ổn định. Đúng là có sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa tìm được việc làm nhưng rõ ràng phần lớn sinh viên tốt nghiệp tìm được việc. Như vậy cơ hội nghề nghiệp phụ thuộc nhiều nào kiến thức, kỹ năng và khả năng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, TS Hoàng nói.  

Mừng vì con chọn trường gần nhà

Ông Nguyễn Văn Phụng và con gái Nguyễn Phạm Thanh Hà, học sinh Trường THPT Nguyễn Thiện Thuật (TP Nha Trang) đến tham gia chương trình tư khá sớm. Ông Phụng nói muốn đưa con đi để có thêm thông tin để cùng con định hướng nghề nghiệp. Ông cho biết con ông có nguyện vọng xét tuyển vào Trường ĐH Nha Trang và ông rất ủng hộ lựa chọn này.

“Tôi cũng có định hướng cho con nhưng việc chọn trường nào là tùy cháu quyết định, gia đình không can thiệp hay gây áp lực để con chọn trường theo mong muốn của cha mẹ. Tôi rất vui khi con chọn ĐH Nha Trang bởi thực tế nhiều khi cho con đi học xa rồi… mất con luôn. Nhiều cháu đi học ở Sài Gòn, làm việc ở đó xong rồi không muốn quay về nữa. Cha mẹ nhớ con thì lặn lội đi thăm, coi như mất con rồi” - ông Phụng chia sẻ.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên