Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp đã khẳng định như vậy, khi nhận được văn bản yêu cầu của Bộ Công Thương (ngày 20-3), với lý do quá gấp và điều quan trọng là nhà đầu tư cũng chưa đồng thuận về khung giá điện mà bộ đã ban hành.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Vạn Thịnh - chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận - cho rằng để đàm phán được cần phải có hồ sơ mà các chủ đầu tư gửi lên bao gồm các văn bản pháp lý của dự án. Tuy nhiên đến nay, EVN cho hay mới chỉ nhận được một hồ sơ nên chắc chắn không thể kịp thời gian như yêu cầu.
Ngoài ra, dự án cũng phải đảm bảo yêu cầu về thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật được thẩm định, phê duyệt theo quy định; thiết kế và nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy; có giấy phép xây dựng còn hiệu lực và phù hợp; các quyết định giao/cho thuê đất hợp lệ. "Đây đều là những vấn đề khó, cần nhiều thời gian để chủ đầu tư hoàn thiện các giấy tờ", ông Thịnh nói.
Nhiều nhà đầu tư cũng băn khoăn với những giấy tờ pháp lý mà EVN yêu cầu còn bao gồm cả đánh giá của đơn vị vận hành hệ thống điện quốc gia.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Bình - phó tổng giám đốc Tập đoàn T&T, những dự án điện chuyển tiếp khi làm quy hoạch đã xin ý kiến EVN về thỏa thuận đấu nối và vấn đề giải tỏa công suất. Trên cơ sở đó, EVN và Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) đã có ý kiến.
Do vậy, theo bà Bình, không thể xem đây là điều kiện bắt buộc các chủ đầu tư phải xin ý kiến A0 xác nhận đưa vào hồ sơ.
"Chúng tôi chưa biết xin xác nhận thế nào. Thỏa thuận đấu nối trước đây cũng đã ký cam kết rõ về tuân thủ lệnh điều độ hệ thống, không khiếu nại khiếu kiện. Tức chủ đầu tư tình nguyện ký vào hợp đồng nếu có trường hợp cắt giảm công suất. Vì vậy, đây không phải là văn bản bắt buộc", bà Bình nói.
Theo đại diện của EVN, việc đàm phán là quá trình phức tạp và thường mất nhiều thời gian nên EVN đã có riêng một công ty để thực hiện chức năng này. "Tuy nhiên, mỗi năm cũng chỉ hoàn thành đàm phán được 4-5 dự án mới. Do vậy, việc phải đàm phán cùng lúc với 85 nhà máy điện trong khi còn nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ là "chưa có tiền lệ", rất khó khả thi", vị này nói.
Yêu cầu báo cáo Thủ tướng trước 31-3
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về khuôn khổ pháp lý liên quan tới năng lượng tái tạo và dự thảo cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp (DPPA). Theo đó, Bộ Công Thương được yêu cầu phải tăng cường kiểm tra, giám sát để đẩy nhanh tiến độ đàm phán, thỏa thuận giá phát điện giữa các bên và báo cáo Thủ tướng trước 31-3.
Rà soát các quy định để hướng dẫn huy động tạm thời phát điện các dự án chuyển tiếp đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật trong thời gian các bên đàm phán giá.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sớm nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật năng lượng tái tạo, báo cáo vào tháng 8-2023. Đồng thời sớm nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, rà soát nội dung dự thảo về cơ chế thí điểm DPPA, lấy ý kiến các bên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận