Ngày 5-9, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Trung Kiên - phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) - giải thích các lý do mà ngành điện đồng loạt thay đổi ngày ghi chỉ số công tơ, gây nhiều phản ứng từ khách hàng.
Theo ông Kiên, ngành điện phải thay đổi lịch ghi chỉ số điện để đảm bảo các chi phí này nằm trong cùng năm tài chính, thay cho cách thu tiền điện rải rác hiện nay khiến chi phí đầu vào, chi phí đầu ra không rơi vào cùng một thời điểm.
Hơn nữa, khi thống nhất chốt chỉ số cuối tháng, ngành điện sẽ có dòng tiền đầy đủ để trả cho các đối tác bán điện, tránh trường hợp bị hụt dòng tiền do tiến độ thu tiền điện từ khách hàng dàn trải.
Cũng theo ông Kiên, trong các lần điều chỉnh giá điện trước đây, ngành điện rất vất vả để tính lại khung giá theo từng định mức theo cả thời điểm giá cũ lẫn thời điểm giá điện mới bởi có nhiều phiên ghi điện khác nhau trong tháng.
Do đó, nếu các đợt điều chỉnh giá điện rơi vào ngày đầu tháng, việc tính toán tiền điện cho khách hàng cũng sẽ rất thuận tiện, nhanh hơn, chính xác hơn, giúp kéo giảm chi phí giá thành kinh doanh.
Về phía khách hàng, ông Kiên cho rằng khi đưa chỉ số công tơ về ngày cuối tháng, người dân sẽ dễ nhớ hơn cùng với các hóa đơn khác để tránh nhầm lẫn, quên đóng tiền dẫn đến bị cắt điện.
Nhiều khách hàng cũng từng đề nghị ngành điện thống nhất ngày chốt chỉ số vào cuối tháng như các dịch vụ khác. Tuy nhiên, do không thể phát hành quá 12 kỳ hóa đơn trong năm, nên ngành điện kéo dài kỳ ghi chỉ số điện.
Ông Kiên cho biết đơn vị này đã tính đến phương án cộng 5 - 7 ngày mỗi kỳ thay vì cộng dồn vào một kỳ, nhưng do định mức mỗi bậc thang giá đã tăng lên tương ứng số ngày cộng thêm, số tiền khách hàng trả cho lượng điện mình dùng không thay đổi nên EVNHCMC chọn cách thay đổi một lần.
Dự kiến đến năm 2024, 100% khách hàng tại TP.HCM sẽ chuyển sang chốt chỉ số điện vào cuối tháng.
"Chúng tôi cũng lường trước những trường hợp khách hàng có nhiều hóa đơn tiền điện, các chi phí tài chính hằng tháng bị đảo lộn, song chỉ thay đổi một lần trong tháng đó thôi nên mong khách hàng chia sẻ với ngành điện", ông Kiên nói.
Bộ Công Thương giải thích lý do giá điện "cõng" thêm các khoản lỗ
Trong thông tin được phát ra ngày 5-9, Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương, đã giải thích cơ sở để đề xuất quy định cho thu hồi lỗ sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong tính toán giá điện tại dự thảo quyết định thay thế quyết định số 24 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Cụ thể, khi ban hành quyết định 24, chênh lệch tỉ giá là khoản chi phí lớn nhất thường bị treo, chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện, giá điện hoặc chỉ được hạch toán phân bổ một phần tùy tình hình tài chính mỗi năm, chưa kể các khoản chi phí phát sinh khác.
Từ giữa quý 1-2022, giá nhiên liệu thế giới tăng cao, làm đội chi phí mua điện từ các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu nhập khẩu hoặc có giá nhiên liệu tham chiếu theo giá thị trường.
Thế nhưng, giá bán lẻ điện được giữ ổn định, dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh điện của EVN năm 2022 lỗ hơn 26.000 tỉ đồng.
Mức tăng 3% giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 4-5 là mức tăng thấp nhất theo quyết định 24 nhằm hạn chế tác động đến kinh tế vĩ mô, sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân cũng như đã giải quyết một phần khó khăn cho tình hình tài chính và dòng tiền của EVN.
Trong năm 2023, chi phí tiếp tục bị dồn tích do mức điều chỉnh giá điện chưa đủ thu hồi chi phí đầu vào hình thành giá, chủ yếu là chi phí mua điện, chiếm hơn 80% tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN.
Do đó, theo cơ quan này, việc sửa đổi quyết định 24 cần có cơ chế cho phép thu hồi các chi phí chưa được thu hồi đủ trong các lần điều chỉnh giá điện tiếp theo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận