Chống “tin tức giả” trong hệ sinh thái thông tin mới

DUY VĂN 13/12/2016 17:12 GMT+7

TTCT - Không nghi ngờ gì, một trong những từ của năm 2016 sẽ là post-truth, post-values (ám chỉ những quyết định chỉ dựa vào cảm tính, đám đông thay cho sự cân nhắc trên nền tảng sự thật hay dữ liệu).

chưa có chú thích
chưa có chú thích


Ít ra nó đã được nhà báo nổi tiếng Hoa Kỳ - bà Christina Amanpours đề cập trong một bài nói chuyện mới đây, liên quan đến một diễn biến đặc trưng nữa của năm 2016: tin giả (fake news).

Tin tức giả đang trở thành mối đe dọa không chỉ giới truyền thông mà cả chính trường thế giới. Hai cảnh báo như thế trong tuần qua đã đến từ Tổng thống Obama và giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg.

“Không biết phải bảo vệ thông tin nào”

Tại cuộc họp báo hôm 17-11 ở Berlin, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã bày tỏ lo âu về tin tức giả lan truyền trên mạng, cảnh báo những thông tin này “được đóng gói rất tốt”, “nhìn trên trang Facebook chẳng khác gì khi bạn mở tivi”, và “một khi tất cả như nhau không có gì khác biệt, nên chúng ta sẽ không biết phải bảo vệ cái nào”.

Trước đó, trong một bài trả lời phỏng vấn công phu trên tờ The New Yorker số ra ngày 26-11, ông Obama thừa nhận đã “bị ám ảnh” về vấn đề tin tức giả này từ sau cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ mà Đảng Dân chủ chịu thất bại bất ngờ, bày tỏ lo âu về “hệ sinh thái mới của tin tức trên mạng, trong đó mọi thứ đều thật và không có gì là thật”.

Còn ông chủ Facebook Mark Zuckerberg, một tuần sau khi trấn an cộng đồng mạng về việc không có chuyện tin tức giả hay những cú chơi khăm trên mạng xã hội đã tác động đến kết quả bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, ngày 18-11 cũng đưa lên trang Facebook của mình thông điệp về bảy phương cách mà Facebook sẽ thực hiện để chống “fake news”.

Theo tờ Guardian, Google đã chi 150 triệu bảng cho ba tổ chức ở Anh làm việc với những dự án kiểm tra sự kiện, giúp các nhà báo và công chúng thoát khỏi những tin tức giả.

Trong số này, tổ chức Full Fact của Anh đã được chi 50.000 bảng để tạo ra một công cụ tự động có thể hỗ trợ lọc lựa tin giả, gọi tắt là FACTS (Hệ thống theo dõi và kiểm tra sự kiện tự động). Đây là một phần của quỹ tài trợ cho sáng kiến kỹ thuật số của Google, hỗ trợ cho các dự án về tin tức ở châu Âu.

Tin giả, hay chiến tranh thông tin?

Thật ra tin giả không phải là hiện tượng mới trong truyền thông xã hội.

Từ năm 2009, trong bài viết “Tin giả, hiện tượng của không gian truyền thông hiện đại” của tác giả Nadezhda Balovsyak trên trang web Nga Towave.ru, bà đã kêu gọi người dùng tỉnh táo, và giới thiệu một số tin giả tầm phào trên không gian mạng Nga kiểu như:

con mèo của Thủ tướng Dmitry Medvedev đi lạc, Samsung bị phạt 1 tỉ USD nhưng phải trả bằng đồng tiền 5 xu bằng vàng, hay phải trả tiền đi vệ sinh trên tàu hỏa ở Ukraine... cho đến những tin “lớn chuyện” như nổ ở Nhà Trắng khiến Tổng thống Obama bị thương hay bộ phim thiếu nhi Nga về Alisa Seleznhyova bị cấm chiếu ở Hà Lan do xúc phạm các cộng đồng giới tính thiểu số!

Tác giả này “điểm mặt” một số trang chuyên tung tin giả như UaReview và “Репортажист” (Ukraine), The Onion и Daily Rain (Mỹ), Fognews, smixer.ru, hobosti.ru, lapsha.ru (Nga)...

Nguyên nhân xuất hiện tin giả trên những trang này, theo Nadezhda Balovsyak, là do sự thiếu chuyên nghiệp của nhà báo (hoặc cố tình loan tin giả vì mục đích nào đó) hoặc do trang web bị hack và tuồn vào đó tin giả.

Nếu một số tin giả có thể không quá “nguy hiểm” thì gần đây xuất hiện những dạng tin giả gây lo âu, thậm chí có giả thiết về việc tin giả đã tác động đến kết quả bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Chẳng hạn tin Đức giáo hoàng ủng hộ ứng viên Donald Trump.

Chính giả thiết này khiến Tổng thống Obama bày tỏ lo ngại, thậm chí ông còn cảnh báo ông Trump từ Berlin: Nếu ông Trump không nhìn nhận nghiêm túc vấn đề này và có biện pháp đối phó, ông khó mà trụ lại được chức tổng thống lâu!

Washington Post trong một bài báo ngày 24-11 cho rằng Nga là thủ phạm truyền bá tin giả trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua. Tuy bài báo thừa nhận “không có cách nào để biết liệu chiến dịch của Nga có đóng vai trò quyết định trong việc đắc cử của Trump hay không”, nhưng các nhà nghiên cứu đã chỉ ra “đây là một phần trong một chiến lược rộng lớn nhằm gây mất lòng tin vào nền dân chủ Mỹ và các lãnh đạo của nó”.

Bài báo cho biết hai nhóm nhà nghiên cứu độc lập đã “sử dụng công cụ phân tích Internet lần ra nguồn gốc của một số tweet cụ thể rồi vẽ sơ đồ kết nối của các tài khoản truyền thông xã hội”, từ đó một số kết luận (khá mơ hồ) được đưa ra như “một số mã trang web đôi khi có sở hữu chung, hay việc một số cụm từ, câu cú được lặp lại trên các trang một cách liên tiếp, nhanh chóng cho thấy họ là thành viên trong một mạng lưới được điều khiển bởi một thực thể duy nhất”.

Cụ thể, các nhóm nghiên cứu này chỉ ra hai phương tiện truyền thông nhà nước Nga là kênh truyền hình quốc tế Russia Today và kênh tin tức Sputnik “đã sử dụng các tài khoản xã hội để khuếch đại những câu chuyện sai lạc lưu truyền sẵn trên mạng, khiến thuật toán về tin tức nhận diện chúng như những chủ đề có tính xu hướng; và đến lượt mình, một số cơ quan tin tức chính thống Mỹ cũng chọn đưa tin”!

Ví dụ cụ thể được hai nhóm nghiên cứu này giới thiệu: những tin tức đầu tiên về việc bà Clinton ốm vào ngày 11-9 tại một lễ tưởng niệm ở NewYork đã xuất phát từ các robot phần mềm và các troll của Nga - Washington Post khẳng định.

“Bộ sự thật”?

Chính vì thế mà không riêng Facebook, người khổng lồ Google cũng được kêu gọi tham gia cuộc chiến chống tin giả trên mạng. Hai tập đoàn này được yêu cầu kiểm duyệt tin giả và trừng phạt những kẻ vi phạm.

Ở Mỹ, để giải quyết vấn đề này, nhóm các nhà cung cấp tin tức “có trách nhiệm” và những nhà khổng lồ công nghệ sẽ cùng với cảnh sát giải quyết nạn tin giả, quyết định cái gì là thật và cái gì là ngụy tạo hay đồn thổi.

Như vậy, vấn đề nằm ở khía cạnh nghiêm trọng hơn: ai có quyền quyết định cái gì là thật và cái gì là giả? Nhà báo nào có quyền quyết định thế giới cần xem và biết điều gì?

Hay như nhà báo Robert Parry, biên tập viên của Consortiumnews.com, đặt câu hỏi: “Trong thời đại mà các bên đều làm công việc tuyên truyền, khi nào thì việc ủng hộ “sự thật” (của các phương tiện) chính thống trở thành việc kiểm duyệt cho sự hoài nghi hợp lý?”.

Nhà báo này đã mỉa mai gọi “Dự thảo đầu tiên của một liên minh” do Google thành lập năm 2015, quy tụ 30 tờ báo lớn (trong đó có các tờ The New York TimesThe Washington Post) và các công ty công nghệ để đối phó với tin tức giả, là “Bộ sự thật”.

Vì sao lại mỉa mai? Là bởi “dự thảo đầu tiên” được tài trợ bởi Google News Lab, và trong số thành viên sáng lập của liên minh này có Bellingcat, một trang web báo chí công dân trực tuyến nhưng đã đưa nhiều thông tin sai và hiện đang phối hợp với cơ quan nghiên cứu yêu thích của NATO là Hội đồng Đại Tây Dương.

Tuy “khét tiếng” sai nhưng một số tờ báo lớn của phương Tây vẫn chấp nhận đứng cùng một liên minh với Bellingcat bởi vì họ có cùng tiếng nói trong đường lối chính trị đối ngoại.

Robert Parry đơn cử một trong số các lỗi lớn nhất của Bellingcat (hay của người sáng lập nó là Eliot Higgins): vụ một tên lửa mà Bellingcat cho là của Syria mang khí sarin bắn vào ngoại ô Damascus hôm 21-8-2013 làm hàng trăm người chết.

Sự thật, như nhà báo huyền thoại Seymour Hersh (tác giả loạt phóng sự điều tra nổi tiếng về Mỹ Lai - Việt Nam) đã chứng minh, đây là hành động khiêu khích của những kẻ cực đoan phái Sunni nhằm kéo quân đội Mỹ vào cuộc chiến, chứ không phải là cuộc tấn công của quân đội Syria.

Robert Parry trong bài báo trên còn dẫn chứng nhiều cái sai khác của Bellingcat, tổ chức nay đang nằm trong bộ sậu của Google để quyết định thông tin nào là thật và thông tin nào là giả!

Những người dùng... ”trong suốt”

Việc lọc lựa ra những thông tin giả, theo 7 biện pháp mà Mark Zuckerberg đưa ra, đa số có tính kỹ thuật. Những thuật toán nào đó sẽ được điều chỉnh để nhận biết và phân loại thông tin giả (qua những bước được Mark Zuckerberg gọi là “phát hiện mạnh hơn”, “báo cáo dễ hơn”, “xác minh của bên thứ ba”...).

Việc tăng cường can thiệp của công nghệ chưa biết sẽ lọc được thông tin giả hay không, nhưng làm người dùng mạng đang trở nên ngày càng “trong suốt”.

Báo The Nation ngày 21-11 đăng bài “Cảnh sát đang đọc phản hồi trên Facebook của bạn”, cho biết một nghiên cứu của Trung tâm Brennan vì công lý đã công bố một bản đồ cho thấy 151 thành phố, hạt trên toàn liên bang Hoa Kỳ đã chi hàng triệu đôla cho các phần mềm giám sát hoạt động của người dùng trên mạng xã hội.

Các công cụ giám sát này giúp các cơ quan liên bang theo dõi những thông tin mới đưa lên của mỗi người dùng, vị trí và các dữ liệu mới của họ. Facebook, Twitter và Instagram còn cung cấp những thông tin đặc biệt để giúp các công ty lần theo các cuộc biểu tình ở Baltimore và Ferguson, Missouri.

Như vậy, cùng với những biện pháp theo dõi người dùng mạng mà Edward Snowden của NSA vạch trần, không khó tiên liệu những biện pháp “phát hiện mạnh hơn”, “báo cáo dễ hơn” như Mark Zuckerberg giới thiệu có thể khiến người dùng dễ bị thương tổn, trong khi “hệ sinh thái thông tin” chưa có bảo đảm nào sẽ lành mạnh hơn.

Ở Nga, ngày 21-11, Cơ quan liên bang giám sát công nghệ thông tin liên lạc và các phương tiện truyền thông (Roskomnadzor) đã gửi lời kêu gọi đến người dùng mạng xã hội, kêu gọi thảo luận những khả năng để hạn chế và phong tỏa tin giả.

Lời kêu gọi đã được đưa trên trang mạng xã hội phổ biến ở Nga “Vkontakte”, trong đó gọi kết quả bầu cử Mỹ mới đây “là một kinh nghiệm cay đắng”, nêu rằng: “Ngày càng nhiều các tin tức, trong đó nội dung thông tin và nguồn tin gây nghi ngờ, rơi vào dòng thông tin của các phương tiện truyền thông thế giới lẫn ở Nga.

Nhiều người bị thông tin sai có khi chỉ vì một nhan đề tin mà không đọc kỹ nội dung chính, khiến họ hiểu sai về vấn đề”. Tuy nhiên, cơ quan này cũng chỉ dừng ở mức độ kêu gọi và chưa đưa ra quyết sách hoặc giải pháp gì. ■

Google cũng không tránh khỏi tin giả trong mùa bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua, khi trong mục In the news của Google đã lọt vào tin khẳng định ông Trump thắng cả phiếu phổ thông lẫn phiếu đại cử tri (mà trên thực tế bà Clinton đã thắng ông Trump hơn 2 triệu phiếu phổ thông).

Nguyên nhân - theo giải thích trên trang businessinsider.com - là vì các modul tin tức ở ngay phần đầu trang công cụ tìm kiếm Google (In the news trên máy tính và Top Stories trên điện thoại di động) không lấy thông tin từ Google News mà lấy tất cả thông tin trên mạng, trong đó có những trang chưa được Google News chuẩn thuận. Và tin phiếu phổ thông kia là của một trang Wordpress blog “70 news”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận