Cơ quan thuế sẽ thí điểm kết nối máy tính tiền của siêu thị với hệ thống dữ liệu của ngành thuế - Ảnh: T.T.D.
Bà Tạ Thị Phương Lan - phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng cục Thuế - đã cho biết như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về chương trình kết nối chống thất thu thuế này.
Bà Lan nói: "Cơ quan thuế Hà Nội và TP.HCM đã lựa chọn mỗi địa phương khoảng 50 doanh nghiệp và hộ kinh doanh để kết nối nhằm kiểm soát tốt hơn doanh thu và số thuế phải nộp của các đơn vị kinh doanh".
* Vì sao lại chọn thí điểm các đơn vị kinh doanh là siêu thị, nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại?
- Đây là những lĩnh vực kinh doanh liên quan đến cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp cho người tiêu dùng. Những lĩnh vực kinh doanh này được đánh giá là có rủi ro trong quản lý doanh thu bán lẻ.
Máy tính tiền của các đơn vị kinh doanh này sẽ kết nối với cơ sở dữ liệu chung của Tổng cục Thuế. Tổng cục đang hoàn thiện hệ thống này, nên trước mắt sẽ thí điểm ở Hà Nội và TP.HCM. Sau này sẽ triển khai trên toàn quốc.
Theo kế hoạch, đến hết năm 2019 Tổng cục Thuế sẽ có báo cáo đánh giá bước đầu về những mặt làm được cũng như nhược điểm cần khắc phục sau khi thực hiện chương trình này ở Hà Nội và TP.HCM.
Đến năm 2020, việc kết nối máy tính tiền với hệ thống cơ sở dữ liệu của Tổng cục Thuế sẽ mở rộng triển khai tại một số địa phương và sau đó sẽ áp dụng trên toàn quốc.
* Liệu các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có sẵn sàng kết nối máy tính tiền với cơ quan thuế hay không?
- Những doanh nghiệp, hộ kinh doanh làm ăn chân chính sẽ ủng hộ việc này để kinh doanh minh bạch. Người ta sẽ không phải trao đổi gì với cơ quan thuế trong việc kê khai doanh thu.
Đặc biệt là hộ kinh doanh - những cơ sở kinh doanh không có sổ sách kế toán mà đang thực hiện theo thuế khoán sẽ không bị cơ quan thuế áp đặt, ấn định doanh thu cũng như số thuế phải nộp.
Trong ấn định có việc thỏa thuận giảm đi nhưng cũng có thể tăng lên, gây khó khăn cho người nộp thuế. Những người kinh doanh chân chính sẵn sàng kết nối này vì minh bạch, mọi hoạt động kinh doanh được sáng tỏ rồi, nên không phải làm việc với cơ quan thuế nữa.
Thực tế chi phí về thuế không lớn so với các chi phí khác trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, họ muốn minh bạch chi phí về thuế mà không phải lo lắng gì về thuế nữa để có thời gian tập trung sản xuất kinh doanh.
Khi thực hiện kết nối với máy tính tiền của cơ sở kinh doanh với cơ quan thuế, họ không phải nộp thuế khoán nữa, mà số tiền thuế sẽ được tính trên doanh thu thực tế. Tỉ lệ thuế thực tế rất thấp như các ngành thương mại gồm cả thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng chỉ 1,5-2%, còn các ngành dịch vụ là 4,5%.
Bà Tạ Thị Phương Lan
* Cơ quan thuế có chính sách để khuyến khích doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia việc kết nối này hay không?
- Tổng cục Thuế sẽ nghiên cứu để báo cáo Bộ Tài chính trình Chính phủ có chính sách ưu đãi đối với đơn vị thực hiện việc kết nối này. Theo kinh nghiệm của các nước, các trường hợp tham gia thí điểm kết nối này sẽ được miễn giảm số thuế phải nộp hoặc sẽ được treo bảng ghi đây là cơ sở sử dụng máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế... Và những hóa đơn in từ máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế được coi là hóa đơn điện tử.
Tại một số nước, có địa phương dùng mã hóa đơn này để quay xổ số. Chính quyền địa phương muốn khuyến khích, phát triển du lịch, để du khách đến nhiều hơn cũng có thể tổ chức quay xổ số những hóa đơn mua hàng tại những đơn vị có kết nối máy tính tiền với cơ quan thuế.
Ở Việt Nam chưa trình Chính phủ cơ chế ưu đãi này, dù chúng tôi cũng có ý tưởng đưa vào nghị định. Bởi liên quan đến nguồn tiền chi trả, ngân sách phải dành một khoản.
* Việc cơ quan thuế quản lý được doanh thu sẽ tính đúng, tính đủ tiền thuế?
- Thực ra tính đúng, tính đủ tiền thuế là một câu chuyện, nhưng ngành thuế cũng rất muốn minh bạch trong quản lý, đặc biệt là nhóm đối tượng kinh doanh nhỏ lẻ. Hiện nay báo chí, dư luận cũng nói ngành thuế tốn quá nhiều nhân lực để quản lý những đối tượng này trong khi số thu chỉ chiếm 2% tổng thu ngân sách.
Tất nhiên việc đầu tư rất lớn, nhưng đã đến lúc chúng ta buộc phải làm rồi. Thực tế nhiều quốc gia đã triển khai kết nối máy tính tiền từ rất lâu rồi.
Có quản được thu nhập, chi tiêu cá nhân?
Theo bà Tạ Thị Phương Lan, các cơ sở kinh doanh đã xây dựng cơ sở dữ liệu. Khi tính tiền, máy quét mã hàng sẽ ra tên mặt hàng, giá tiền, thuế..., nên trên tờ hóa đơn tính tiền của các siêu thị đều có thời gian tính tiền, chi tiết đến từng phút, giờ.
Nếu người mua có thẻ của siêu thị, trên hóa đơn có tên của người mua hàng. Do đó, cơ quan thuế xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cho đồng bộ và đề nghị trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, khách sạn... kết nối máy tính tiền với hệ thống của Tổng cục Thuế.
Khi kết nối thành công, Tổng cục Thuế sẽ nắm được ngày giờ đó cơ sở kinh doanh nào đã bán mặt hàng gì, có giá bao nhiêu, thậm chí nếu thanh toán không dùng tiền mặt, hoặc có thẻ mua hàng của siêu thị cũng biết được tên của người mua hàng. Về lâu dài, khi hệ thống hoàn thiện, chỉ cần đánh mã số thuế của người mua hàng cũng có thể biết được các thông tin mua hàng của người tiêu dùng như mua sản phẩm, dịch vụ gì ở siêu thị gì, vào ngày giờ nào...
Dù vậy, chuyện quản lý chi tiêu, tiêu dùng hay thu nhập của cá nhân là không đơn giản, thậm chí khá khó khăn. Chỉ khi nào tất cả đều thanh toán không dùng tiền mặt mới quản lý triệt để được và Tổng cục Thuế cũng đã đề xuất theo hướng này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận