18/10/2024 10:37 GMT+7

Chống tham nhũng và chống lãng phí phải song hành

Quá trình xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng cũng nảy sinh một số vấn đề, nếu không kịp thời giải quyết sẽ dẫn đến nguy cơ lãng phí nguồn lực xã hội.

Chống tham nhũng và chống lãng phí phải song hành - Ảnh 1.

Thương xá Tax - khu đất vàng 133 Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM được dùng làm khu ẩm thực khi có lễ hội (ảnh chụp trưa 17-10) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Mới đây, trong bài viết "Chống lãng phí", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chỉ rõ hiện nay tình trạng lãng phí, thất thoát còn diễn ra khá phổ biến với nhiều dạng thức khác nhau, một số trường hợp rất nghiêm trọng và đặt ra yêu cầu phải quyết tâm phòng chống lãng phí gắn với phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Thời gian qua, chúng ta tập trung đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, qua đó đã phát hiện, xử lý nghiêm minh nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng, phức tạp, gây thiệt hại đặc biệt lớn đến tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhiều tổ chức, cá nhân có liên quan.

Tuy nhiên, quá trình xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng cũng nảy sinh một số vấn đề, nếu không kịp thời giải quyết sẽ dẫn đến nguy cơ lãng phí nguồn lực xã hội với giá trị lớn hơn giá trị tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong vụ án, vụ việc.

Hiện còn nhiều kết luận thanh tra, bản án đã có hiệu lực pháp luật liên quan đến các dự án, đất đai không thi hành được, do vướng mắc về pháp lý trong quá trình xử lý như khu phức hợp sân vận động Chi Lăng tại Đà Nẵng (trong vụ án Phạm Công Danh), hay như một số dự án condotel tại Khánh Hòa...

Tài sản thì cứ nằm dãi nắng dầm mưa, trơ gan cùng tuế nguyệt, không đưa được vào sản xuất, kinh doanh để tạo ra hoa lợi, mà còn bị giảm giá trị sử dụng theo thời gian.

Không chỉ đối với dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, bản án đã có hiệu lực pháp luật, mà còn rất nhiều vật chứng, tài sản là tiền, bất động sản, cổ phiếu, phương tiện các loại... liên quan đến các vụ án, vụ việc đang nằm bất động do bị tạm giữ, kê biên, phong tỏa để phục vụ quá trình xác minh, điều tra, truy tố, xét xử, nhưng việc xử lý gặp khó khăn; có những vụ án, vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, rất phức tạp, thời gian xác minh, điều tra, xử lý kéo dài, dẫn đến lãng phí, thậm chí thiệt hại không nhỏ cho cả Nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Về nguyên tắc, các vật chứng, tài sản này phải được bảo quản để phục vụ quá trình điều tra, xử lý vụ án, vụ việc, nhưng nếu chúng ta đổi mới tư duy theo hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý để xử lý ngay trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, đảm bảo không ảnh hưởng đến việc phát hiện, xử lý các hành vi phạm tội, thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước thì sẽ hạn chế được lãng phí, hạn chế sự ảnh hưởng đối với quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của cá nhân, tổ chức liên quan, khơi thông nguồn lực rất lớn phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chúng ta đang dốc sức, dồn lực để đưa đất nước bước vào "kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" thành công, đòi hỏi phải giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất, huy động tối đa, quản lý và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực kinh tế - xã hội.

Cùng với đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực cũng rất cần phải quyết tâm chống lãng phí, và phải đặt phòng chống lãng phí "có vị trí tương đương với phòng chống tham nhũng, tiêu cực" như chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, mà trước hết phải chống lãng phí ngay trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Như vậy nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực mới hoàn thành toàn diện và trọn vẹn.

Chống tham nhũng và chống lãng phí phải song hành - Ảnh 1.Bài viết 'Chống lãng phí' của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên