Phóng to |
Ông Ngô Mạnh Hùng - Ảnh: Việt Dũng |
"Những đề án được trao giải ngày hôm nay có thể chỉ là những sáng kiến nhỏ bé, sẽ được thực hiện trong phạm vi của một cơ quan, tổ chức hoặc một địa phương với thời gian thực hiện không quá một năm. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có quyền tin tưởng rằng những ý tưởng sáng tạo nhỏ bé đó khi được thực hiện thành công sẽ có sức lan tỏa, tạo nên những tác động có tính hệ thống và lâu dài, góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân và toàn xã hội về công tác phòng chống tham nhũng, từng bước đẩy lùi tình trạng tham nhũng hiện nay" Ông Huỳnh Phong Tranh (tổng Thanh tra Chính phủ, phát biểu tại lễ trao giải cho 34 đề án sáng tạo của chương trình Sáng kiến phòng chống tham nhũng VN 2011) |
34 đề án được lựa chọn dựa trên tiêu chí sáng tạo nhất, khả thi nhất. Các đề án phải đưa ra sáng kiến hoàn toàn mới, chưa ai nghĩ ra hoặc sáng kiến cũ với thế giới nhưng mới đối với VN và mới về đối tượng áp dụng.
Các đề án phải thực hiện được, tức là tổ chức đứng ra thực hiện phải có năng lực, chính quyền địa phương hoặc đơn vị nơi thực hiện đề án phải ủng hộ, phải có cam kết trong đề án là nếu đề án được trao giải thì sẽ phối hợp để triển khai.
* Thưa ông, khả năng nhân rộng 34 đề án như thế nào?
- Khi chấm chúng tôi cũng xem xét khả năng nhân rộng của các đề án, tức là một sáng kiến không chỉ thực hiện cho một nhóm đối tượng trong một thời gian mà thông qua việc thực hiện sáng kiến đó để có thể nhân rộng một cách dễ dàng ra cộng đồng. Trong 34 đề án được trao giải năm nay có bốn đề án được nhân rộng từ kết quả của năm 2009.
* Điều quan trọng là hiệu quả của các đề án sau khi đưa vào áp dụng trong thực tế, Thanh tra Chính phủ có tính đến điều này, hay chỉ coi đây là một chương trình mang tính phong trào?
- Đây cũng là một vấn đề chúng tôi phải tính. Như tôi đã nói, khi chấm các đề án chúng tôi chấm tính khả thi để đảm bảo đề án thực hiện được chứ không phải mình cấp tiền rồi họ không sử dụng cho đề án mà sử dụng vào việc khác.
Vì thế, chương trình không hỗ trợ toàn bộ kinh phí ngay, chỉ tạm ứng một khoản đầu tiên để chủ đề án thực hiện. Thanh tra Chính phủ chủ trì hoạt động theo dõi, giám sát đánh giá. Nếu cần thiết sẽ có đoàn kiểm tra việc thực hiện chế độ tài chính. Vừa qua, đánh giá 25 đề án được tài trợ trong năm 2009 thì thấy chỉ có một đề án thất bại do khi chấm giải mình chưa lường hết được tính khả thi.
* Thưa ông, nhìn vào nội dung 34 đề án chưa thấy có sáng kiến phòng chống được các tham nhũng lớn?
- Thật ra đây là những đề án xuất phát từ ý tưởng thực tiễn của cộng đồng, mục tiêu là giúp giải quyết những vướng mắc phát sinh ngay ở cộng đồng. Đầu tiên anh phải xuất phát từ thực tế cộng đồng của anh, từ việc hằng ngày anh gặp chứ không phải ngồi đọc báo thấy nói tham nhũng rất to rồi kiến nghị giải pháp thế này thế nọ.
Mục tiêu của chương trình là từ những “viên gạch” rất nhỏ, chúng ta sẽ xây lên một “bức tường” chống tham nhũng tốt.
* Ông nói rằng các đề án hoàn toàn có thể nhân rộng được nhưng chắc chắn có không ít cơ quan, đơn vị không mặn mà với việc áp dụng đề án...
- Qua chấm các đề án, chúng tôi thấy có những sáng kiến rất hay nhưng người ta sợ đụng chạm nên chưa chắc đã đồng ý để thực hiện, nhất là khi chưa bị buộc phải thực hiện. Chính vì thế có những đề án hay về ý tưởng sáng tạo nhưng không được trao giải vì không tìm được sự đồng thuận của những nơi chủ đề án định tổ chức thực hiện.
Có đề án vào đến chung khảo, có ý tưởng hay là thành lập một hội đồng giáo viên để giám sát hoạt động của trường tiểu học, nhưng chủ đề án đi đặt vấn đề thực hiện thì không trường nào nhận cả. Những đề án đó chúng tôi sẽ lọc ra dù nó không khả thi và không được trao giải nhưng rõ ràng là một sáng kiến tốt.
Sau đó chúng tôi sẽ làm việc với cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực để bàn việc thí điểm thực hiện. Lúc đó sẽ dùng quyền quản lý nhà nước yêu cầu một vài đơn vị thí điểm thực hiện. Khi thấy hiệu quả sẽ dùng quyền quản lý nhà nước để nhân rộng.
* Đối với các đề án được tài trợ thực hiện trong năm 2009, ông đánh giá thế nào về sự tác động của các đề án này?
- Thật ra để tác động đến tình trạng tham nhũng ở một địa phương thì nó chỉ góp một phần thôi, muốn chống tham nhũng còn có nhiều yếu tố khác. Nhưng nếu một tòa án áp dụng được cơ chế công khai các bản án, công khai trình tự, thủ tục của quá trình tố tụng... góp phần giảm khuất tất mà cán bộ điều tra, cán bộ xét xử lợi dụng để thực hiện hành vi tiêu cực cũng là đáng mừng rồi.
* Vậy với 34 đề án được tài trợ thực hiện lần này cũng chưa thể trông đợi sẽ tạo chuyển biến rõ nét trong công tác phòng chống tham nhũng?
- Chống tham nhũng là một quá trình lâu dài, mình không thể nóng vội được, phải bền bỉ, kiên trì. Đây là chương trình nằm trong kế hoạch của Thanh tra Chính phủ thực hiện chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng đến năm 2020 nhưng chúng tôi chỉ làm đến năm 2015, năm năm sau có thể mô hình khác chứ không phải rập khuôn mô hình này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận