Chống tham nhũng nhìn từ bước tiến của công vụ

DANH ĐỨC 03/11/2024 07:04 GMT+7

TTCT - Sẽ là võ đoán khi chỉ qua chút cảm nhận từ một buổi xét xe đăng kiểm và hai buổi khám, nhổ răng và khám nội tiết ngoài lịch, mà khen ngay rằng công vụ đã có tiến triển.

Song, cảm nhận của một người về hưu như tôi qua các buổi đó là hài lòng, tuy vẫn còn bị "kỳ đà" vì một vài quy định khó hiểu.

Chống tham nhũng nhìn từ bước tiến của công vụ - Ảnh 1.

Ảnh: stockholmmcf.org

Cách đây khoảng một tháng, tôi cùng người nhà xét xe tới hạn đăng kiểm ở một "quận chữ" - trung tâm gần nhà đã đóng cửa sau vụ bê bối lớn ở các trung tâm đăng kiểm vừa qua. 

So với mấy lần trước, lần này chuyện đăng ký đi xét có đổi mới là hẹn ngày và khung giờ cụ thể, như kiểu hẹn ngày, giờ khám ở một số bệnh viện công có chương trình hẹn khám có thu phí. Thế là tà tà đi công chuyện rồi tới trước hẹn một khắc. 

Vô nộp giấy tờ, làm thủ tục, đóng lệ phí không lâu lắc vì đông đảo như trước kia chưa có hẹn giờ. Đợi tới phiên đem xe vô khám, có kết quả "đạt", lái xe ra bãi chờ dán tem lưu hành mới.

Ở trung tâm đăng kiểm

Khi công việc được hỗ trợ bằng máy tính và phần mềm chuyên dùng, mọi chuyện sẽ rõ ràng, đỡ nhiêu khê hơn, mà kết quả là không có kẽ hở để "vẽ vời"! Trong suốt buổi xét xe, cũng không còn thấy hiện tượng "để tờ 200k ở hốc dưới táp lô" như hồi trước; ai đó vì quên mà "để quên", sẽ được nhân viên nhắc cất đi.

Điều gì tạo ra chuyển biến mới này? Chắc chuyện bắt giam một số chức sắc Cục Đăng kiểm, giám đốc và nhân viên hàng loạt trung tâm đăng kiểm đã tạo nên phản ứng "phản vệ", làm cho quy trình đăng kiểm từ nhiễu nhương biến thành ngăn nắp như hiện nay. 

Mới cách đây ba tháng, hai cựu cục trưởng đăng kiểm và luật sư cho rằng mức án 20-25 năm tù về tội nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ là "quá nặng" (VNExpress 7-8). Nhưng có thể tin rằng những thực thi luật pháp trong bộ máy đăng kiểm năm nay đã tạo rúng động thay đổi như đang thấy.

"Luật pháp nghiêm khắc, luật là luật", thế giới La Mã từ hơn 2.000 năm trước đã vận hành trên cơ sở này, và nay cũng thế, bằng không sẽ "loạn" kiểu "vô chánh phủ" cho dù vẫn đang có chánh phủ.

Về hiểm họa "vô chánh phủ", nhà nhân chủng học Charles Macdonald đã tỏ rõ trên Socialisme-libertaire.fr: "Những quy tắc này có tính áp dụng phổ quát (không ai được trên luật pháp, áp dụng như nhau cho tất cả mọi người), phải được áp dụng nghiêm ngặt, đòi hỏi hình phạt và một bộ máy trừng phạt, đàn áp. Ngoài sự trừng phạt và đàn áp, sẽ thêm khái niệm về tính gương mẫu".

Câu hỏi là liệu sau những "cú sốc phản vệ" từ các vụ bắt giam xét xử hàng loạt, có thể hy vọng rằng một nếp gương mẫu mới sẽ lần hồi hình thành? 

Muốn thế, phải tạo được những suy nghĩ mới từ cả hai phía: chủ xe, tức người sử dụng dịch vụ công, và nhân viên đăng kiểm, người cung cấp dịch vụ: tỉ như trước kia, thay vì thay một bộ vỏ xe mới, chi bằng "bôi trơn" và đồng ý thỏa hiệp. Thách thức sẽ lớn nơi nhân viên xét xe, khi tiền lương, cũng như mọi ngành khác, là không đủ sống.

Tại phòng khám răng bệnh viện quận

Cũng trong tuần qua, một bữa kia, răng đau quá, tôi chỉ kịp chạy tới một bệnh viện đa khoa quận gần nhà. Trình thẻ bảo hiểm y tế xong, được chỉ qua khoa răng hàm mặt đăng ký khám. 

Tờ giấy đăng ký vẫn thấy ghi "trái tuyến", song được khám và chỉ định chụp X-quang, trước khi được nha sĩ chỉ định nhổ gốc răng còn sót. 

Mọi việc trơn tru, từ đo huyết áp, xét nghiệm máu, chích thuốc tê, nhổ xong qua phòng bên cạnh (có máy lạnh) nghỉ cho tới khi được đo huyết áp lần nữa, ổn định thì được về, kèm thuốc theo toa chủ yếu là kháng sinh và giảm đau. Trái tuyến nhưng vẫn đươc hưởng chế độ bảo hiểm y tế như thường, dù tất nhiên, có đóng phần phụ trội.

Câu chuyện khám răng ở bệnh viện đa khoa quận của tôi là trường hợp "tính gương mẫu" mà tác giả Macdonald đã nêu. Tiếc rằng đây là điều đã không diễn ra khi đi khám tại một phòng khám đa khoa một bệnh viện tư.

Đóng phí bác sĩ khám (cũng cao, bệnh viện tư mà), được thôi. Khám xong, được cho toa, song được báo là "do thẻ bảo hiểm y tế cấp thành phố, nên không chi bảo hiểm y tế trả tiền thuốc ở đây, vốn là phòng khám nên là cấp dưới". 

Vấn đề không phải ở cơ sở khám đó, mà do quy định. Trái tuyến theo chiều "tuyến dưới lên tuyến trên" còn có thể nghe hiểu được, đằng này trái tuyến theo chiều "trên xuống dưới" cũng không được, quả là khó hiểu.

Cái vụ đúng tuyến và trái tuyến này vẫn còn là vấn nạn cho nhiều bệnh nhân, nhất là dân tỉnh lên thành phố, phải có giấy chuyển viện mỗi lần lên khám. Quả là trần ai! Bịnh đã là khổ rồi, còn thêm cái vụ trái tuyến, chuyển viện nữa. 

Dẫu vậy, cũng phải ghi nhận là trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế vừa đưa ra hồi tháng 10, Bộ Y tế đã đề xuất người mắc bệnh hiểm nghèo, hiếm, nặng sẽ được chuyển thẳng cơ sở y tế tuyến trên mà không cần theo trình tự khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đó lại là một bước đi đúng nữa của nền hành chính - công vụ. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận