Phóng to |
Lê Văn Cuông - Ảnh: V.Dũng |
"Bộ máy chống tham nhũng trùng trùng điệp điệp... Vậy mà vẫn khó bắt được tham nhũng" LÊ VĂN CUÔNG (nguyên đại biểu Quốc hội) |
Mấy bữa nay đọc thông tin trên báo chí lại thấy nhiều người nói về tham nhũng, từ lãnh đạo cấp cao phát biểu ở hội nghị đến những bạn đọc phản hồi vài dòng dưới chân các bài trên báo điện tử. Phó chủ tịch nước nói “bây giờ ăn của dân không từ một cái gì..”, Chủ tịch Quốc hội thì hỏi “có tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng không?”... Tôi không lạ khi đọc những ngôn từ đó bởi nhiều người đã nói nhiều năm nay, thậm chí còn nói dữ dội hơn, chỉ có điều những bức xúc dồn nén đến bây giờ các nhà lãnh đạo không thể kìm được nữa phải thốt thành lời.
Nói về tham nhũng thì bức xúc thật, nghe ai nói cũng thấy bức xúc. Nhưng nếu đọc các bản báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng hằng năm ở các cấp thì thấy nó êm ái đến nực cười. Êm ái ở chỗ là bản báo cáo nào cũng viết y chang nhau và năm sau lại y chang năm trước: tham nhũng chưa được đẩy lùi, còn nghiêm trọng, phức tạp với biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo quyệt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân...
Nghiêm trọng như vậy, nhưng đọc số liệu thống kê của cuộc đấu tranh thì sao: cả nước mỗi năm phát hiện vài chục vụ, nhiều vụ cỏn con, có địa phương thanh tra hàng ngàn cuộc mỗi năm nhưng không phát hiện vụ tham nhũng nào. Hỏi lãnh đạo ngành nọ, bộ kia thì được trả lời rằng chúng tôi đã quyết liệt, tăng cường... nên không để xảy ra tình trạng tham nhũng. Kỳ lạ và nực cười, đâu đâu cũng nói “nghiêm trọng, phức tạp” nhưng lại phát hiện rất ít và “cơ quan tôi không có tham nhũng”.
Dăm năm trước, người ta nói rằng chưa chống được tham nhũng là do thiếu chính sách pháp luật, thiếu bộ máy chuyên trách. Còn bây giờ luật đã được sửa, nhiều nghị định, thông tư, chính sách đã được ban hành. Bộ máy chống tham nhũng trùng trùng điệp điệp, từ Đảng đến thanh tra, điều tra, kiểm toán... Vậy mà vẫn khó bắt được tham nhũng. Những vụ tham nhũng được khui ra chủ yếu nhờ người dân và báo chí.
Ở một bệnh viện cấp huyện như Hoài Đức (Hà Nội), người tố cáo tiêu cực phải chịu áp lực khủng khiếp, thậm chí có người tố cáo còn đang bị khởi tố. Phanh phui một vụ việc tày trời như vậy nhưng lĩnh thưởng 320.000 đồng, nực cười quá! Ở một TP lớn như TP.HCM, mấy ông sếp doanh nghiệp công ích lĩnh lương bạc tỉ, vậy mà bao năm trời mới phát hiện. Vậy kê khai tài sản, thu nhập để làm gì?
Theo thiển ý của tôi, chống tham nhũng đừng hô hào suông, cũng đừng lan man trải rộng; chống tham nhũng chỉ cần giám sát chặt chẽ mọi hoạt động, hành vi, lối sống của những người đứng đầu các cấp, các ngành, các đơn vị thì sẽ có kết quả ngay thôi. Ở một cơ quan, đơn vị, nếu người đứng đầu bị kiểm soát đến mức không thể tham nhũng, hoặc nếu tham nhũng cũng bị trừng trị thích đáng, thì cơ quan, đơn vị ấy sẽ không có ai dám tham nhũng nữa đâu.
Trong hơn 130 ý kiến phản hồi của bạn đọc, phần lớn ý kiến mong mỏi công cuộc chống tham nhũng sẽ có chuyển biến mạnh mẽ khi người lãnh đạo cấp cao đã đặt thẳng câu hỏi “Có tham nhũng trong lực lượng phòng chống tham nhũng không?”. Bạn đọc Nguyễn Đạt bày tỏ: “Đã đề cập thì phải có hướng giải quyết, cụ thể, chi tiết nhằm lấy lại lòng tin của nhân dân”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận