"
Vấn đề là từ sự nhìn nhận ấy, nhà chức trách, xã hội phải làm gì để thay đổi, cải thiện tình hình. Cho đến nay, mọi câu trả lời của những người được cho là có trách nhiệm đều chưa thỏa đáng.
Khó khăn chủ yếu xoay quanh việc thiết lập bằng chứng về tham nhũng. Người ta có thấy quan chức này sắm một căn biệt thự thật lộng lẫy ở Hà Nội, người nhà của quan chức kia tạo lập một dinh cơ thật hoành tráng ở TP.HCM. Nhưng khi đụng đến câu hỏi liệu có chắc tài sản ấy có được là do tham nhũng thì không ai dám mạnh miệng lên tiếng một cách đĩnh đạc, tự tin, quyết đoán, do không có đủ chứng cứ thuyết phục.
Chống tham nhũng bằng cách đẩy trách nhiệm chứng minh cho người tố cáo, nói chung, người dân, xã hội, là không ổn. Đơn giản, việc tham nhũng thường diễn ra ở những góc khuất và không ồn ào, người ngoài khó phát hiện. Vả lại, quan chức là người có quyền thế, có khả năng huy động lực lượng, phương tiện để trấn áp những ai muốn chống lại mình. Không được chuẩn bị tốt về chứng cứ, về thực lực và không vững vàng mà lại đứng ra cáo buộc một quan chức là tham nhũng, người cáo giác dễ thua cuộc. Không chỉ thua, người tố cáo tham nhũng còn đứng trước nguy cơ nhận đòn phản công, có khi phải chịu hậu quả thiệt hại thảm khốc cho bản thân, gia đình.
Đáng lý ra phải yêu cầu quan chức, người được cho là có điều kiện tham nhũng, tự chủ động “tắm gội” thường xuyên để luôn có thể xuất hiện trước công chúng trong tư thế, diện mạo sáng sủa của người trong sạch, liêm chính. Nếu không “sạch” thì đương nhiên bị coi là “dơ”, còn tại sao “dơ” thì không cần biết.
Ở các nước, luật chơi đó được cụ thể hóa thành một bộ quy tắc chặt chẽ chi phối việc kê khai tài sản của người giữ một chức vụ quan trọng trong bộ máy công quyền. Trước khi được bổ nhiệm, người này phải kê khai tài sản của mình. Trong thời gian đảm nhận chức vụ, người này phải khai báo theo định kỳ những biến động về tình hình tài sản. Nếu có tài sản mới thì không chỉ liệt kê mà còn phải giải trình rõ do đâu mà có. Bản kê khai được công bố ở một nơi mà mọi người quan tâm đều có thể tiếp cận dễ dàng và miễn phí. Để ngăn chặn khả năng tẩu tán tài sản tham nhũng, luật pháp có thể yêu cầu thực hiện nghĩa vụ kê khai không chỉ đối với quan chức mà còn cả đối với người nhà của quan chức.
Điều quan trọng là một khi được công bố, bản kê khai trở thành một tài liệu pháp lý chính thức và có thể dùng để chống lại người khai trong hai trường hợp: có tài sản thuộc sở hữu của người khai nhưng không được ghi nhận trong bản khai; có tài sản được khai nhưng lời khai được xác định là không trung thực, đặc biệt về nguồn gốc. Trong cả hai trường hợp, người khai đương nhiên bị quy kết có thu nhập bất minh và bị cáo buộc vào tội tham nhũng mà không cần chứng cứ cụ thể nào khác.
Vấn đề kê khai nguồn gốc tài sản tăng thêm trong quá trình nắm giữ chức vụ, công bố bản kê khai và nhất là xác định giá trị pháp lý của bản kê khai cũng từng được đặt ra trong quá trình sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng. Nhưng rốt cuộc, việc cải cách chế độ kê khai tài sản đã không được thực hiện triệt để. Hậu quả là biện pháp kê khai tài sản không phát huy được tác dụng như trông đợi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận