06/05/2006 04:05 GMT+7

Chống tham nhũng - chống tha hóa quyền lực phải bằng pháp quyền

QUANG MINH
QUANG MINH

TTCT - Từ khi xác định căn bệnh này là một trong các nguy cơ đối với sự an nguy của chế độ, đến nay gần ba nhiệm kỳ Quốc hội đã qua mà vẫn chưa đề ra được các giải pháp triệt để.

Sau lần bầu cử nào chính quyền các cấp cũng lập ra cơ quan chống tiêu cực tham nhũng, nhưng xã hội chưa một lần có thông tin về tác dụng và kết quả hoạt động ra sao; chuyển qua “dân biết - dân bàn - dân kiểm tra giám sát” nhưng là khẩu hiệu chứ chưa được luật hóa nên “bàn” thì cứ bàn, còn “biết” và “kiểm tra” thì hãy đợi đấy; rồi kê khai tài sản quan chức nhưng chế tài ra sao thì không thấy nhắc tới; rồi việc công khai ngân sách và công sản lại bị cản trở bởi lý do giữ bí mật quốc gia (sic), người đóng thuế không có quyền biết đồng tiền của họ được dùng ra sao; rồi kiểm soát quyền lực tới đâu chưa rõ nhưng đã có không ít người thân tàn ma dại vì đấu tranh với kẻ hối mại quyền lực...

Ai cũng biết tham nhũng và tha hóa quyền lực ra đời và tồn tại cùng với nhà nước. Nhắc lại qui luật này để xác định đây thật sự là một cuộc chiến, không thể làm kiểu phong trào như lâu nay. Quyết tâm chính trị thôi chưa đủ mà phải có vũ khí không thể thiếu là pháp quyền của nhân dân. Do vậy đề nghị làm quyết liệt mấy việc sau:

I- Phân định rõ hơn nữa ba quyền của Nhà nước. Các quốc gia tiến bộ phát triển đều làm như vậy, dù có chỉ số “trong sạch” cao thì cuộc chiến chống tham nhũng của họ cũng chưa bao giờ được xem là thành công mỹ mãn. Tham nhũng ở nhiều nước, kể cả VN, chủ yếu rơi vào quan chức hành pháp, vậy mà ở nước ta người đứng đầu cơ quan hành chính của từng cấp cũng chính là người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng ở cấp đó. Nói nhà nước pháp quyền mà không đề cập quan hệ chế ước lẫn nhau giữa ba quyền thì chỉ là nửa vời; nếu còn né tránh thì sẽ tồn tại loại quyền lực không bị kiểm soát, dẫn đến sự tha hóa quyền lực.

II- Quốc hội cần sớm ban hành và thực thi định chế lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do cơ quan dân cử bầu ra tại các phiên họp định kỳ, điều mà nhiều nhà nước văn minh trên thế giới đã áp dụng từ lâu, xã hội nơi đó xem là hoạt động bình thường. Chưa làm được việc này thì Quốc hội VN chưa đại diện được ý chí của toàn dân, chưa phải là cơ quan quyền lực cao nhất.

III- Sớm có Luật biểu tình. Trước hết phải loại bỏ ngay kiểu suy nghĩ sai lệch lâu nay rằng biểu tình đồng nghĩa với chống đối chế độ. Luật biểu tình là định chế để mọi công dân được quyền biểu thị sự đồng tình hay không đồng tình bằng hành động trước một vấn đề chính trị nào đó của đất nước; luật là cơ sở pháp lý để hoạt động biểu tình trở thành sinh hoạt chính trị bình thường; tạo hành lang pháp lý hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực của biểu tình đến trật tự công cộng, đến sinh hoạt của các cộng đồng và các nhóm công dân khác.

Không người bình thường nào muốn cuộc sống xáo trộn bởi các cuộc biểu tình, nhưng không có biểu tình thì chưa chắc lòng người đã thật bình yên. Đã đến lúc phải chấp nhận mặt tích cực và sự tiến bộ của hoạt động này được thực tiễn kiểm chứng ở các nước phát triển: ngoài thước đo trình độ chất lượng dân trí và dân chủ, nó còn là công cụ pháp lý - chính trị mà người dân dùng để buộc lãnh đạo đất nước phải ra tay thanh lọc sự tha hóa quyền lực, trừng trị thích đáng kẻ tham nhũng.

IV- Không ai khác, Đảng Cộng sản VN phải đứng ở vị trí tiên phong trong cuộc chiến này: cùng nhân dân xây dựng nền pháp quyền mà trong đó chỉ nhân dân mới có quyền quyết định xem ai là người xứng đáng được giao trọng trách quản lý điều hành đất nước.

Không kẻ tham nhũng nào có thể mua chuộc được tất cả cử tri; lãnh đạo sửa đổi pháp luật đi được theo hướng này thì vai trò của Đảng sẽ là “hữu xạ tự nhiên hương”.

QUANG MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên