TTCT - Người ta “đòi hỏi” đàn ông phải chia sẻ việc nhà với vợ. Chỉ vậy thôi! Nghỉ việc, ở nhà làm nội trợ, coi chừng sai lầm đấy! Minh họa: Ry Nguyễn Ba câu chuyện, một nỗi lòng Cách đây khoảng 5 năm, thầy P. - giáo viên toán có chút ít tiếng tăm - quyết định nghỉ dạy học, thư giãn một vài năm trước khi chuyển qua làm việc ở một lĩnh vực mà thầy yêu thích. Trong thời gian nghỉ ngơi thư giãn, thầy P. đóng vai người đàn ông đảm đang ở nhà, đi chợ, nấu cơm, thu dọn nhà cửa và làm điều thầy ấp ủ lâu nay: dạy con trai lớp 7 học theo cách tư duy của thầy. Có một lần, cô giáo dạy lớp con trai thầy P. cho bài tập nâng cao để cả lớp làm ở nhà. Trong đó có một bài toán chứng minh chia hết có vẻ đúng với khá nhiều giá trị của biến được cho trong bài, nhưng thầy P. đã chỉ cho con trai thấy một trường hợp sai của đề bài ứng với một giá trị khá lớn của biến số. Khi con trai lên lớp, tất cả lớp - kể cả cô giáo - đều chứng minh bài toán đó đúng theo cách chứng minh ở sách nâng cao. Riêng con trai của thầy lại khẳng định đề bài đã cho là sai và lên bảng chứng minh theo cách bố đã hướng dẫn. Cô giáo ngỡ ngàng trước phát hiện đó và hỏi vì sao con phát hiện trường hợp sai này. Cậu con trai nói: “Dạ, bố em giảng”. Cô giáo hỏi tiếp: “Bố em làm nghề gì?”, “Dạ, bố em làm nội trợ ạ”. Cô giáo không tin điều đó là sự thật, cứ nghi ngờ cậu bé ấy đi học thêm ở đâu đó nhưng giấu cô giáo vì lý do “tế nhị”. Rồi một lần thầy P. đi họp phụ huynh học sinh cuối học kỳ 1, ngồi cạnh là một phụ nữ có con đạt điểm toán cao thứ nhì lớp. Theo phép lịch sự xã giao, thầy P. ngỏ lời thán phục và khen con của người phụ nữ học quá giỏi, không quên hỏi thăm cách nào mà cô ấy có con học giỏi như thế? Bằng giọng tự hào, người phụ nữ ấy kể rằng chồng cô ấy là một kỹ sư giỏi nên đã dạy cho con học giỏi như thế. Phụ huynh ấy cũng không quên hỏi lại bạn tôi làm nghề gì và con cái học hành ra sao? Sau khi nghe câu trả lời là bạn ấy chỉ ở nhà làm nội trợ, con học cũng tạm tạm, người phụ nữ ấy bèn khuyên bạn tôi nên cho con đi học thêm ở thầy A, thầy B... vì “chương trình khó lắm, chồng tôi là kỹ sư mà nhiều khi cũng phải toát mồ hôi hột với mấy bài tập của con, làm nội trợ như anh e rằng khó có thể dạy con học được”?! Một anh bạn khác của tôi - M.H.N. - sau một thời gian lăn lộn thương trường đã tích lũy được độ 5-6 cái nhà ở các quận trung tâm thành phố. N. quyết định “quy ẩn giang hồ”, chấm dứt mọi việc kinh doanh và dành hết thời gian cho gia đình. Tôi hay chọc anh ấy là “người đàn ông mẫu mực” khi mỗi ngày anh ấy thực hiện quá tốt vai trò nội trợ của mình trong gia đình. Buổi sáng dậy sớm chuẩn bị đồ ăn sáng cho vợ con, chở hai con gái đi học, sau đó trên đường về ghé chợ mua thức ăn, về nhà chế biến bữa cơm trưa, nấu cơm rồi lại đi đón con về ăn trưa, chở con đi học buổi chiều, dọn dẹp nhà cửa tinh tươm sạch sẽ, chuẩn bị bữa ăn tối để khi vợ con bước vào nhà là đã có sẵn mâm cơm nóng canh ngọt cho bữa tối của gia đình. Không chỉ thế, anh ấy còn chăm sóc một vườn rau sạch khoảng 30m2 trên sân thượng với hệ thống tưới tự động do chính tay anh thiết kế mùa nào rau ấy, tự thiết kế và lắp ráp một số đồ dùng trong nhà theo ý thích nhưng cũng rất đẹp và tiện dụng... Lâu lâu cao hứng lại mời bạn bè thân về nhà chiêu đãi những món ăn sạch do chính tay anh chế biến. Gần như vợ con anh không phải đụng tay vào bất cứ việc gì trong nhà vì anh ấy đã làm quá tốt vai trò “ông nội trợ”. Thu nhập thụ động từ việc cho thuê nhà của anh mỗi tháng cũng xấp xỉ gần trăm triệu đồng và anh vẫn là người đảm bảo nguồn kinh tế của gia đình. Mọi chuyện cứ thế trôi qua êm đềm nếu không có sự cố con anh phải khai sơ yếu lý lịch đầu năm lớp 10 để nộp cho cô giáo. Đến phần nghề nghiệp của cha, con gái anh hỏi nghề nghiệp của bố là gì để con ghi vào, anh trả lời: “Bố làm nội trợ, con gái!”. Cô con gái giãy nảy phản ứng quyết liệt, dứt khoát không chịu ghi như thế vì: “Mọi người sẽ nhìn con ra sao khi biết bố chỉ là nội trợ?”. Cho dù anh ấy giải thích rằng công việc 10 năm nay anh ấy làm đích thực là công việc nội trợ chân chính nhưng con gái dứt khoát không ghi là nội trợ, mà buộc anh ấy phải tìm một nghề gì đó để ghi vào cho giống với mọi người khác! Một anh bạn khác nữa của tôi cũng “rửa tay gác kiếm” sau một khoảng thời gian tung hoành trên thương trường, thu nhập thụ động mỗi tháng của anh ấy vào khoảng 50 triệu đồng. Anh toàn tâm toàn ý đảm nhận vai trò nội trợ trong gia đình ở tuổi 43 với ý tưởng bù đắp cho gia đình những năm tháng bôn ba làm việc quên cả vợ lẫn con. Anh cảm thấy đó là niềm vui, niềm hạnh phúc của chính bản thân khi hằng ngày chăm lo đưa đón vợ đi làm, con đi học, dọn dẹp nhà cửa... Tuy nhiên chỉ sau một khoảng thời gian ngắn làm nội trợ như thế, vợ của anh lại mong muốn chồng phải đi làm trở lại, phải ra ngoài cuộc sống, làm ở một công ty nào đó hoặc kinh doanh một cái gì đó. Đơn giản chỉ vì “mỗi lần bạn bè em hỏi ông xã mày làm gì không lẽ lại trả lời anh làm nội trợ, nghe nó kỳ lắm!”. Có cái gì đó sai sai! Vậy đó! Khi người đàn ông quá say mê với việc bên ngoài, nhiều bà vợ đã phải than thở, kêu ca ước gì chồng mình quan tâm tới vợ con, gia đình, cùng chung tay chia sẻ những công việc gia đình. Đôi khi có những bà vợ còn đưa ra những thách đố với các ông chồng của mình: “Có giỏi thì ông ở nhà làm nội trợ như tui coi, chắc được ba bảy hai mốt ngày quá”. Nhưng thật sự trong sâu thẳm của nhiều người, kể cả ngay chính những người phụ nữ, hình như vẫn chưa được chuẩn bị đầy đủ để có một cách nhìn đúng về người đàn ông nội trợ đích thực. Có người còn nói: “Nghe nó yếu yếu sao ấy!”. Phải chăng thói quen suy nghĩ làm nội trợ là một việc làm phụ, dễ làm, chủ yếu dành cho phụ nữ hoặc những người không thể tìm được một công việc nào đó trong xã hội đã ăn quá sâu vào đầu óc của mọi người, từ đó coi việc làm nội trợ không phải là một nghề nghiệp chuyên biệt và đặc biệt là những người thành đạt thì không ai làm nội trợ cả?! Nhưng nếu nhìn công việc nội trợ một cách khoa học tổng quát, chúng ta có thể nhận ra nội trợ thực chất là một nghề nghiệp đòi hỏi trình độ chuyên môn rất cao. Để làm được một người nội trợ đúng nghĩa không hề dễ dàng chút nào. Nghề nội trợ đòi hỏi người làm nghề phải có kiến thức về quản lý kinh tế - chi tiêu hợp lý trong thời buổi kinh tế khó khăn này; có kiến thức về quản trị để sắp xếp 1.001 việc không tên mỗi ngày một cách hợp lý để giải quyết với khoảng thời gian ngắn nhất; đòi hỏi kiến thức về tâm lý để có thể xử lý những tình huống xảy ra giữa các thành viên trong gia đình; đòi hỏi kiến thức về giáo dục để dạy dỗ con cái... - một rừng đòi hỏi đối với một người nội trợ đúng nghĩa. Vậy thì việc có một người đàn ông “chuẩn men” làm nội trợ rất tốt liệu có nên là một sự khuyến khích không nhỉ? Đặc biệt, mô hình người đàn ông vừa làm nội trợ tốt vừa có thể đảm bảo được một nền kinh tế gia đình ổn định có cần được xã hội nhân rộng để thành tiêu chuẩn cho người đàn ông của thế kỷ 21? Có phải đã đến lúc chúng ta cần có một cách nhìn khác với nghề nội trợ nói chung và với những người đàn ông nội trợ chuyên nghiệp nói riêng? Biết đâu một lúc nào đó sẽ có một ngày lễ “Ông nội trợ” để tôn vinh những ông bố làm tốt công việc chăm sóc gia đình của mình. Tags: Chuyện vợ chồngNội trợVợ chồng trẻGia đình trẻGóc riêng tưChồng nội trợ
Phó bí thư thường trực Nguyễn Thanh Nghị: Sẽ chung sức để TP.HCM ngày càng phát triển TIẾN LONG 25/01/2025 Ngay sau khi được trao quyết định, tân Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thanh Nghị phát biểu nhận nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Thanh Nghị làm Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM VIỄN SỰ 25/01/2025 Ông Nguyễn Thanh Nghị - ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng - làm Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM.
Ông Vũ Hồng Văn làm Bí thư Đồng Nai HÀ MI 25/01/2025 Ông Vũ Hồng Văn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, được điều động, chỉ định giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai.
Ngoại trưởng Mỹ: Quan hệ Việt - Mỹ là hình mẫu tiêu biểu trong quan hệ quốc tế DUY LINH 25/01/2025 Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio khẳng định như vậy trong cuộc điện đàm đầu tiên với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tối 24-1.