Ông Hoàng Phúc Khánh - Ảnh: THÀNH CHUNG
Chạy đôn đáo, liên hệ nhiều nơi để tìm
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 4-5, ông Hoàng Phúc Khánh (65 tuổi, trú phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) - chồng bà Nguyễn Thị Bích Liên, người bị rơi xuống vực Yên Tử (Quảng Ninh) - khẳng định, không có chuyện gia đình không tìm, mà trong suốt 7 ngày vợ gặp sự cố, mất tích, ông đã chạy đôn đáo, liên hệ nhiều nơi.
Theo ông Khánh, do con gái lớn ở nước ngoài, hai cháu sinh đôi sau mới học trung học cơ sở nên mọi việc tìm kiếm đều một mình ông thực hiện.
Ông Khánh kể sáng 27-4, hai vợ chồng vẫn liên lạc với nhau bằng điện thoại nên ông nghĩ bà chỉ đang đi chơi loanh quanh ở Hà Nội bằng xe máy. Đến sáng sớm 28-4, không thấy vợ liên lạc nhưng do nghĩ bà đang ở bệnh viện trông bà ngoại nên ông không gọi.
Trưa cùng ngày, ông gọi cho vợ nhưng không được. Linh tính chẳng lành, ông đã gọi cho tất cả anh em, họ hàng ở Hà Nội hỏi nhưng không có thông tin về vợ nên càng sợ.
"Sốt ruột quá tôi ra công an phường trình báo và được hướng dẫn làm các thủ tục tìm người", ông Khánh kể và nói đã nhờ bạn bè giúp làm đơn trình báo Phòng cảnh sát hình sự Công an Hà Nội, Công an quận Nam Từ Liêm.
Ngoài trình báo công an, gia đình đưa ra nhiều giả thuyết, các phương án để tìm người thân. Sợ vợ bị tai nạn, được đưa vào bệnh viện nào đó cấp cứu, ông nhờ bạn bè đến tận nơi hỏi, tìm kiếm song không có thông tin nên lại sợ bà đi đứng không cẩn thận ngã xuống hồ, sông nào đó chết đuối...
Ông Khánh với các lá đơn trình báo vợ mất tích - Ảnh: THÀNH CHUNG
"Lúc đó cuống quá, tôi còn đặt vấn đề hay vợ nợ nần nhiều quá nên bỏ trốn hoặc tự tử, nhưng nghĩ lại xác suất này ít xảy ra", ông Khánh kể và nói được bạn bè khuyên can đừng suy nghĩ tiêu cực, chờ phía công an điều tra, kết hợp với các mối quan hệ tiếp tục tìm kiếm.
Được mọi người động viên nhưng lòng vẫn không yên, nhiều đêm liền ông mất ngủ, hút một lúc 2, 3 bao thuốc. Vừa tìm vợ lại phải chăm sóc con nên ông rất mệt.
Đến sáng 3-5 có số lạ gọi đến, hỏi ông có phải chồng bà Liên không. Ngỡ có chuyện chẳng lành, nhưng may thay người gọi báo vừa tìm được bà ở dưới vực sâu Yên Tử, sức khỏe tinh thần ổn định...
"Con gái tôi ở Anh phải nhập viện cấp cứu từ ngày mẹ mất tích, nên gọi báo nó mừng phát khóc. Gia đình ai cũng vui mừng và thấy quá may mắn", ông Khánh nói thêm.
Chia sẻ về sự cố rơi xuống vực Yên Tử 7 ngày của vợ, ông Khánh nói sau khi về nhà vợ mới kể, còn ông cũng "chưa thể tưởng tượng việc té ngã diễn ra thế nào".
Ông nói bản thân thời trẻ từng làm trinh sát đi rừng, có kinh nghiệm sinh tồn tốt nhưng "cũng thấy kỳ lạ và ngạc nhiên, không ngờ vợ mình có thể sinh tồn sau 7 ngày bị rơi xuống vực và đây là trường hợp rất hiếm".
Ông chia sẻ thêm đây là lần thứ 2 bà Liên thoát chết một cách thần kỳ sau vụ tai nạn vào năm 1988.
Vợ chồng ông Khánh, bà Liên tại nhà - Ảnh: THÀNH CHUNG
Dữ liệu camera khớp với thời gian, quần áo, lời kể
Bà Nguyễn Thị Bích Liên cho hay sở dĩ có được kỹ năng sinh tồn là do may mắn không bị chấn thương, gãy tay, chân sau khi rơi xuống vực. Ngoài ra, bà thường xuyên xem phim, các chương trình khám phá trên truyền hình và ý thức được việc phải sống sót, trở về nhà.
Riêng ăn lá, củ dương xỉ do bà đọc tài liệu đông y nói cây này có thể dùng làm thuốc.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Tiến Dũng - trưởng Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử - khẳng định việc bà Liên gặp sự cố và được cứu sống sau 7 ngày là thật 100%.
Theo ông Dũng, qua xác minh từ hệ thống camera và bán vé tham quan, cáp treo, bà Liên mua vé trưa 27-4. Hệ thống camera cũng ghi lại cảnh bà Liên đi qua cổng rồi vào trong sân ga cáp treo, lên đỉnh chùa Đồng.
"Qua kiểm tra dữ liệu camera tất cả đều khớp với hình ảnh, thời gian, quần áo cũng như lời kể của bà Liên.
Thời điểm bà Liên rơi xuống vực không có ai chứng kiến, nhưng việc ở dưới vực 6 đêm 7 ngày, qua tìm hiểu, quan sát của cán bộ ban thấy cơ bản là chuẩn", ông Dũng nói và cho rằng việc bà Liên sống sót, được cứu không chỉ là may mắn của bản thân mà còn của ban quản lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận