Đại diện ủy quyền của nguyên đơn Chang Koon Yuen tại tòa chiều 22-4- Ảnh: T.L
Chiều 22-4, sau nhiều lần hoãn xử để thu thập tài liệu và chứng cứ, Tòa Gia đình và người chưa thành niên - TAND TP.HCM đã mở lại phiên xử phúc thẩm tranh chấp tài sản sau ly hôn giữa nguyên đơn là ông Chang Koon Yuen (65 tuổi, quốc tịch Singapore) và bị đơn là bà Châu Hồng Loan (ngụ tại quận 2).
Mặc dù khối tài sản tranh chấp trị giá hơn 400 tỉ đồng nhưng bà Châu Hồng Loan và người đại diện theo ủy quyền đều vắng mặt ở cả phiên tòa sơ thẩm lẫn phúc thẩm.
Tranh chấp trăm tỉ
Ông Chang Koon Yuen kết hôn với bà Loan năm 2003 và có 3 con chung. Đến năm 2016, do mâu thuẫn không thể hàn gắn nên vợ chồng họ được tòa phán quyết ly hôn. Sau khi ly hôn, do không thỏa thuận được việc chia tài sản với bà Loan nên ông Yuen khởi kiện ra tòa.
Tài sản tranh chấp là 8 bất động sản nằm rải rác từ Hải Phòng đến TP.HCM đều do bà Loan đứng tên chủ sở hữu.
Tại tòa phúc thẩm, ông Trần Đức Tuấn (đại diện ủy quyền của ông Yuen) đã đưa ra nhiều căn cứ để chứng minh đa số các bất động sản tranh chấp đều do ông Yuen tạo lập.
Ông Yuen là tiến sĩ tại Anh, thành viên Hiệp hội kỹ thuật của Mỹ và là chuyên gia nước ngoài có trình độ cao tại Việt Nam. Trong khi đó, bà Loan không có nghề nghiệp ổn định, không có bằng đại học.
Theo ông Tuấn, do pháp luật thời điểm đó không cho người nước ngoài đứng tên mua nhà đất tại Việt Nam nên ông Yuen đã để vợ đứng tên trên đa số tài sản của hai người.
Ông Tuấn nộp cho tòa các bảng sao kê tài khoản từ năm 1988 đến năm 2016, trong đó liệt kê nhiều lần mẹ, chị ông Yuen gửi tiền và ông rút tiền. Phía ông Tuấn cho rằng nhiều lần ông rút tiền phù hợp với thời gian mà bà Loan mua nhà đất tại Việt Nam.
Tại các bản khai trước đó, bà Loan cho rằng 8 bất động sản tranh chấp đều do bà mua bằng nguồn tiền riêng chứ không phải như ông Yuen trình bày
Đã ký thỏa thuận, chịu mất tài sản?
Mấu chốt của vụ án là 5 bản thỏa thuận và cam kết về tài sản được bà Loan và ông Yuen lập tại văn phòng công chứng. Các thỏa thuận này có nội dung các bất động sản do bà Loan nhận chuyển nhượng bằng tiền riêng, ông Yuen không có đóng góp gì, bà là chủ sử dụng duy nhất và có quyền định đoạt tài sản.
Hội đồng xét xử đã chất vấn ông Trần Đức Tuấn: Tại sao ông Yuen ký các văn bản thoả thuận này trong khi nội dung hoàn toàn bất lợi cho ông, bây giờ ông lại kiện ngược lại?
Theo ông Tuấn, đã có sự hiểu nhầm ở đây vì ông Yuen là người nước ngoài, không rõ tiếng Việt, ông ký các cam kết tài sản riêng với mục đích hàn gắn hôn nhân với vợ.
Ông Tuấn đã chỉ ra hàng loạt sai sót của bản án sơ thẩm và yêu cầu tòa phúc thẩm phải buộc bà Loan chứng minh bà mua bất động sản bằng nguồn tiền riêng nào.
"Hai người chỉ thỏa thuận phân chia tài sản là quyền sử dụng đất nhưng tòa sơ thẩm (TAND quận 2) lại tuyên cho bà Loan được cả quyền sở hữu nhà trên đất. Trong khi đó là nhà biệt thự có giá trị hàng chục tỉ đồng, gây thiệt thòi cho ông Yuen"- ông Tuấn trình bày trước tòa.
Tuy nhiên, những căn cứ ông Tuấn đưa ra không được HĐXX phúc thẩm chấp thuận.
Theo tòa, giữa nguyên đơn và bị đơn đã ký một số thỏa thuận phân chia tài sản. Các thỏa thuận này được lập hợp pháp, thể hiện rõ các tài sản tranh chấp là của riêng bà Loan. Ông Yuen cho rằng ông nhiều lần rút tiền tại ngân hàng nhưng không chứng minh được mục đích rút số tiền này để mua bất động sản.
Xem xét các căn cứ, tòa phúc thẩm nhận định: Bà Loan đã nộp cho tòa một số giấy nhận nợ trong thời kỳ hôn nhân do bà Loan đứng tên vay số nợ là hơn 4 tỉ đồng. Do đó, ông Yuen phải chịu hơn 2 tỉ đồng tiền nợ chung của hai người.
Trong số bất động sản tranh chấp thì chỉ có hai mảnh đất tại Hà Nội và Hải Phòng là chưa có thỏa thuận tài sản riêng, do đó nó thuộc sở hữu chung của ông Yuen và bà Loan trong thời kỳ hôn nhân. Bà Loan có trách nhiệm phải thanh toán cho ông Yuen hơn 6 tỉ đồng giá trị hai mảnh đất này.
Như vậy, mặc dù tranh chấp khối tài sản chung hơn 400 tỉ đồng nhưng theo phán quyết của tòa, ông Yuen chỉ được nhận khoảng 4 tỉ đồng sau khi trừ đi khoản nợ chung.
Ông Trần Đức Tuấn cho biết sẽ đề nghị kháng nghị vụ án này, vì số nợ chung ông Yuen không biết nhưng vẫn phải trả và vì bản án quá bất lợi cho người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam như ông Yuen.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận