TP.HCM nằm ở vùng hạ lưu sông Đồng Nai - Sài Gòn, là một thành phố phải chịu ngập theo mưa, triều cường, thêm nguyên do biến đổi khí hậu. Ngập sẽ càng nặng hơn về lâu về dài do đất bị lún sụt lâu nay.
Diện tích tự nhiên TP có 61% là vùng đất thấp, thoát nước tự nhiên theo hướng bắc - tây bắc - đông bắc xuống nam - đông nam - tây nam. Dòng chảy này đang bị kiến trúc xây dựng càng ngày càng dày đặc làm khó dễ.
200 kênh rạch thoát nước đã bị san lấp. Sự xả rác bừa bãi và ý thức bảo vệ môi trường chưa cao là một nguyên nhân không nhỏ góp phần làm ngập nước. Không thể xem nhẹ nguyên nhân này trong giải pháp chống ngập.
Hình ảnh người dân hô hoán nhau móc cống "cứu hẻm" tại đường Chu Văn An, quận Bình Thạnh trong cơn mưa chiều 21-5 là một điển hình.
Bên cạnh những nhóm giải pháp chống ngập đồng bộ có căn cơ, rất cần thiết có nhiều giải pháp chống ngập tức thời có thể làm được. Đó là sự chung tay của cư dân, không xả rác lấp cống là một việc cần kiên quyết làm, mọi nguyên nhân làm nghẹt cống thoát đều phải quyết ngăn chặn. Kế đó là các giải pháp tạm trữ nước để chống ngập.
Việc này phải học nghiêm túc từ cổ truyền, từ nước bạn để áp dụng, có thể từ những cái hộp thẩm thấu được đặt dưới nền đất trong mỗi nhà. Cần có nhiều bể tạm trữ có thể tích nhỏ để "chia nước", giải tỏa bớt áp lực thoát nước từ vùng cao xuống thấp.
Nên phạt xả rác nghiêm như phạt nồng độ cồn
Tuyến bài "Rác ngập ngụa khắp nơi ở TP.HCM: Ai xả rác đấy?" (ngày 23-5-2024) thu hút nhiều phản hồi trên Tuổi Trẻ Online.
Theo bạn đọc Tiên: "Nên công khai các vụ xử phạt hành vi vứt rác bừa bãi xuống kênh. Tăng cường lắp camera để xử phạt việc này. Chỉ có biện pháp chế tài mạnh mới mong đường sá, phố phường, kênh rạch được sạch đẹp và cống rãnh không phải nghẹt như hiện nay".
Theo bạn đọc Blackspace: "Những bãi rác, ni lông tung tóe khắp nơi, ai xả? Xử lý mạnh tay như cách chúng ta đang làm với nồng độ cồn, thả chó rông. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể trả lại vẻ đẹp cho các thành phố trên khắp đất nước mình".
Nhiều bạn đọc đặt vấn đề nên thông tin rộng rãi mức phí thu gom rác lớn, rác xà bần để giảm việc người dân đem đi bỏ nơi công cộng.
Tránh tình trạng "Chứ nhiều lúc không biết ném nệm ở đâu, phải nhờ mấy người mua ve chai chở đi, trả tiền cho họ một ít nhưng họ đi ném ở đâu tôi không biết nữa", một bạn đọc nêu ý kiến.
Bạn đọc Phạm Sanh phân tích: "Hành vi xả rác bừa bãi thường bắt nguồn từ thái độ dẫn đến thói quen và hành vi. Kinh nghiệm các nước, trước mắt nên giám sát, xử phạt nặng; lâu dài giáo dục ý thức, văn hóa. Nhưng hiệu quả nhất vẫn là sự làm gương và sức mạnh của cộng đồng tại chỗ, đặc biệt là thùng rác và thu gom rác luôn sẵn có để người dân không lấy cớ đổ thừa".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận