18/10/2014 09:00 GMT+7

​Chống ngập: phải thay đổi cách làm

D.NGỌC HÀ ghi
D.NGỌC HÀ ghi

TT - Hai chuyên gia có ý kiến về câu chuyện người có trách nhiệm của Trung tâm Chống ngập TP.HCM cho biết quy hoạch thoát nước của TP đã lỗi thời và không biết đến khi nào hết ngập.

Ngập nặng ở đường Tân Hóa, Q.11, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa
Ngập nặng ở đường Tân Hóa, Q.11, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa

* Bà Phạm Thị Thanh Hải (nguyên phó viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng TP.HCM):

Cần quản lý hiệu quả hơn

Về quy hoạch thoát nước TP theo quyết định 752 của Thủ tướng Chính phủ (phê duyệt năm 2001, gọi tắt là quy hoạch 752), tôi là một trong những người tham gia nghiên cứu quy hoạch ngay từ giai đoạn đầu. Việc TP đã triển khai quy hoạch 752 nhưng đến nay nhiều nơi vẫn còn ngập có hai lý do:

Một là nhiều dự án trong số đó thực hiện chậm, chưa hoàn thành nên chưa phát huy hết hiệu quả. Nhiều nơi quy hoạch 752 gần như “chết đứng”, không thể thực hiện được.

Hai là hệ thống thoát và xử lý nước thải của quy hoạch 752 còn bị thay đổi khá nhiều. Việc thay đổi này khiến cả quy hoạch đó đã bị biến đổi không còn như những tính toán cũ.

Đó là chưa kể những quy hoạch thoát nước hoặc liên quan đến thoát nước đô thị sau này chồng chéo, nhiều vấn đề tác động trực tiếp đến quy hoạch thoát nước này.

Đối với các dự án thoát nước ở các khu dân cư khác (không phải thuộc quy hoạch 752) đã triển khai cũng có một số “vấn đề”.

Năm 2009-2010, liên quan đến một công tác được TP giao, chúng tôi được phép (không chính thức) xem xét việc xây dựng cống thoát nước của một số dự án khu dân cư ở một quận mới đang triển khai sắp hoàn tất, thì có hơn 50% cống được xây dựng nhỏ hơn, không đúng thiết kế ban đầu.

Như vậy, khá dễ hiểu là một số khu vực có địa hình khá cao vẫn ngập (ngập cục bộ vì không thoát kịp nước vào những khi mưa lớn hoặc triều cao ở phía hạ nguồn). Do vậy cần tăng cường việc kiểm tra giám sát các dự án phát triển tại TP.

Tôi nghĩ tình trạng ngập ngày càng trầm trọng tại TP.HCM có thể được giảm thiểu nếu việc quản lý phát triển TP hiệu quả hơn thời gian vừa qua.

Ví dụ, việc lấp kênh rạch và xây dựng hệ thống thoát nước ở các dự án cải tạo hoặc xây dựng mới khu dân cư đều phải đảm bảo quy định phải khôi phục lại diện tích kênh rạch bị lấp bằng 1,2 lần diện tích hồ điều tiết trên cảnh quan xây dựng mới.

Còn đối với hệ thống cống thoát nước tại các đường giao thông liên khu vực thì dù diện tích phục vụ thoát nước của dự án nào đó là nhỏ nhưng có vị trí ở cuối hướng thoát nước của khu vực thì phải thiết kế và xây dựng cống có quy mô thoát cho cả khu vực phía trên chứ không phải chỉ cho dự án của họ.

* Nhà quy hoạch Nguyễn Đỗ Dũng:

Lấy quy hoạch thoát nước làm trọng tâm

Người đứng đầu cơ quan chống ngập của TP.HCM đã rất chính xác khi nói “không thể trả lời khi nào hết ngập”. Với cách tiếp cận đơn ngành và một chiều trong quy hoạch đô thị như những năm vừa qua, ngập lụt là hệ quả tất yếu.

Cách làm quy hoạch đô thị sai lầm mà chúng ta đang thực hiện là: các bản quy hoạch được vạch ra trước, để hợp thức hóa hiện trạng xây dựng đô thị không kiểm soát và không loại trừ tác động của các nhóm lợi ích.

Các quyết định quy hoạch đó thường là: mở rộng đô thị ra những vùng thấp, nơi đất đai có giá trị thấp, hay cho phép chuyển đổi những diện tích công viên, mặt nước hiếm hoi còn lại thành những dự án bất động sản, hoặc cấp phép xây dựng mà không tính đến năng lực của hệ thống hạ tầng.

Sau đó, nhiệm vụ bất khả thi được giao cho các kỹ sư thoát nước là phải giải quyết ngập lụt dựa theo các quy hoạch đã được duyệt. Một quy trình như vậy thường làm giảm khả năng giữ và thoát nước của hệ sinh thái và thủy hệ, gia tăng mực nước và rủi ro ngập lụt cho TP.

Hệ quả là trong vòng 20 năm phát triển, khoảng 4.400ha khu vực thấp dưới 1,3m bị đô thị hóa trong vùng hạ lưu sông Sài Gòn từ Dầu Tiếng đến Phú An (chưa kể khu vực Nam Sài Gòn) khiến cho tổng diện tích xây dựng đô thị trong vùng thấp lên tới 5.600ha (gần 20% tổng diện tích đô thị).

Xây dựng đô thị ở khu vực trũng làm giảm không gian chứa nước, đồng thời việc tạo ra một loạt đê bao để bảo vệ những khu vực này dẫn đến hệ quả là mực nước sông dâng cao hơn.

Một nghiên cứu cho thấy bản thân hệ thống đê bao đã làm nước sông Sài Gòn dâng cao thêm 30 cm.

Do đó, trong khi nỗ lực nâng cấp hệ thống thoát nước đã làm giảm đáng kể số điểm ngập (do mưa) trong khu vực trung tâm thì những điểm ngập mới lại xuất hiện tại khu vực rìa đô thị và các vùng trũng thấp dọc theo sông.

Sự tách rời giữa quy hoạch xây dựng và quy hoạch thoát nước còn giới hạn lựa chọn giải pháp thoát nước và ứng phó với ngập lụt.

Bởi quy hoạch sử dụng đất đã được quyết định trước khi quy hoạch hệ thống thoát nước, các kỹ sư thoát nước sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài giải pháp công trình.

Các công trình thoát nước này, dù là hệ thống cống thoát, đê bao hay trạm bơm, đều có giới hạn thiết kế dựa theo các số liệu lịch sử.

Trong bối cảnh phát triển đô thị không kiểm soát và diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, các công trình này dễ dàng trở nên lạc hậu và có thể gây hậu quả khi giới hạn thiết kế bị vượt qua.

Công trình càng lớn thì tính linh hoạt càng thấp và hậu quả càng nghiêm trọng.

Với một đô thị có rủi ro ngập lụt cao và ngân sách hạn hẹp như TP.HCM, giải pháp ứng phó là sự thay đổi tư duy quy hoạch để đi theo ba hướng tiếp cận hiện đại: lấy quy hoạch thoát nước làm trọng tâm và tiền đề cho quy hoạch đô thị, đa dạng hóa các giải pháp quản lý nước mưa, trong đó có các giải pháp “mềm” và phi tập trung hóa các công trình điều hòa nước mưa tới khu dân cư.

Cách tiếp cận thứ nhất đồng nghĩa với việc đánh giá lại quy hoạch chung của TP, ưu tiên phát triển khu vực cao và hạn chế tối đa sự can thiệp vào dòng chảy.

Cách tiếp cận thứ hai đồng nghĩa với việc giữ những diện tích xanh còn lại dọc theo vùng trũng hai bên sông Sài Gòn như Thanh Đa, Gò Dưa hay Thủ Thiêm làm công viên/hồ điều hòa, đồng thời thực hiện mục tiêu 10m2 cây xanh cho mỗi người dân vốn ngày càng trở nên xa vời.

Cách tiếp cận cuối cùng đòi hỏi một sự thay đổi căn bản trong các quy định về quản lý đô thị: mỗi cá thể công trình có vai trò và trách nhiệm lớn hơn trong ứng phó với ngập lụt, một thách thức chung của toàn xã hội.

D.NGỌC HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên