10/11/2014 13:10 GMT+7

​Chống ngập, nhà lầu thành nhà sàn

DƯƠNG VĂN KIỆT (TP.HCM)
DƯƠNG VĂN KIỆT (TP.HCM)

TT - Nhà tôi xây “trừ hao” năm 2000 giờ đã lỗi thời và tương lai không xa, ngôi nhà của tôi sẽ bị biến thành “nhà sàn” với tầng 1 thành tầng hầm... để xe.

Nhiều nhà dân tại khu cư xá Phú Lâm A (P.12, Q.6, TP.HCM) phải nâng nền lên cao để tránh nước tràn vào nhà, rất tốn kém - Ảnh: Hữu Khoa
Nhiều nhà dân tại khu cư xá Phú Lâm A (P.12, Q.6, TP.HCM) phải nâng nền lên cao để tránh nước tràn vào nhà, rất tốn kém - Ảnh: Hữu Khoa

Từ câu chuyện chống ngập tại khu cư xá Phú Lâm A (đường Kinh Dương Vương, P.12, Q.6, TP.HCM), một người dân ở đây đã cho rằng thực tế này có thể trả lời câu hỏi: Vì sao TP.HCM chống ngập không hiệu quả?

Vào thập niên 1960, khu cư xá Phú Lâm là vùng thấp, xung quanh là ao nhưng chúng tôi không biết ngập nước là gì. Sau năm 1975, khu vực đài rađa ở đây bị san lấp xây nhà, tiếp theo khu nhà sàn cũng bị san lấp xây nhà, rồi khu đất trũng trồng rau muống dọc đường Hậu Giang cũng bị san lấp lấy đất làm khu dân cư.

Trong lúc đó, kênh Lò Gốm bị lấn chiếm thu hẹp dòng chảy, cầu Bà Lài bị phá bỏ làm cống hộp thu hẹp khẩu độ thoát nước chỉ còn ¼ so với trước, sông có cầu Mỹ Thuận bắc ngang giữa quận 6 và quận 8 góp phần tiêu thoát nước khu cư xá nói riêng và quận 6 nói chung cũng bị lấn chiếm còn 1/5 so với hồi năm 1960. Với những “biến cố” như kể trên, nước mưa còn chỗ đâu mà thoát?

Khoảng giữa thập niên 1980, khu cư xá Phú Lâm A bắt đầu ngập nhẹ, rồi từ đó mỗi năm mỗi lên cao, để rồi từ năm 1990 trở đi thì ngập triền miên. Mùa nắng triều cường lên nước cống dâng hôi thúi vô cùng, mùa mưa thì khỏi phải nói cứ bì bõm...

Dân chịu không thấu kêu các nơi, báo chí cũng lên tiếng phụ. Năm 2003, thành phố phê duyệt dự án nâng cấp khu cư xá Phú Lâm A với kinh phí 40 tỉ đồng.

Cư xá trở nên khang trang với các con đường được nâng cao lên khoảng 80cm và người người, nhà nhà ăn mừng vì đã đánh bại được Thủy Tinh.

Tuy nhiên khi thực hiện nâng cao khu cư xá Phú Lâm A, dự án cũng cho đặt cống hộp thu hẹp dòng chảy của dòng kênh thoát nước chính chảy ra bến Phú Định qua cầu Bà Lài. Sau khi nâng cao cư xá thì từ đó lại phát sinh ngập ở những con đường lớn xung quanh.

Vì đường ngập, giao thông ách tắc nên ngành giao thông phải nâng cao đường Kinh Dương Vương, Nguyễn Văn Luông... Trong khi đó, kênh Lò Gốm bị thu hẹp dòng chảy do bị xâm lấn cũng làm giảm thoát nước đường Hùng Vương, Ba Tháng Hai, Minh Phụng...

Thế là các đường trên được nâng lên. Và đường mới nâng thì hết ngập nhưng những con đường khác vừa nâng lại bị ngập, và người ta lại tiếp tục nâng cao những con đường bị ngập...

Cứ thế, theo tôi nhớ thì đường Kinh Dương Vương “bị” ba lần nâng, các đường khác như Nguyễn Văn Luông cũng vậy.

Đường nâng thì nhà ngập, hẻm ngập và người dân phải bỏ tiền ra nâng nền nhà. Nhà tôi ở khu cư xá Phú Lâm năm 2000 cất ba tầng, cao nghều nghệu. Lúc đó tôi sợ bị ngập nên cất trừ hao cao 1m so với cốt nền (bị UBND phường phạt do làm dốc lên nhà chiếm lề đường).

Khi đường trong khu cư xá nâng cao, nhà tôi chỉ còn cao hơn mặt đường vài chục centimet. Đến khi các con đường lớn cứ liên tục được nâng lên, và bây giờ đường Kinh Dương Vương, Hậu Giang đang nâng tiếp lần thứ... (không nhớ nổi thứ mấy nữa vì quá nhiều lần) thì khu cư xá lại bị ngập.

Trong những cơn mưa lớn vừa qua, đường trong khu cư xá đã bị ngập 30-40cm, nước vào sân nhà tôi. Những hôm mưa cộng với triều cường, nước đã tràn vào nhà tôi. Những nhà không làm nền cao như tôi đã chịu cảnh nước ngập nhà liên tục.

Do vậy, nhiều nhà cứ phải nâng nền. Có nhà đang xây đã tính toán nâng cao nền nhà hơn mặt đường gần cả mét để trừ hao. Còn nhà tôi, việc xây “trừ hao” năm 2000 giờ đã lỗi thời và tương lai không xa, ngôi nhà của tôi sẽ bị biến thành “nhà sàn” với tầng 1 thành tầng hầm... để xe.

Đã có người phê phán việc nâng đường chống ngập là sai lầm, làm tốn tiền mà không đạt mục đích. Nhưng đã có ai tính toán xem người dân thành phố phải bỏ ra bao nhiêu tiền của, công sức cho việc nâng nhà này? Tôi nghĩ nếu có thì con số chắc không nhỏ đâu!

Phải cố định cốt đường

Ở Úc, tôi không thấy họ nâng đường mà chỉ thấy họ sửa đường. Bởi nâng đường mà làm ngập nhà dân thì chính phủ phải bồi thường, đó là lẽ đương nhiên.

Cốt đường là cố định chuẩn để qua đó người dân tính toán cất nhà, một khi sửa đường thì họ căng dây từ lề này qua lề kia và đo mặt đường cũ cách sợi dây bao nhiêu centimet, sau đó cào lớp mặt đúng độ sâu quy định, khi tráng nhựa hoàn chỉnh họ đo lại xem đúng mặt bằng ban đầu không mới nghiệm thu.

DƯƠNG VĂN KIỆT (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên