24/10/2013 07:35 GMT+7

Chống ngập, cần tích hợp nhiều giải pháp

Q.KHẢI
Q.KHẢI

TT - Ông Nguyễn Ngọc Công, phó giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM (Trung tâm chống ngập), cho biết như vậy sau khi đọc một số ý kiến của các chuyên gia đề nghị: “Đào hồ, khơi rạch để giảm ngập” (Tuổi Trẻ ngày 23-10).

6wW9bnBn.jpgPhóng to
Một nhà dân trên đường Bến Phú Định, Q.8, TP.HCM bị ngập nặng trong đợt triều cường ngày 21-10 - Ảnh: M.Trường

"Mặc dù các dự án chống ngập hiện nay đang thực hiện nhưng vấn đề khó khăn nhất vẫn là nguồn vốn. Nhiều dự án muốn triển khai được phải phụ thuộc vào nguồn vốn vay của các tổ chức trong và ngoài nước"

Ông Nguyễn Ngọc Công

Ông Công cho rằng những đề nghị trên là một trong những ý kiến đề xuất của các nhà khoa học trước đây, chứ không phải mới. Các gợi ý này cũng đã được Trung tâm chống ngập tiếp thu và đã có những bước triển khai trong thời gian qua. Cụ thể, về việc khơi rạch, thời gian qua Trung tâm chống ngập đã triển khai nạo vét nhiều đoạn rạch như rạch Du (Q.2), rạch Văn Thánh (Q.Bình Thạnh).

Ngoài ra, các dự án lớn của TP như dự án cải thiện môi trường nước, vệ sinh môi trường giai đoạn 1 cũng đã nạo vét hàng loạt kênh rạch lớn như Tàu Hủ - Bến Nghé, Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Mới đây, UBND TP cũng đã chỉ đạo các quận huyện xử lý tình trạng nhà cửa lấn chiếm sông, kênh rạch nhằm tạo thông thoáng cho nước lưu thông.

Đối với gợi ý xây hồ chống ngập đã được bàn thảo rất nhiều và UBND TP đã giao cho Trung tâm chống ngập thực hiện lập quy hoạch cụ thể để trình UBND TP xem xét, phê duyệt. Trung tâm chống ngập đã ký hợp đồng với đơn vị tư vấn lập quy hoạch vào tháng 11-2012 và đang trong quá trình triển khai thực hiện.

Mục tiêu của việc lập quy hoạch này là nghiên cứu đề xuất giải pháp hồ điều tiết nhằm giảm ngập hiện tại và ngăn chặn những điểm ngập mới phát sinh do ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu trong tương lai. Cụ thể như: quy hoạch mạng lưới hồ điều tiết sẽ được xây dựng ở những địa điểm nào, dung tích là bao nhiêu trên cơ sở tận dụng tối đa các khoảng không gian hiện hữu còn chưa xây dựng, kể cả các khu dân cư, khu đô thị đã xây dựng. Đồng thời, quy hoạch cũng xác định các khu vực ưu tiên để đầu tư công trình hồ điều tiết trong giai đoạn đến năm 2015.

Song song đó triển khai việc xây dựng các quy định về quản lý vận hành hồ điều tiết. Việc lập quy hoạch hồ điều tiết cũng tích hợp hài hòa với các công trình chống ngập lớn như thủy lợi chống ngập úng cho TP.HCM (xây đê bao khép kín và các cống kiểm soát triều theo quyết định 1547 của Chính phủ). Việc triển khai xây dựng hồ điều tiết giống như cách trả lại không gian chứa nước tự nhiên mà trước đây đã bị san lấp để phát triển đô thị.

Ngoài ra, Trung tâm chống ngập còn thấy những đề xuất của Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP) về vấn đề quy hoạch tích hợp để kiểm soát ngập tại TP có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là cách nhìn nhận đầy đủ nguyên nhân gây ngập để có các giải pháp hữu hiệu, kể cả việc phải thay đổi tư duy, nhận thức trong công tác quản lý ngập lụt trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

Đó là ngoài việc xây dựng đê bao, xây hồ điều tiết thì còn phải tính tới chuyện phát triển những khu đô thị thích ứng với nước ngập. Bởi vì nếu cứ dựa vào các công trình chống ngập thì vô tình làm cho người dân có cảm giác an toàn là được bảo vệ. Trong khi đó, với thực trạng biến đổi khí hậu, đến một lúc nào đó công trình có thể bị sự cố thì thiệt hại sẽ vô cùng lớn. Trận lũ lịch sử ở Thái Lan mới đây là một bài học kinh nghiệm cho VN. Trung tâm chống ngập cũng có những nghiên cứu bước đầu với đề xuất này để có tham mưu cho UBND TP trong công tác chỉ đạo, điều hành chống ngập thời gian tới.

Riêng ý kiến việc giảm mật độ bêtông hóa, giúp thấm nước ngập, thời gian qua UBND TP đã có chủ trương cải tạo hàng loạt vỉa hè theo hướng giảm mật độ bêtông, tăng cường mảng xanh. Hàng loạt tuyến đường như Trương Định, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Đình Chiểu, Lê Duẩn... đều đã được cắt bớt bêtông trên vỉa hè để trồng cây xanh. Còn ý kiến đề nghị không nên xây thêm công trình ở công viên 23-9 để trả lại không gian cho nước thẩm thấu, trung tâm ủng hộ việc giảm bớt mật độ bêtông tại các công viên, nhưng việc xây hay không xây nhà hát ở công viên 23-9 còn phụ thuộc vấn đề quy hoạch...

Những việc cần làm ngay

Muốn hết ngập cho TP.HCM phải làm ba việc: Thứ nhất, nâng cao cốt nền toàn TP lên ít nhất 1m. Thứ hai, làm lại hệ thống thoát nước sau khi nâng cốt nền theo cách lớn hơn và nâng cao hơn hiện nay. Cửa thoát nước của hệ thống hiện nay nằm ở cao trình cũ, khi mưa lớn khoảng 80-100mm, kết hợp với triều cường thì hệ thống này bị vô hiệu hóa hoàn toàn. Nếu không mưa mà chỉ có triều dâng cao từ 1,5m trở lên thì khi ống cống càng lớn nước tràn sâu vào bên trong càng nhiều và nhanh, các van hai chiều không có tác dụng. Thứ ba, làm đê bao quanh TP dài hàng ngàn kilômet. TP nằm trên nền đất yếu nên chân đê phải lớn và phải ăn sâu xuống nền đất cứng chừng 5-10m (nếu làm nông thì hàng triệu mạch nước ngầm bên dưới sẽ phá rỗng chân đê như hiện nay đang diễn ra làm đê nhanh chóng bị sụt, vỡ).

Nhưng cả ba giải pháp nói trên đều vượt quá sức của TP và nếu làm được thì rất mau chóng lạc hậu. Do vậy, chúng ta cần xây dựng hệ thống chống ngập theo hướng thích nghi và gia tăng các giải pháp phi công trình. Những việc cần làm ngay và quyết liệt như: hình thành hệ thống hồ điều tiết cục bộ; ngừng bêtông hóa bề mặt, gia tăng các khoảng hở để nước ngấm và hoàn trả nước ngầm bù cho lượng nước bị khai thác vô tội vạ khiến một số nơi đang lún; kiên quyết không lấp kênh rạch và phải trả lại hết mức có thể các ao hồ, kênh rạch đã bị lấp trong cơn say đô thị hóa; không phát triển các công trình lớn về phía nam và đông nam mà di chuyển dần lên phía bắc và đông bắc. Các giải pháp công trình nếu áp dụng được thì chỉ nên hướng đến việc làm giảm ngập cục bộ từng khu vực chứ không thể nào giải quyết được tổng thể.

Ngoài ra, phải làm cho mỗi cộng đồng và người dân tự biết bảo vệ mình và biết cách thích nghi với những diễn biến phức tạp của ngập nước. Việc xây dựng nhà ở, nhà vệ sinh, đường, cầu cống và các công trình công cộng như nhà trẻ, trường học, chợ, siêu thị, bệnh viện, trạm xăng... luôn phải tính đến các tiêu chuẩn thích nghi và dự phòng. Ngành chức năng phải đưa tiêu chuẩn này vào trong bộ tiêu chí kiến trúc và xây dựng như một yêu cầu bắt buộc.

TS NGUYỄN MINH HÒA

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Q.KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên