03/08/2017 08:05 GMT+7

Chống ngập bằng hồ điều tiết, có hết ngập?

QUANG KHẢI - NGỌC ẨN
QUANG KHẢI - NGỌC ẨN

TTO - Hồ điều tiết được xem là một trong những giải pháp góp phần giảm ngập. Nhưng đến nay, quy hoạch hồ điều tiết vẫn còn đang được bàn thảo, nhiều hồ dự kiến triển khai thì chỗ bị phản đối, nơi chưa xong giải tỏa đền bù.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc triển khai hồ điều tiết nước là cần thiết song song với các giải pháp đầu tư hệ thống cống thoát nước và cống kiểm soát triều, tạo nên giải pháp tổng thể để chống ngập.

Hồ điều tiết đầu tiên

Hôm 1-8, Công ty Sekisui (Nhật Bản) và đối tác Việt Nam là Công ty VMC Group đã trên đường Võ Văn Ngân (Q.Thủ Đức, TP.HCM).

Công trình này có quy mô dài 10m, rộng 9m và sâu khoảng 2,5m, được lắp đặt bằng các môđun cross-wave là những kết cấu bằng nhựa. Một kỹ sư cho biết các môđun cross-wave là vật liệu chính tạo nên hồ điều tiết ngầm và đây là công nghệ mới được sử dụng ở công trình này. Dự kiến thời gian thi công công trình chỉ trong 7 ngày, sau đó tái lập mặt đường trả lại không gian bên trên và ôtô trọng tải dưới 25 tấn có thể đậu trên mặt hồ này.

Ông Trần Văn Chín - chủ tịch hội đồng quản trị VMC Group - cho biết hồ điều tiết được xây dựng ngầm trong lòng đất có dung tích chứa 109m3 nước mưa, khoảng 95% lượng nước này có thể để sử dụng tưới cây xanh và phòng cháy chữa cháy.

Theo Công ty Sekisui, cross-wave là vật liệu nhựa dạng môđun lắp ghép, có tính bền cơ học cao, có độ rỗng lớn, có thể thiết kế theo 2 cơ chế hoạt động tùy thuộc vào nhu cầu. Một là nước trong hồ tự thấm xuống đất, nếu cần thiết lắp đặt bơm tự động hỗ trợ để tạo ra độ rỗng cho hồ nhằm điều tiết các trận mưa tiếp theo.

Ngoài ra, thiết kế hồ cũng có thể theo dạng lưu trữ không tự thấm, phù hợp ở các công viên, trường học, bệnh viện, khu công nghiệp.

Đồ họa: VĨ CƯỜNG

Việc xây dựng hồ điều tiết ngầm có nhiều ưu việt so với hồ làm bằng bêtông như: thời gian thi công ngắn, hồ có tính chịu lực cao, không chiếm mặt bằng... và linh hoạt trong nhiều địa hình so với việc xây dựng hồ hở. Đặc biệt, tuổi thọ công trình có khả năng lên đến 100 năm.

Trong thời gian đang sử dụng nếu buộc phải di dời hồ thì vật liệu chính là môđun cross-wave có thể tái sử dụng, chỉ tốn chi phí tái lập. Do có kết cấu theo dạng môđun lắp ghép nên có thể thực hiện được với diện tích từ nhỏ, vừa cho đến lớn tùy thuộc vào lượng nước cần tiêu thoát để thiết kế cho phù hợp. Điều này có nghĩa là có thể xây dựng hồ điều tiết có sức chứa từ vài trăm đến vài ngàn mét khối nước.

Hiện nay, các môđun cross-wave đã được ứng dụng rộng rãi tại Nhật Bản cũng như Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Singapore...

Một chuyên gia Nhật Bản cho rằng tại TP.HCM với dân số hơn 10 triệu người, việc phải mở rộng TP là tất yếu nên phải lấp bớt một số kênh rạch, sông, hồ tự nhiên là không tránh khỏi, vì vậy hồ điều tiết ngầm giảm ngập là một trong những giải pháp phù hợp cho hầu hết các TP, đô thị mới và các khu công nghiệp tại Việt Nam.

Có mặt tại công trình xây dựng hồ điều tiết thông minh chống ngập trên đường Võ Văn Ngân (Q.Thủ Đức), ông Trần Vĩnh Tuyến - phó chủ tịch UBND TP - đánh giá cao việc đưa công nghệ mới vào các công trình giao thông ở TP. Trong đó TP rất cần sớm đưa công nghệ mới này vào chương trình chống ngập nước TP.

Sau khi thực hiện thí điểm hồ điều tiết tại Q.Thủ Đức đạt hiệu quả, TP sẽ xem xét triển khai chống ngập nước ở các khu vực khác.

Hồ điều tiết thông minh tại đường Võ Văn Ngân quá nhỏ, chỉ có thể chống ngập cho một khu dân cư, nếu mưa lớn sẽ không đảm bảo. Quan trọng nhất vẫn là liên kết các hồ chứa để tận dụng tối đa khả năng chứa của hệ thống kênh rạch trên địa bàn TP.

KS Lê Thành Công (giám đốc Công ty TNHH thiết kế tư vấn xây dựng D&C)

*** Error ***
Đơn vị thi công đưa ống HDPE (ống lọc rác) xuống lòng hồ - Ảnh: HỮU KHOA

Quy hoạch 104 hồ điều tiết

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 2-8, ông Đỗ Tấn Long - trưởng phòng quản lý hệ thống thoát nước Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP (Trung tâm chống ngập) - cho biết hiện nay quy hoạch về 104 hồ điều tiết phân tán đang được Sở Quy hoạch - kiến trúc thẩm định trước khi trình UBND TP phê duyệt.

Một cán bộ khác của phòng này cho biết theo quy hoạch, việc xây dựng hồ điều tiết theo ba dạng. Một là hồ hở kết hợp cảnh quan, hai là hồ ngầm theo công nghệ mới (giống như công nghệ Nhật), thứ ba là dạng bể chứa nước mưa. Do chiếm diện tích khi lắp đặt nên cán bộ này cho biết quy hoạch chưa xác định cụ thể, nhưng hướng sẽ thực hiện tại các nơi công cộng như công viên, sân vận động...

Đối với 3 hồ điều tiết dự kiến triển khai trong giai đoạn 2016-2020 đến nay chưa có dự án nào thành hình. Trong đó, dự án hồ điều tiết tại khu vực Bàu Cát bị UBND Q.Tân Bình phản đối vì cho rằng khu vực xung quanh đã được đầu tư hệ thống cống, tình hình ngập nước không còn như trước nên việc xây dựng hồ điều tiết ở đây sẽ lãng phí.

Trong khi đó, đại diện Trung tâm chống ngập cho rằng việc đầu tư hồ điều tiết như trên nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, khu vực Bàu Cát gần đây không ngập nặng do ít có những trận mưa lớn, nhưng nếu xảy ra mưa lớn (trên 100mm) khu vực này chắc chắn bị ngập và cần đến hồ điều tiết.

Trước những ý kiến tranh cãi trên, UBND TP đã đồng ý giãn tiến độ thực hiện hồ điều tiết này và chưa xác định được thời gian sẽ thực hiện.

Ông Bùi Thanh Tân - phó chủ tịch UBND Q.4 - cho biết đến nay dự án hồ Khánh Hội vẫn còn hơn 700 hộ chưa được giải tỏa xong. Cũng theo ông Tân, hiện UBND TP giao lại cho Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) nghiên cứu đầu tư dự án này. Vấn đề còn lấn cấn trong việc triển khai là số tiền bồi thường giải phóng mặt bằng lên 750 tỉ đồng.

“Chúng tôi đã đề xuất 2 phương án, chi phí bồi thường do ngân sách TP bỏ ra hoặc sẽ do HFIC đảm nhận luôn nhưng hiện vẫn chưa chốt được phương án cuối cùng” - ông Tân cho hay. Do việc bồi thường kiểu “da beo” nên hiện nay dự án vẫn chưa triển khai thi công được. Ông Tân cũng chưa thể xác định được thời gian hoàn thành dự án vì vẫn phụ thuộc vào tiến độ bồi thường giải tỏa.

Dự án hồ điều tiết có quy mô lớn nhất là hồ điều tiết Gò Dưa (Q.Thủ Đức) còn “thê thảm” hơn. Theo Trung tâm chống ngập, dự án này đang kêu gọi đầu tư. Thời gian vừa qua cũng có một số nhà đầu tư nghiên cứu triển khai dự án theo hình thức PPP (đối tác công tư), hợp đồng BT (xây dựng chuyển giao).

Tuy nhiên đại diện một nhà đầu tư nghiên cứu dự án này cho biết hiện nay việc triển khai theo hình thức BT bị vướng vì thiếu quỹ đất.

Theo TS Hồ Long Phi - giám đốc Trung tâm quản lý tài nguyên nước và biến đổi khí hậu (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM), việc xây dựng hồ điều tiết chỉ là giải pháp hỗ trợ chống ngập. TP cần giải pháp tổng thể bao gồm thêm cả việc đầu tư cống thoát nước, cống kiểm soát triều. Theo quy hoạch thoát nước (quy hoạch 752 được Thủ tướng phê duyệt năm 2001), đến năm 2020 TP phải xây dựng mới hơn 6.000km cống thoát nước (đến nay việc xây dựng cống đạt hơn 50%).

Thủ tướng cũng phê duyệt quy hoạch thủy lợi chống ngập úng TP với quy mô xây dựng 12 cống kiểm soát triều lớn và khoảng 170km đê bao. Hiện nay Tập đoàn Trung Nam đang thực hiện một phần quy hoạch này, gồm: xây dựng 6 cống kiểm soát triều và khoảng 8km đê bao. Dự kiến đến 30-4-2018, các dự án của Tập đoàn Trung Nam sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng.

Làm trước 3 hồ lớn

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Trung tâm chống ngập xác định sẽ triển khai trước 3 hồ điều tiết quy mô lớn với tổng vốn đầu tư cho các dự án này khoảng 1.300 tỉ đồng.

Một là hồ điều tiết Bàu Cát (Q.Tân Bình) có khả năng trữ 10.000m3 nước mưa, được cho giúp giảm ngập khi mưa vượt tần suất thiết kế cống hiện hữu cho một lưu vực khoảng 20ha xung quanh khu vực Bàu Cát.

Hồ điều tiết thứ hai là hồ Khánh Hội nằm trải rộng trên ba phường (P.2, P.3, P.5) của Q.4 có quy mô 4,8ha trong tổng thể dự án 17,6ha. Khi hoàn thành hồ này có thể chứa được từ 130.000 - 192.000m3 nước, hỗ trợ hệ thống cống thoát nước khu vực xung quanh.

Hồ điều tiết quy mô lớn nhất dự kiến sẽ triển khai là hồ điều tiết Gò Dưa với khoảng 24,3ha, được chia làm ba hồ có kết nối với nhau, trong đó hai hồ quy mô khoảng 16ha, dự kiến xây dựng tại khu quy hoạch công viên văn hóa thể dục thể thao Tam Phú (P.Tam Phú, Thủ Đức).

Hồ còn lại rộng 7,9ha nằm giữa rạch Gò Dưa, rạch Cầu Làng và rạch Lùng thuộc khu dân cư Hiệp Bình Chánh.

Lắp đặt các môđun cross-wave, vật liệu chính tạo nên hồ điều tiết ngầm trên đường Võ Văn Ngân, Q.Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: CHẾ THÂN

Hà Nội tận dụng các hồ tự nhiên

Theo phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong, 122 hồ điều hòa trên địa bàn đóng góp một phần đáng kể cho năng lực thoát nước của Hà Nội. Tại các hồ tự nhiên, nước mưa sẽ tự động chảy vào theo chênh lệch cao độ giữa hồ và nguồn chảy.

Riêng với các hồ đã cải tạo, hệ thống cửa phai, trạm bơm đã được đầu tư xây dựng. Trước mùa mưa, nước tại các hồ sẽ được bơm rút xuống để đón nước mưa. Khi mưa lớn, nước sẽ được khơi thông từ các nguồn lân cận tự động chảy vào các cửa phai. Khi mực nước đảm bảo đủ sẽ đóng các cửa phai.

Ngoài ra, tùy thuộc vào vận hành của hệ thống thoát nước thực tế thời điểm đó, có thể tiếp tục bơm nước khỏi hồ vào hệ thống tiêu thoát chung.

L.H. ghi

Các nước làm hồ điều tiết như thế nào?

Kuala Lumpur, thủ đô Malaysia, hiện sở hữu công trình điều tiết chống ngập thông minh tầm cỡ thế giới. Xây dựng trên nền tảng đa năng - đa nhiệm, đường hầm SMART (Stormwater Management and Road Tunnel) vừa là hầm chui điều tiết giao thông, vừa là hệ thống chứa - thoát nước khổng lồ khi cần.

Về cơ bản, đường hầm SMART được chia làm 3 ngăn: 2 ngăn trên dài 3km mở ra cho xe cộ lưu thông vào năm 2007, còn ngăn dưới cùng 9,7km dùng điều tiết nước, khánh thành vào năm 2003. Đường hầm có 3 mức độ sử dụng:

* Mức bình thường: chủ yếu dành phục vụ xe cộ lưu thông.

* Mức trung bình: sau một cơn mưa lớn, nước sẽ đổ dồn vào ngăn thứ 3; 2 ngăn ở trên giúp giải phóng các điểm kẹt xe.

* Mức báo động: sau mưa lớn kéo dài/dông bão đổ bộ vào đất liền, đơn vị quản lý sẽ ngăn xe cộ đi vào 2 ngăn trên và trưng dụng cả 3 ngăn để thoát nước.

Mặc dù chỉ mới đưa vào sử dụng chưa đến 2 thập niên, đường hầm SMART đã giải cứu Kuala Lumpur khỏi 44 trận ngập lụt trông thấy và điều tiết 30.000 phương tiện giao thông mỗi ngày.

Nhật Bản cũng có một công trình chống ngập được xem là quy mô nhất thế giới.

Hệ thống hầm điều tiết phức hợp cực đại MAOU tọa lạc ở vùng ngoại ô Tokyo xây dựng từ 1993 - 2006 với kinh phí 3 tỉ USD, được phóng viên CNN miêu tả như một “đại đô thị ngầm”. Hệ thống bao gồm 5 hồ chứa ximăng 65x32m, thông nhau qua 6,4km đường hầm. Ở trung tâm còn có hồ chứa khổng lồ 177x78m, cao 25,4m, kết nối với 59 trụ lớn kiêm máy bơm 13.000 mã lực, có khả năng đẩy 200 tấn nước vào sông Edo mỗi giây.

DUY KHÔI

QUANG KHẢI - NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên