16/02/2014 06:35 GMT+7

Chóng mặt với giá sữa tăng

DŨNG TUẤN
DŨNG TUẤN

TT - Sau đợt tăng giá vào cuối năm 2013 của một số sản phẩm, giá sữa lại tiếp tục được nhiều doanh nghiệp đồng loạt điều chỉnh tăng mạnh.

Người tiêu dùng đang “méo mặt” móc hầu bao trả thêm tiền sữa khi giá sản phẩm sữa của nhiều doanh nghiệp tăng từ 5-10%.

RYcRs12j.jpgPhóng to
Sau tết, một số mặt hàng sữa đồng loạt tăng giá từ 5-7%. Trong ảnh: khách hàng chọn lựa các nhãn hàng sữa Vinamilk Dielac trong siêu thị - Ảnh: Thanh Đạm

Các doanh nghiệp giải thích không thể không tăng giá bán sản phẩm do giá nguyên liệu tăng mạnh. Trong khi đó, cơ quan quản lý cho biết sẽ theo dõi sát diễn biến giá sữa, kiểm tra giá nguyên liệu đầu vào.

Tăng đồng loạt

“Lại tăng nữa à?” - anh Nguyễn Quốc Toản (đường Lê Trọng Tấn, Q.Tân Phú, TP.HCM) ngỡ ngàng thốt lên khi đến siêu thị mua các sản phẩm sữa cho đứa con 2 tuổi. “Vì quen sữa nên hầu như tháng nào tui cũng mua Dielac cho cháu. Nửa tháng trước chỉ hơn 200.000 đồng, bữa nay thấy ghi hơn 230.000 là tui hiểu rồi” - anh Toản nói. Cũng như anh Toản, nhiều bà mẹ đến các cửa hàng, siêu thị mua sữa cho con đều giật mình khi thấy giá sữa tiếp tục vào đợt tăng giá mới.

Tại đường chuyên kinh doanh sữa Nguyễn Thông (Q.3), nhiều bà mẹ cho biết giá sữa cứ ổn định được dăm ba bữa lại vọt nhảy lên. Dù giá tăng nhưng không thể không mua sữa cho con được. “Tăng thì vẫn phải bấm bụng mà mua chứ biết sao giờ” - chị Ngọc Hảo (Q.5) cho biết.

Theo nhiều đại lý, giá sữa Vinamilk đã rục rịch tăng từ ngay sau tết, rất nhiều sản phẩm sữa nước, sữa bột, sữa chua đều đồng loạt tăng thêm 5-7% so với trước đây. Các sản phẩm bán chạy nhất như Dielac Alpha bước 1 loại 400gr tăng từ 210.000 đồng lên mức 235.000-238.000 đồng/hộp, Dielac Alpha 123 tăng thêm 20.000 đồng, vượt mức 200.000 đồng/hộp 400gr. Ngoài ra sữa chua, sữa nước hộp các loại cũng tăng thêm 200-1.000 đồng/sản phẩm tùy loại...

Với mức tăng này, nhiều chủ cửa hàng cho biết rất khó bán được hàng. “Nhiều người cứ nghĩ bán sữa là lời “khủng”, lời tiền triệu nhưng chúng tôi chỉ được lời chưa tới 10.000 đồng mỗi hộp. Giá tăng lại càng khó bán dữ lắm” - chủ một cửa hàng trên đường Nguyễn Thông (Q.3) cho hay.

Trước khi Vinamilk có quyết định tăng giá, giá sữa của một số hãng cũng đã âm thầm tăng. Vào tháng 1, giá một số sản phẩm của Abbott đã tăng 5%, Mead Johnson cũng tăng giá một loạt sản phẩm 5-7%. Một số ít sản phẩm của Nutifood cũng tăng thêm 7-10%. Mới đây, đại diện Công ty Friesland Campina Vietnam cho biết đang tính toán phương án tăng giá sữa cho hợp lý khi giá nguyên liệu đột ngột nhảy lên cao.

Tăng giá sữa là “bất khả kháng”?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ ngày 10-2, Vinamilk đã được Sở Tài chính TP.HCM cho phép tăng giá các sản phẩm sữa trong danh mục phải kê khai đăng ký giá. Đại diện Vinamilk cho hay giá sữa nguyên liệu thế giới đã tăng mạnh thời gian gần đây nên việc tăng giá sữa là “bất khả kháng”.

Cụ thể, về nguyên liệu chính bột gầy đã tăng từ 3.700 USD lên hơn 4.000 USD/tấn. Nếu lấy căn cứ vào tháng 2-2014, giá nguyên liệu sữa bột gầy đã lên hơn 5.000 USD/tấn. Giá bột sữa, dầu bơ đã tăng 30-57% so với cùng kỳ năm 2013. Ngoài ra, cuối năm 2013 công ty cũng đã tăng giá thu mua cho nông dân khoảng 22%.

Đại diện Công ty Nutifood cũng khẳng định việc tăng giá sữa là chuyện “chẳng đặng đừng” vào thời điểm sức mua như hiện nay. Giá sữa nguyên liệu vọt lên cao như vậy buộc doanh nghiệp phải có phương án điều chỉnh. “Về nguyên tắc, nếu giá nguyên liệu tăng 10% chúng tôi được phép điều chỉnh giá bán. Nhưng đằng này, giá nguyên liệu đã tăng hơn 30-40% thì không còn cách nào khác là tăng giá” - vị đại diện này cho biết.

Ngoài ra, các đơn vị này cho hay không hiểu vì lý do gì, hiện nay không thể ký hợp đồng cung ứng dài hạn nguyên liệu bột sữa từ các nhà cung cấp. Vinamilk cho biết trước đây có thể ký hợp đồng nhập nguyên liệu cả năm với mức giá ổn định thì nay chỉ còn 3-6 tháng. Nutifood cho biết thời hạn hợp đồng nguyên liệu chỉ còn 1 tháng.

Ông Nguyễn Quốc Chiến, trưởng ban vật giá Sở Tài chính TP.HCM, cho biết trước tết Vinamilk đã nộp đơn xin phép tăng giá 22 mặt hàng sữa (dành cho trẻ dưới 6 tuổi) nằm trong danh mục phải kê khai và đăng ký giá. “Sau khi chúng tôi kiểm tra, kiểm soát các loại giấy tờ nhập khẩu, thể hiện việc tăng giá, xem xét cơ cấu giá sữa, thấy giá nguyên liệu thời gian gần đây tăng cao bất thường nên chấp thuận cho tăng” - ông Chiến nói.

Tuy nhiên, theo ông Chiến, với mức đề nghị là 10-14%, sau khi xem xét kỹ các yếu tố, cơ cấu giá thành, Sở Tài chính cân nhắc và cho phép tăng bình quân 7% các mặt hàng. Cũng theo ông Chiến, Bộ Tài chính vừa chỉ đạo sẽ tiếp tục theo dõi giá sữa nguyên liệu thế giới để có phương án điều chỉnh hợp lý. “Nếu giá nguyên liệu tiếp tục tăng, việc tăng giá sữa là khó tránh khỏi. Còn nếu giảm, chúng tôi sẽ yêu cầu doanh nghiệp giảm giá để giá thành được cân đối” - ông Chiến nói.

Hà Nội: xôn xao với tin giá sữa tăng

Theo ghi nhận trên thị trường Hà Nội ngày 15-2, hầu hết các đại lý, cửa hàng sữa đều cho biết đã nhận được thông báo tăng giá của các nhà phân phối. Có cửa hàng trên đường Lê Lợi (Q.Hà Đông) cho biết từ tuần sau, một loạt sản phẩm dòng Friso của Công ty sữa Friesland Campina Vietnam sẽ tăng giá. Còn các sản phẩm của một số công ty khác cũng được nhiều cửa hàng sữa thông báo sắp tăng giá. Chủ một cửa hàng sữa trên đường Quang Trung (Hà Đông) khẳng định từ ngày 1-3, các hãng sữa sẽ tiếp tục tăng giá từ 5-12% so với mức hiện hành.

Không chỉ sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi mà tất cả sản phẩm từ sữa nước đến sữa bột dành cho mọi đối tượng như người ốm, phụ nữ mang thai đến trẻ em đang nhấp nhổm tăng. Một chủ cửa hàng sữa trên phố Đội Cấn còn cho khách xem thông báo tăng giá sữa với mức tăng 20.000-40.000 đồng/hộp tùy theo trọng lượng và sản phẩm.

Chị Ngọc (ở phố Cầu Giấy) cho biết rất lo lắng khi nghe tin giá sữa lại sắp tăng. “Nếu mỗi một hộp sữa tăng vài chục ngàn đồng là quá cao. Năm nào, thường là vào đầu năm hoặc cuối năm, tôi cũng thấy sữa tăng giá. Lần nào tăng cũng khoảng 5-12%. Thật tình, những bà mẹ đang có con nhỏ trong độ tuổi cần được uống sữa rất mong Nhà nước có ngay chính sách để chặn đợt tăng giá này” - chị Ngọc hi vọng.

L.Thanh

Sẽ theo dõi sát sao diễn biến giá sữa

Ông Nguyễn Anh Tuấn - cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - cho biết giá sữa thường có xu hướng tăng vào đầu năm, sau đó sẽ ổn định. Cục Quản lý giá đang theo dõi sát diễn biến thị trường, nếu có diễn biến xấu (tức là có nhiều sản phẩm tăng giá với mức cao - PV) thì cơ quan này sẽ đề xuất các biện pháp bình ổn giá. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đang đề nghị Bộ Công thương và các đơn vị có liên quan phối hợp theo dõi diễn biến thị trường để có biện pháp phù hợp. “Trong công tác quản lý giá, quan trọng nhất là theo dõi diễn biến yếu tố đầu vào, chúng ta điều hành theo quy luật của thị trường, có điều tiết của Nhà nước, nhưng không hành chính hóa trong điều hành giá sữa” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Cục Quản lý giá cho biết Bộ Tài chính và các sở tài chính địa phương sẽ thực hiện kiểm tra, rà soát các hồ sơ kê khai giá khi các doanh nghiệp sữa gửi hồ sơ kê khai tăng giá bán. Cơ quan quản lý đề nghị các công ty giải thích rõ nguyên nhân điều chỉnh giá. Trường hợp nguyên nhân tăng giá không hợp lý, không có cơ sở hoặc không chứng minh nguyên nhân điều chỉnh giá do biến động của yếu tố đầu vào thì cơ quan quản lý sẽ yêu cầu doanh nghiệp không điều chỉnh giá.

L.Thanh

DŨNG TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên