25/08/2021 18:39 GMT+7

Chóng mặt vì xin cấp giấy đi đường, nhiều hiệp hội kêu cứu Thủ tướng

N.AN
N.AN

TTO - Việc cấp giấy đi đường đang có nhiều bất cập khiến các hiệp hội ngành hàng gặp không ít khó khăn trong thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu, có nguy cơ bị chậm trễ đơn hàng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh.

Chóng mặt vì xin cấp giấy đi đường, nhiều hiệp hội kêu cứu Thủ tướng - Ảnh 1.

Doanh nghiệp tập trung tại Sở Công thương TP.HCM để xin cấp giấy đi đường - Ảnh: Ban IV

Trong văn bản ngày 25-8 gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính, bộ trưởng các bộ Công thương, Giao thông vận tải và chủ tịch UBND TP.HCM, một số hiệp hội ngành hàng gồm cao su, rau quả, điều, hồ tiêu, ca cao… mong muốn được tạo điều kiện hỗ trợ cho hoạt động đi lại cấp thiết của doanh nghiệp để duy trì sản xuất, xuất khẩu. 

Theo quy định của UBND TP.HCM, các nhân viên làm việc liên quan xuất nhập khẩu được Sở Công thương cấp giấy đi đường trên cơ sở hồ sơ đăng lý. Tuy vậy, các hiệp hội phản ánh đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có doanh nghiệp nào nhận được phản hồi từ Sở Công thương.

Lý do là Sở Công thương chỉ cấp giấy đi đường cho nhân viên của các doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa (doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp), còn UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện cấp giấy đi đường cho doanh nghiệp sản xuất vừa cung ứng hàng hóa nội địa, vừa trực tiếp xuất nhập khẩu.

Tuy vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu cho hay là đều phải tự thực hiện bộ hồ sơ xuất khẩu bằng giấy (không có thủ tục online) và các nghiệp vụ liên quan. Điều đáng nói là không phải tất cả doanh nghiệp đều sử dụng dịch vụ qua các công ty dịch vụ logistics chuyên nghiệp.

Việc thay đổi liên tục quy trình đăng ký cấp giấy đi đường cũng khiến doanh nghiệp gặp khó. Theo quy định ban đầu, Sở Công thương cấp theo quy trình 5 bước, nhưng chỉ 1 ngày sau, việc này được giao cho cơ quan công an cấp cho các sở để cấp lại cho doanh nghiệp. Đến nay, do việc xử lý hồ sơ quá tải, Sở Công thương đề nghị chuyển một số nhóm doanh nghiệp cho các quận, huyện xử lý.

Trước tình hình trên, trong văn bản gửi Thủ tướng và các bộ ngành liên quan, các hiệp hội đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể về đầu mối liên hệ, tăng cường thêm số lượng người xử lý hồ sơ, ứng dụng công nghệ để cấp giấy đi đường bản mềm và gửi thông qua email để làm cơ sở đi qua các chốt kiểm soát, đến trụ sở Sở Công thương đóng dấu.

Để giảm tải cho các sở ban ngành, các hiệp hội cũng đề nghị được đảm nhận vai trò là đầu mối lập danh sách doanh nghiệp có nhu cầu để gửi tới Sở Công thương. Lãnh đạo doanh nghiệp chịu trách nhiệm về danh sách đăng ký, quản lý người lao động. Doanh nghiệp không phải hội viên hiệp hội sẽ thực hiện thủ tục tại Sở Công thương và địa phương.

Cũng trong văn bản gửi Sở Công thương TP.HCM, Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp hoàn tất thủ tục xin cấp giấy đi đường sau khi nhận được phản ánh của Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA). Hiệp hội này phản ánh có những quy định không phù hợp như yêu cầu doanh nghiệp phải xuất trình được hồ sơ xuất nhập khẩu trong thời gian giãn cách từ ngày 23-8 đến 6-9-2021.

Tuy vậy, hiệp hội này cho rằng quy định khung thời gian như vậy chưa hợp lý, khi doanh nghiệp chỉ được phép hoạt động tối đa 50% công suất, nên có thể dẫn tới lệch khỏi thời gian giãn cách nêu trên. Trong khi đó, việc nộp hồ sơ tại Sở Công thương vẫn đang trong tình trạng quá tải, nên doanh nghiệp vẫn phải chờ xử lý mà không rõ có được cấp giấy đi đường hay không.

Gỡ rối giấy đi đường: Không thể chờ Gỡ rối giấy đi đường: Không thể chờ

TTO - Nhà dân nằm đối diện nhưng cửa hàng gas không thể giao; hàng xuất khẩu gấp cần chở ra cảng nhưng phải nằm chờ... Người dân và doanh nghiệp ở TP.HCM mong TP thống nhất và giữ ổn định giấy đi đường, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để 'gỡ' rối...

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên