Phóng to |
Bài tập 1 |
Choáng váng thường được sử dụng để mô tả cảm giác xây xẩm hoặc mất thăng bằng. Còn chóng mặt là một ảo giác người bệnh thấy đồ vật xung quanh xoay tròn hoặc có cảm giác bản thân bị xoay tròn, người bị mất thăng bằng, buồn nôn và nôn uể oải, mệt lả... Hay gặp nhất là chóng mặt tư thế kịch phát lành tính, không nghiêm trọng lắm nếu không làm chúng ta bị té ngã.
Triệu chứng:
- Chóng mặt
- Đứng không vững
- Mất thăng bằng
- Nhìn mờ kết hợp với cảm giác chóng mặt
- Buồn nôn
- Ói mửa.
Các dấu hiệu và triệu chứng của chóng mặt tư thế kịch phát lành tính có thể đến và đi bất chợt, thường kéo dài ít hơn một phút, biến mất rồi tái diễn. Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính hay gặp ở người dưới 50 tuổi hoặc sau chấn thương vùng đầu, hoặc ở người già có sự thoái hóa hệ thống tiền đình tai trong, hoặc viêm tai do virút...
Vì sao chóng mặt?
Những điều cần tránh - Tránh thay đổi tư thế đột ngột như đang nằm đứng nhanh dậy hay xoay nhanh sang hai bên. - Tránh xoay đầu quá mức như cúi xuống hay ngửa lên hoặc xoay đầu. - Tránh các chất có thể làm thay đổi tuần hoàn não như cà phê, thuốc lá, ăn mặn, ăn kiêng ... - Tránh các yếu tố nguy cơ như tình trạng căng thẳng, các chất gây dị ứng. - Không làm các công việc nguy hiểm khi đang chóng mặt như lái xe, leo trèo cao. |
Chúng tôi xin kể qua một số nguyên nhân gây nên hiện tượng này:
- Thuốc: thuốc hạ huyết áp có thể gây ngất nếu giảm huyết áp của bạn quá nhiều. Nhiều loại thuốc khác như thuốc giảm đau, thuốc chống lo âu, thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần kinh và thuốc ngủ cũng có thể gây cảm giác không đặc hiệu chóng mặt, chỉ cần ngừng thuốc là hết triệu chứng.
- Chóng mặt trong đột quỵ não: thường gặp ở người tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường, tăng mỡ máu. Tuy nhiên ngoài chóng mặt, người bệnh còn có các triệu chứng như yếu nửa người, yếu tứ chi, dị cảm tứ chi, hay đau đầu dữ dội, lơ mơ, ngủ gà nói khó - nói đớ. Trong các trường hợp này cần phải nhập viện kịp thời dưới ba giờ từ lúc khởi phát càng tốt.
- Chóng mặt trong bệnh tim và mạch vành: thường biểu hiện choáng váng nhiều hơn chóng mặt, kèm theo đau ngực trái, vã mồ hôi, mạch nhanh... Các trường hợp này cần nhập viện càng sớm càng tốt.
- Thiếu máu mãn - cấp: đều gây choáng váng và chóng mặt do giảm thể tích máu tuần hoàn trong cơ thể cũng như vận chuyển oxy máu giảm do thiếu hồng cầu, kèm theo mệt mỏi, suy nhược và da nhợt nhạt.
- Rối loạn lo âu: một số rối loạn lo âu, chẳng hạn như các hoảng loạn và lo sợ trong công việc... gây cảm giác bồn chồn, khó ngủ có thể dẫn đến chóng mặt.
- Đường trong máu thấp (hạ đường huyết): tình trạng này thường xảy ra ở những người bị bệnh đái tháo đường sử dụng insulin, thuốc hạ đường huyết quá mức.
- Bệnh về tai trong, nhiễm trùng tai: đây là loại chóng mặt sẽ biến mất khi hết nhiễm trùng.
- Say nắng và mất nước: nếu đang hoạt động trong thời tiết nóng, hoặc nếu chúng ta không uống đủ nước, bạn có thể cảm thấy chóng mặt (tăng thân nhiệt) hoặc mất nước... Nghỉ ngơi ở nơi mát và uống nước đủ các chất khoáng thông thường sẽ giúp giảm bớt cảm giác chóng mặt. Ngoài ra tiêu chảy cấp cũng gây ra chóng mặt.
- Chóng mặt chủ quan mãn tính: đây là một hội chứng lâm sàng đặc trưng, bệnh nhân thường tự khai chóng mặt, mà tính chất không đặc hiệu, có vẻ mơ hồ không nguyên nhân rõ ràng.
Phóng to |
Bài tập 2 |
Nếu bị chóng mặt tư thế kịch phát lành tính người bệnh cần:
- Ngồi xuống ngay khi cảm thấy chóng mặt.
- Bật đèn sáng nếu thức dậy vào ban đêm.
- Đi bộ với một cây gậy hỗ trợ để giúp cân bằng nếu có nguy cơ bị té ngã.
- Sau đó người bệnh cần đến bác sĩ thăm khám.
Để giúp giảm thiểu hiện tượng chóng mặt, chúng ta có thể tập luyện một số động tác tại nhà.
Bài tập 1 (hình):
Tư thế 1: ngồi thẳng và đầu (mặt) nhìn thẳng phía trước.
Tư thế 2: ngả thân người qua một bên (phải) và nằm xuống giường (nằm nghiêng), xoay đầu nhanh 45O để mặt hướng lên trên trần nhà, giữ nguyên tư thế này trong 30 giây hay có thể giữ lâu hơn cho đến khi hết chóng mặt.
Tư thế 3: xoay trả đầu nhanh về tư thế nằm nghiêng rồi ngồi thẳng dậy như tư thế 1.
Tư thế 4: nằm nghiêng xuống giường như tư thế 2 nhưng ở bên ngược lại (trái) và cũng xoay đầu nhanh hướng lên trên trần nhà. Mỗi buổi tập năm lần bài tập trong 10 phút và tập ba buổi (sáng, trưa, chiều) trong ngày. Tập đều đặn liên tục trong 2-3 tuần và sẽ thấy hết chóng mặt sau khoảng 10 ngày. Khoảng 30% bệnh nhân bị tái phát trong năm đầu và họ thực hiện bài tập thêm 10 phút/ ngày.
Bài tập 2 (hình):
- Tư thế A: ngồi thẳng ở cuối giường với đầu (mặt) nhìn thẳng phía trước.
- Tư thế B: nằm ngửa xuống giường, rồi xoay đầu nhanh sang phải 45O trong khi thân người vẫn nằm ngửa.
- Tư thế C: xoay đầu nhanh sang trái 45O, không cử động thân người.
- Tư thế D: xoay nhanh toàn bộ thân người - đầu (đầu vẫn giữ ở tư thế nghiêng trái khi xoay) qua bên trái (nghiêng trái); như vậy đầu sẽ ở vị trí xoay sang trái và ra sau.
- Tư thế E: xoay nhanh thân người - đầu về lại tư thế nằm ngửa trên giường rồi ngồi thẳng dậy như tư thế ban đầu A.
Bài tập này được dùng cho bệnh nhân bị ảnh hưởng ở tai trái. Với người có vấn đề ở tai phải, có thể làm ngược lại như trong hình. Ban đầu có thể chỉ tập một lần vào ban đêm ngay trước khi đi ngủ (nếu có chóng mặt thì sẽ hết khi ngủ) rồi sau đó tăng lên 2-3 lần trong ngày. Tỉ lệ hiệu quả là 80% và tỉ lệ tái phát sau nghiệm pháp là 30%/năm.
Các triệu chứng khác cần chú ý khi bị chóng mặt mà không phải do chóng mặt tư thế kịch phát lành tính gây ra: - Sốt - Nhìn đôi hoặc mất thị giác (mờ mắt) - Mất thính giác - Khó nói - Chân hay tay yếu - Mất ý thức từ nhẹ đến nặng - Té ngã hoặc đi lại khó khăn - Tê, dị cảm chi theo nửa người toàn thân, hay khu trú ở mặt hoặc ngứa ran khắp người - Đau ngực, hoặc nhịp tim nhanh hoặc chậm - Vã mồ hôi - Da xanh xao nhợt nhạt. Các dấu hiệu và triệu chứng được liệt kê trên có thể báo hiệu một vấn đề nghiêm trọng về bệnh tật cần quan tâm như đột quỵ não, bệnh lý tim mạch, thiếu máu nặng... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận