Chống mặn thành công, cánh đồng Bình Dương hoang hóa giờ là đồng vàng tươi tốt - Ảnh: Trần Mai |
Ông Võ Tấn Đại, chủ nhiệm HTX nông nghiệp xã Bình Dương (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), nói rồi hướng mắt về dòng sông Trà Bồng đầy nước và bắt đầu kể về cả nghìn ngày công người dân bỏ ra chống mặn xâm nhập cánh đồng xã mình.
Ủ mưu chống mặn
Mùa này những cánh đồng rộng lớn ở xã Bình Dương lúa đã bắt đầu chín vàng. Ớt, bí, đậu... cũng vào mùa thu hoạch. Ông Hương Vĩnh Bằng (50 tuổi) cùng năm người nữa đang tranh thủ thu hoạch ớt chín rộ ở thửa ruộng nhà mình.
“Quê ta ớt đỏ lúa vàng/ Quên thời nhiễm mặn cơ hàn ngày xưa/ Dù mùa nắng hay mùa mưa/ Xứ này chẳng sợ mặn đưa vào đồng”. Ông Bằng ngâm xong mấy câu thơ phú rồi cười khà khà vác bao ớt nặng trĩu vào kho chứa.
Những người ở tuổi ông Bằng đều thấm thía cảnh nghèo đói vì đồng ruộng không sản xuất được. Cái thời cơ hàn trong câu thơ của ông là ngày mà xã Bình Chương bỏ trắng ruộng đồng, mỗi năm chỉ sản xuất một vụ lúa nhờ nước trời và lạy trời cho mặn đừng “tấn công”.
“Hồi đó lúa đang xanh tốt mà đổ vàng rồi chết rụi là chuyện bình thường. Nhớ nhất là năm 1979 cả cánh đồng Đập Diệu, Đập Trước lúa đang lên đòng đành phải cắt về cho bò, đất nhiễm mặn hồi nào không hay, khi lúa chết thì mới biết” - ông Bằng kể.
Những ngày qua, khi đài báo đưa tin về hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long khiến hàng nghìn hecta lúa, cây ăn trái của người dân chết đứng, người dân xã Bình Dương cũng quan tâm đến vấn đề này.
Ông Đại bảo biết là ở miền Tây sông rộng hơn và khó ngăn mặn hơn nhưng một kinh nghiệm nho nhỏ mà xã tích lũy được để sống chung với vùng nhiễm mặn là phải “đón lõng” và chủ động trước thực trạng nhiễm mặn sẽ xâm nhập sâu vào đất liền, không nên đợi mặn vào rồi mới triển khai phương án thì đã muộn.
Rồi ông Đại dẫn chúng tôi đi xem công trình đập ngăn mặn chắn ngang sông Trà Bồng, sông Cáp Gia được làm bằng thân dương liễu, đất cát và phên tre vừa được HTX huy động máy móc, sức dân hoàn thành hơn nửa tháng trước.
Dù chỉ rộng chừng 4m và dài vài trăm mét nhưng nhờ hai con đập này mà mấy chục năm qua việc nhiễm mặn ở đồng ruộng Bình Dương đã lùi vào dĩ vãng.
“Xã tôi có đến ba con sông chảy qua, nằm cách cửa biển Sa Cần chỉ 1km thôi nên nhiễm mặn không tránh khỏi vào mùa hạn. Những con sông thông ra biển phải chặn lại từ khi mùa nước còn nhiều.
Thường ăn tết xong tùy theo từng năm chúng tôi tiến hành đắp đập sớm hay muộn. Nếu hạn nặng chúng tôi đắp thêm đập cho sông Giao. Đến tháng 8 là nhổ cọc, phên tre cho nước chảy ra biển, tránh ngập úng” - ông Đại nói.
Bây giờ có máy móc “phụ” nên việc làm đập chỉ mất khoảng năm ngày. Trong ký ức người dân nơi đây, thời điểm những năm 1980 để có được con đập ngăn mặn, người dân cả xã đã được huy động, hàng nghìn ngày công đổ xuống lòng sông.
Cụ Minh (thôn Đông Yên 2, xã Bình Dương) nay đã ngoài 80 tuổi vẫn nhớ như in những năm tháng ấy. Đến nước uống phải chạy cả cây số mới tìm được vì giếng trong thôn cũng bị nhiễm phèn, mặn.
Ông cụ là một trong những thủ lĩnh thời bấy giờ họp bàn đắp đập. Phụ nữ gánh đất, đàn ông đào, cưa tre, dương liễu... đóng xuống lòng sông. Từng mét đập nối ra giữa dòng là không biết bao nhiêu giọt mồ hôi đổ xuống.
“Chúng tôi phải làm cả tháng trời mới xong. Được chừng 10 năm con đập phát huy tác dụng, mùa màng đã xanh trở lại” - ông Minh kể.
Sau khi ngăn mặn và phát triển diện tích đất canh tác, giờ xã Bình Dương là xã điểm về nông thôn mới của tỉnh Quảng Ngãi - Ảnh: Trần Mai |
Trù phú, giàu có
Người dân đã chấp nhận sống chung với mặn ở vùng đất quê mình và khuất phục được sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Giờ toàn xã Bình Dương có hơn 500ha đất sản xuất nông nghiệp.
Một trạm bơm cũng được đặt ngay đầu đập để lấy nước tưới cây trồng, “chia lửa” cho nguồn nước từ kênh thủy lợi Thạch Nham. Đã hơn chục năm nay, những ruộng đồng ở xã Bình Dương đã trở thành cánh đồng vàng của huyện Bình Sơn.
Ông Võ Đình Trà, chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, nói rằng dù là xã thuần nông nhưng nhờ chuyển đổi giống cây trồng, dồn điền đổi thửa, tận dụng nguồn nước và đắp đê, đập ngăn mặn mở rộng đồng ruộng để sản xuất mà thu nhập bình quân đầu người của xã Bình Dương chỉ đứng sau thị trấn Châu Ổ, xếp nhì toàn huyện.
“Tính năng suất trồng trọt, xã Bình Dương đạt hơn 350 triệu đồng/ha. Không dễ để đạt được con số này ở một xã nông nghiệp”, ông Trà nói.
Nước sinh hoạt giờ không còn là mối lo nữa, nhờ đập ngăn mặn người dân tự làm mà sông Trà Bồng, Cáp Gia lúc nào cũng đầy nước. Nói không quá rằng chính con đập dùng để ngăn mặn của người dân Bình Dương lại góp phần tạo ra nước tưới tiêu và sinh hoạt cho người dân dọc bờ sông.
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn, có đến sáu xã, thị trấn lân cận được hưởng lợi từ con đập người dân xã Bình Dương dùng để ngăn mặn cho ruộng đồng xã mình.
Còn ông Võ Tấn Đại khẳng định: “Nếu không có đập này thì nước nhiễm mặn lên tận cầu sắt (thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn) cách xã chừng 7km”.
Ở Bình Dương bây giờ đường bêtông nối khắp các tuyến đường lớn nhỏ, nhà cao tầng quanh các xóm làng. Ngay cạnh sông Trà Bồng là một ngôi chợ quy mô được dựng lên để người dân buôn bán. Đây cũng là chợ đầu mối để thương lái đổ về mua nông sản.
Hôm chúng tôi đến trời đang mưa nhưng vẫn có rất nhiều người ra đồng tranh thủ thu hoạch ớt, bí, cà chua... cho thương lái tới chuyển đi.
Chị Phạm Thị Thôi (35 tuổi, thôn Đông Yên 1, xã Bình Chương) tranh thủ hái ớt dưới cơn mưa ngày một nặng hạt. Những cây ớt cao ngang đầu người và tỏa rộng khiến công việc của chị rất khó khăn.
Chị than thở vui rằng chỗ khác trồng thì mong cho tốt, trái nhiều. Còn ở đây đất tốt lắm, không bón phân nhiều mà cứ phát triển ầm ầm.
“Tôi trồng 2 sào ớt (1.000m2) mỗi vụ cho 2 tấn, giá ớt hiện nay 20.000 đồng/kg thì cũng được hơn 40 triệu đồng. Làm nông dễ gì có được số tiền ấy”, chị Thôi chia sẻ.
Người dân đã tận dụng khu vực vẫn còn nhiễm mặn làm hồ nuôi tôm và rất thành công. Họ không chỉ nuôi thuần tôm mà còn chuyển sang nuôi các loại cá cho hiệu quả kinh tế cao.
Thậm chí dựa vào lợi thế này, ở cuối hạ nguồn sông Trà Bồng, trên những hồ tôm người dân tận dụng tán rừng dương làm các lều trại dịch vụ du lịch ăn uống từ chính hải sản mình làm ra.
Dịch vụ này khá đông khách và đem lại thu nhập lớn cho người dân. Có cả những biển số ôtô con trong và ngoài tỉnh đậu dọc đê, những du khách đang câu cá và thưởng thức hải sản trên chính vùng đất tưởng chừng hoang hóa này.
Ông chủ cơ sở dịch vụ du lịch tên Cây Dừa chia sẻ: “Nuôi tôm cá thì chưa tận dụng hết thế mạnh được. Phải tận dụng địa thế thêm mấy dịch vụ sinh thái thư giãn này nữa mới nhanh giàu”.
Người Bình Dương tự hào vì trên chính vùng đất nhiễm mặn ngày xưa, chính quyền và người dân đã chung sức cải tạo thành một trong những cánh đồng mẫu của toàn tỉnh Quảng Ngãi. Lúa, hoa màu luôn cho năng suất cao.
Cũng chính từ đồng quê này, nhiều thế hệ người dân xã Bình Dương đã học hành và thành đạt ở các thành phố lớn. Câu chuyện đói khát, ruộng đồng bỏ hoang người Bình Dương đã khép lại rất lâu rồi trong ký ức.
Bài học vỡ lòng
Dù con đập ngăn được nước biển tiến vào các sông Trà Bồng, Cáp Gia, nhưng không ngăn được mặn luồn vào trong các ngõ khác. Không chịu khuất phục trước thiên nhiên, chính quyền và người dân xã Bình Dương tiến hành đắp một con đê dài hơn 6km làm vành đai ngăn mặn quanh đồng ruộng. Con đê bằng đất ngày xưa, giờ được kiên cố hóa bằng bêtông hơn 3.200m và trở thành đường đi của người dân. Chỗ nhiễm mặn nuôi tôm, không nhiễm mặn trồng lúa, hoa màu, cây ăn trái mà các chuyên gia vừa cho ý kiến để giải bài toán nhiễm mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, dân xã Bình Dương đã làm được từ những năm 1990. “Bài học vỡ lòng” ấy không phải chuyên gia nào hướng dẫn mà chính người dân xứ mặn này nghĩ ra. Ông Đỗ Minh Huấn, chủ tịch UBND xã Bình Dương, nói: “Chúng tôi không chặn ở đầu cánh đồng mà chặn ở giữa, phần hạ đồng người dân tiến hành đào hồ nuôi tôm, chính những hồ này cũng là một vành đai nữa để không cho mặn lấn sâu. Khi mặn lan tới đê thì không còn đủ sức để nhiễm nữa rồi”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận