Pháp luật quy định không phải trường hợp nào cũng được mang thai hộ - Ảnh: T.T.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang cho biết hôm nay 14-10 sẽ cùng ông Nguyễn Đức Vinh, vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, làm việc với Bệnh viện Bưu Điện, về trường hợp hi hữu "chồng lừa lấy phôi lưu nghi cho bồ mang thai".Theo ông Quang, có rất nhiều vấn đề pháp lý vì chưa có tiền lệ xung quanh vụ việc này, trong đó có lỗi của bệnh viện, của người chồng, của người được cho là "bồ" của người chồng.
Nhiều rắc rối pháp lý
Theo bà Nguyễn Thị Nhã - trưởng đơn vị hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Bưu Điện, nơi xảy ra vụ việc, hai vợ chồng ở Bắc Ninh đã thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm tại bệnh viện cuối năm 2017 và được 2 phôi. Trong 2 phôi này, 1 phôi đã chuyển vào cho người vợ và người vợ đã sinh 1 con trai vào tháng 9-2018. Phôi còn lại lưu trữ tại Bệnh viện Bưu Điện.
Trong đợt đăng ký trữ phôi mới, người chồng đã đến báo mất thẻ gửi phôi và chúng tôi đã làm thẻ mới, giao cho người chồng. Sau đó, trước tháng 4-2019, hai vợ chồng này lại mang hồ sơ đầy đủ (chứng minh thư, đăng ký kết hôn gốc, sổ hộ khẩu gốc), trả lời được các câu hỏi trong ngân hàng câu hỏi của bệnh viện. Đây là các thủ tục để được chuyển phôi và "người vợ" đã được chuyển phôi ngày 2-4-2019.
Tuy nhiên người được chuyển phôi lại... không phải là người vợ thực tế, đồng chủ sở hữu phôi gửi tại Bệnh viện Bưu Điện, mà là người bị nghi là bồ của ông chồng. Bệnh viện chỉ phát hiện ra vụ việc 3 tuần sau khi đã chuyển phôi - sau khi gọi điện lại cho người vợ và là chủ sở hữu hợp pháp của phôi.
Theo ông Quang, có nhiều vấn đề pháp lý rắc rối nảy sinh trong vụ việc này: người vợ là đồng chủ sở hữu phôi hợp pháp nhưng bị chồng "qua mặt", lấy các giấy tờ chứng minh nhân thân để lấy phôi gửi tại bệnh viện, trường hợp thai kỳ thành công thì em bé sinh ra là con ai, quyền nuôi dưỡng, quyền thừa kế tài sản... như thế nào, nhất là khi bố mẹ thực của phôi đã ly dị gần một tháng nay.
Ông Quang cũng cho rằng có những dấu hiệu người chồng và người thứ 3 (nghi là bồ của chồng, 45 tuổi, hiện là giáo viên ở tỉnh Bắc Giang) lừa đảo người vợ và bệnh viện. Bệnh viện cũng có lỗi, không phải đơn thuần là "bị lừa" - theo nhận định của ông Quang.
"Vì sao lại chuyển phôi tiếp khi con trước đó mới hơn 7 tháng tuổi, vì sao lại không phân biệt được người gửi phôi thực tế và "người thứ 3", thông qua ảnh và các giấy tờ tùy thân đã lưu..." - ông Quang đặt vấn đề.
Thay đổi để tránh các rắc rối tương tự
Trả lời Tuổi Trẻ, bà Nhã cho biết do ảnh chụp trên chứng minh thư rất nhỏ, vợ (49 tuổi) và "người thứ 3" (45 tuổi) gần tương tự tuổi tác nên nhầm lẫn. "Từng có chuyện tráo người để mang thai hộ và đã bị chúng tôi phát hiện. Như có trường hợp ảnh chứng minh thư và người thật khác hẳn nhau, khi so sánh trước khi chuyển phôi chúng tôi phát hiện ra không đúng người trong hồ sơ lưu" - bà Nhã cho biết.
Theo bà Nhã, đã có một số trường hợp đánh tráo người tương tự nhằm mang thai hộ bị phát hiện trước khi thực hiện kỹ thuật. Nhưng trường hợp "lừa lấy phôi" này thì người thứ 3 đã được hoàn tất chuyển phôi và mang thai. Đây là vụ việc chưa có tiền lệ.
Hiện Bệnh viện Bưu Điện đang hoàn thiện phần mềm nhận diện người đến chuyển phôi, người hiến tặng trứng, tinh trùng, người làm thụ tinh ống nghiệm... bằng khuôn mặt và vân tay.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về vụ việc hi hữu này vào hôm nay 14-10.
Thiếu sự kết nối
Theo một khảo sát công bố gần đây, chỉ 1/3 cơ sở hỗ trợ sinh sản đang hoạt động có phần mềm nhận diện thông qua vân tay, số còn lại tiếp nhận người đến hiến trứng, tinh trùng thông qua các hồ sơ bằng giấy.
Ngoài ra, các trung tâm cũng không kết nối với nhau, dẫn đến có chuyện một người có thể hiến tinh trùng nhiều lần, trái quy định hiện hành, có nguy cơ dẫn đến các vấn đề về huyết thống, hôn nhân gia đình sau này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận