Tôi rất đồng tình với các phân tích cũng như đặt vấn đề rõ ràng trong bài viết “Trách nhiệm thuộc về ai?” (của nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Tuổi Trẻ 6-11) về xử lý những vấn đề nóng bỏng liên quan tình hình tài chính của đất nước: vấn đề thâm hụt ngân sách, vấn đề nợ công đến “trần”...
Rõ ràng những thành tựu của Việt Nam thời gian qua được ghi nhận nhưng vẫn còn nhiều vấn đề bức bối: an sinh xã hội (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...), an toàn cuộc sống (tai nạn, hạ tầng, ngập lụt ở đô thị...) và nhất là an toàn ngân sách quốc gia.
Hụt thu - bội chi luôn là mối lo canh cánh mỗi năm. Mỗi kỳ họp Quốc hội lại “la làng” rồi đâu lại vào đấy. Quyết sách nào, quyết tâm nào để khắc phục tình trạng này vẫn không rõ.
Nhiều nước đã chú ý đến chống thâm hụt ngân sách từ việc nhỏ nhất là chống lãng phí. Nếu có điều kiện thăm viếng các cơ quan công sở của Mỹ, Canada, chúng ta dễ nhận thấy trang bị của các phòng ban từ cái bàn, cái ghế, lọ hoa đều giống nhau, đơn giản, không cầu kỳ.
Tiếp khách cũng vậy: một cốc nước lọc, nếu phải tiệc tùng thì cũng chỉ thức ăn nhanh hoặc hạn hữu trong số tiền đã ấn định (nếu muốn ăn sang thì tự bỏ tiền cá nhân).
Ngay cả Trung Quốc, khoảng năm năm gần đây họ thực thi các chính sách tiết kiệm để tăng nội lực quản lý bằng nhiều biện pháp: cấm quan chức chơi golf, cấm tham gia tiệc tùng không chính thức; phân cấp để đi xe công, quy định chặt chẽ giờ mở tắt máy lạnh, máy sưởi... và đặc biệt hủy bỏ việc trưng hoa, tặng hoa tại các hội nghị, hội thảo.
Các buổi giao lưu thương mại cũng gói ghém trong các bếp ăn của tập thể đơn vị tổ chức và quyết sách cụ thể nhất là tinh giản biên chế bộ máy nhà nước.
Tôi vô cùng ủng hộ cách đặt vấn đề của bà Nguyễn Thị Bình. Đó cũng là mong muốn của đại bộ phận người dân Việt Nam đang quan tâm đến vận mệnh đất nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận