TTCT - Bóng ma lạm phát đang ám ảnh nhiều nước. Như ở Mỹ, chỉ số giá cả hồi tháng 10-2021 tăng đến 6,2% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng chưa từng thấy trong cả ba chục năm qua. Thế nhưng đó vẫn chưa là gì so với mức lạm phát đến 20% từ đầu năm đến giờ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tiền và hàng nằm trên hai đầu bàn cân. Từ đầu dịch COVID-19 đến nay, chính phủ các nước liên tục bơm tiền ra giải cứu nền kinh tế, kể cả phát tiền cho dân chi tiêu khi phải cách ly ở nhà, trong khi hàng hóa lại thiếu vì ngưng trệ sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng, nhu cầu mua sắm tăng… Tiền nhiều, hàng ít dẫn tới chuyện tăng giá là đương nhiên. Ảnh: Financial Times Nhiều nhà kinh tế có quan điểm lạm phát luôn luôn là hiện tượng tiền tệ, tức in tiền nhiều để chi tiêu ắt sẽ dẫn tới lạm phát. Vì thế để chống lạm phát, phương pháp tốt nhất là giảm bớt lượng tiền trong lưu thông bằng cách giảm in tiền và nâng lãi suất để hút tiền về. Mặc dù các nhà kinh tế ngày nay cãi nhau suốt ngày suốt đêm về đủ thứ chuyện, nhưng với lạm phát thì nói chung họ khá đồng lòng. Nói thì dễ nhưng làm mới khó, vì ngưng in tiền thì nhà nước lấy gì chi tiêu khi mọi thứ đều tăng giá và nâng lãi suất là bóp nghẹt dòng vốn của nền kinh tế, có nguy cơ dẫn đến trì trệ, thất nghiệp cao.Các nhà chính trị thường làm ngược lời khuyên của các nhà kinh tế, và Thổ Nhĩ Kỳ là một trường hợp điển hình. Nước này đang rơi vào tình thế lưỡng nan, lạm phát cao nên dân chúng đổ xô đổi nội tệ sang ngoại tệ, khiến đồng lira mất giá, sụt đến 38% từ đầu năm đến cuối tháng 11. Nội tệ mất giá thì giá cả, nhất là hàng nhập khẩu, tăng mạnh, càng đẩy lạm phát lên cao. Cứ thế, nước này chìm trong vòng xoáy lạm phát và tỉ giá. Chỉ trong một tuần, lượng ngoại tệ do các hộ gia đình nắm giữ tại ngân hàng nước này tăng thêm 1 tỉ USD, tỉ lệ tài khoản cá nhân tại ngân hàng bằng ngoại tệ tăng lên mức 59% so với 57% cách đó một tuần.Thế nhưng thay vì tăng lãi suất để dân giữ nguyên tiền trong tài khoản bằng đồng lira vì lãi suất cao sẽ bù đắp thiệt hại do lạm phát, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan lại sa thải thống đốc Ngân hàng Nhà nước vì nâng lãi suất vào hồi tháng 3. Chủ trương của ông Erdogan là giảm lãi suất trong tình hình lạm phát cao - một quan điểm gây ngạc nhiên cho nhiều nhà kinh tế.Ông gây sức ép để Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm lãi suất (xuống còn 15% so với 19% hồi tháng 9), từ đó đẩy đồng lira vào chỗ suy sụp. Tính chung trong 3 năm qua, đồng nội tệ của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất 2/3 giá trị so với các ngoại tệ mạnh. Ông Erdogan cho rằng cần giảm lãi suất để thúc đẩy phát triển kinh tế, rằng chi phí sử dụng đồng vốn cao chính là nguyên nhân gây lạm phát, và quan trọng nhất, quan điểm của một nước Hồi giáo về lãi suất khác hẳn các nước khác. Ông cho rằng đồng lira mất giá sẽ làm hàng xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ có tính cạnh tranh hơn.Trong bối cảnh đó, giới chuyên môn, cụ thể là Ngân hàng Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ, ứng xử thế nào? Tính cả vị thống đốc bị sa thải hồi tháng 2, hai năm qua Thổ Nhĩ Kỳ đã thay đến 3 thống đốc bởi các vị này đều chủ trương tăng lãi suất để chống lạm phát. Thống đốc mới, Sahap Kavcioglu, người đồng ý ký lệnh giảm lãi suất ngày 18-11, đã tuyên bố khi đồng lira mất giá đến 13% trong vòng một ngày: “Ngân hàng Trung ương Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ thực thi chính sách tỉ giá thả nổi và không cam kết một mức tỉ giá nào cả”, ý nói sẽ không can thiệp để ổn định tỉ giá. Ông này còn nói khu vực ngân hàng là một trong những khu vực mạnh nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ: “Không có vấn đề gì, không có căng thẳng gì hết”.Nhưng thực tế, tình hình bất ổn đến nỗi Apple thông báo tạm ngưng bán sản phẩm tại Thổ Nhĩ Kỳ vì bán theo giá niêm yết sẽ lỗ và không lẽ cứ mỗi ngày mỗi rao giá mới! Mặc dù con số lạm phát chính thức vào khoảng 20%, người dân cho rằng con số thực phải chừng gấp đôi như vậy. Có lẽ chừng nào Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa nghe theo các nhà kinh tế, nước này còn khó vượt qua vòng xoáy lạm phát. ■Nhìn chung, giá cả đang tăng khắp thế giới. Dự báo của IMF cho rằng chỉ số giá cả sẽ tăng 4,8% trong năm nay, mức tăng cao nhất kể từ năm 2007, nhưng sẽ có nhiều nước tăng cao hơn số bình quân này nhiều. Nghe lạm phát ai cũng lo, nhất là khi thấy đồng tiền nắm trong tay dường như teo tóp lại, mua được ít đồ hẳn đi. Thế nhưng nghịch lý là có nhiều người hưởng lợi từ lạm phát, nhất là những ai đang nợ nhiều, kể cả chính phủ. Không những nợ cũ giảm (theo giá trị thực) mà nợ tương lai (như nghĩa vụ trả lương hưu chẳng hạn) cũng giảm. Chỉ có người nghèo, người không có nhà đất, người sống dựa vào đồng lương hàng tháng sẽ chịu thua thiệt. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Giá xăng, tăng trưởng & lạm phát Tags: Lạm phátThổ Nhĩ KỳErdoganĐồng lira
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Chỉ còn 18% viên chức Đại học Quốc gia TP.HCM nhận lương từ ngân sách TRẦN HUỲNH 23/12/2024 Đại học Quốc gia TP.HCM tinh giản biên chế gần 10 năm qua với số viên chức nhận lương từ ngân sách nhà nước hiện còn 1.154 người (khoảng 18%).
Tình báo Mossad tiết lộ toàn cảnh kế hoạch tinh vi kích nổ máy nhắn tin và bộ đàm của Hezbollah THANH HIỀN 23/12/2024 Hàng nghìn máy nhắn tin và bộ đàm của các thành viên lực lượng Hezbollah đã đồng loạt phát nổ tại Lebanon vào tháng 9 vừa qua. Vì sao?
Chi tiết các bảng lương viên chức năm 2025 THÀNH CHUNG 23/12/2024 Tuổi Trẻ Online giới thiệu với bạn đọc thông tin chi tiết toàn bộ bảng lương viên chức dự kiến được áp dụng từ năm 2025.
Công bố Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2025 với nhiều nội dung mới TRỌNG NHÂN 23/12/2024 Ngoài tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp, năm 2025, báo Tuổi Trẻ tổ chức thêm ba ngày hội Tự tin vào lớp 10 tại TP.HCM và Hà Nội.