13/01/2022 07:47 GMT+7

Chống hành vi nhiễu loạn thị trường

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu trước Quốc hội rằng "đấu giá đất ở Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TP.HCM) là điển hình làm nhiễu loạn thị trường", ông đã gặp phải một số ý kiến chỉ trích.

Nếu xét ở khía cạnh pháp luật, đến thời điểm này, những người chỉ trích không phải là không có lý, bởi cuộc đấu giá đã được thực hiện theo các quy định hiện hành.

Nhưng người đứng đầu ngành tài chính không chỉ nói có vậy. Ông giải thích: "Cần xem các nhà đầu tư có thực hiện đúng theo cam kết trúng giá hay không, hay bỏ cọc. Bộ Tài chính chỉ kiểm tra những doanh nghiệp này trên thị trường chứng khoán, còn quản lý nhà nước về đất đai là Bộ Tài nguyên - môi trường, kể cả vấn đề giá đất". Như vậy, với tuyên bố "bỏ cọc" của Tân Hoàng Minh, suy đoán của ông Phớc đã đúng.

Diễn biến trên thị trường thì sao? Cơn sốt đất diễn ra từ trước thời điểm cuộc đấu giá có kết quả (10-12) dường như đã được tiếp thêm "lửa", diễn ra không chỉ ở khu vực Thủ Thiêm hay TP.HCM mà gần như khắp cả nước. Trên thị trường chứng khoán, các cổ phiếu bất động sản cũng "nhảy múa" theo. Đặc biệt là sự "trỗi dậy phi thường" của một số cổ phiếu được cho rằng có liên quan đến khu vực "đất vàng", "đất kim cương". 

Đơn cử, tại thời điểm tiến hành đấu giá đất Thủ Thiêm, cổ phiếu CEO được giao dịch khoảng trên dưới 38.000 đồng/cổ phiếu, chưa đầy 30 ngày sau có thời điểm cổ phiếu này được giao dịch trên 90.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu CII giao dịch khoảng 27.000 đồng/cổ phiếu, thì chưa đầy một tháng sau, cổ phiếu này có phiên được giao dịch với giá trên 53.000 đồng. Trong khoảng thời gian biến động của CII, một quỹ đầu tư của Singapore đã đăng ký bán ra tổng cộng 8 triệu cổ phiếu này.

"Nhà nhà đi buôn đất, người người chơi chứng khoán" - không ít nhà phân tích đã phải thốt lên như vậy. Sự tăng giá đến phi lý của đất đai và cổ phiếu bất động sản cũng khiến nhiều chuyên gia phải cảnh báo rủi ro đối với hai thị trường này.

Ngày 12-1, thị trường chứng khoán Việt Nam đã mở đầu phiên giao dịch với hàng loạt mã cổ phiếu bất động sản "nằm sàn", có những mã cổ phiếu lệnh bán cả chục triệu đơn vị nhưng vẫn "trắng bên mua". Điều này cũng dễ hiểu, bởi chứng khoán là một thị trường mà tâm lý nhà đầu tư bị tác động rất mạnh bởi hiệu ứng đám đông và tác động từ những thông tin nhạy cảm có liên quan.

Cũng có ý kiến cho rằng "đã đầu tư thì được ăn, thua chịu, phải chấp nhận thôi". Điều này không có gì phải bàn. Nhưng nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước là bảo đảm cho các thị trường hoạt động lành mạnh, tránh rủi ro cho các nhà đầu tư đơn lẻ dễ bị tổn thương.

Trở lại với sự kiện "bán chui" 74,8 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết. Các cơ quan hữu trách đã hành động nhanh khi tuyên bố phong tỏa tài khoản, hủy giao dịch số lượng khổng lồ cổ phiếu bán phạm luật này, tuyên bố sẽ phạt mức cao nhất... Không chỉ những người mua cổ phiếu của ông Quyết bị ảnh hưởng, mà còn rất nhiều nhà đầu tư khác đã thực hiện giao dịch khoảng 60 triệu cổ phiếu FLC ngày 10-1 cũng chịu tác động.

Chính vì vậy, để chống các hành vi gây nhiễu loạn thị trường, chúng ta cần nhiều hơn các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa, chứ không chỉ là kịp thời xử lý hậu quả.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: 'Đấu giá đất Thủ Thiêm là điển hình làm nhiễu loạn thị trường'

TTO - Cho rằng việc đấu giá đất tại Thủ Thiêm lên tới 2,4 tỉ đồng là bất thường, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết đang kiểm tra những doanh nghiệp liên quan trên thị trường chứng khoán.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên