Bản thỏa thuận toàn cầu phải mang tính khác biệt, công bằng, cân bằng, năng động, bền vững và có tính ép buộc thực thi |
Ngoại trưởng Pháp LAURENT FABIUS (chủ tịch COP21) |
Sau gần hai tuần đàm phán khó khăn, theo AFP, các nhà đàm phán đã hoàn tất việc soạn thảo “từng dòng một” bản thỏa thuận lịch sử để kiềm chế sự ấm dần lên của Trái đất cũng như giảm nhẹ tác động của nó đến hành tinh.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, chủ tịch Hội nghị về khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP21), cho biết bản dự thảo cuối cùng được đệ trình lên một phiên họp toàn thể lúc 11g30 ngày 12-12 và cũng là đã lùi 2 giờ so với dự tính trước đó.
Trước phiên họp, ông Fabius bày tỏ tin tưởng rằng đây sẽ là một sự thành công. Theo AFP, bản dự thảo đã được dịch sang sáu ngôn ngữ chính thức của Liên Hiệp Quốc.
Ông Fabius cho biết dự thảo thỏa thuận đặt ra mức sàn 100 tỉ USD mỗi năm dành cho các nước đang phát triển sau năm 2020 để đối phó với biến đổi khí hậu, đặt mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ trái đất dưới 2OC, thậm chí là 1,5OC. Ngoài ra, thỏa thuận còn đặt mục tiêu đánh giá việc thực hiện cam kết của các nước về việc giảm phát thải khí nhà kính 5 năm một lần.
“Chúng tôi đã hoàn tất tại đây” - Ngoại trưởng Tony De Brum của Cộng hòa quần đảo Marshalls cho biết và bày tỏ thỏa thuận sẽ được thông qua. Reuters dẫn lời ông Brum nói các nhà đàm phán đã phải thức làm việc đến tận 4g sáng 12-12 để chốt lại bản dự thảo cuối cùng.
Trong không khí căng thẳng tại nơi diễn ra hội nghị, các nhà đàm phán thấm mệt với các cuộc đàm phán kéo dài suốt nhiều đêm liền. Nhà đàm phán tài chính Espen Ronneberg của đảo quốc Samoa ở Thái Bình Dương ngán ngẩm: “Tất cả chúng tôi đều mệt mỏi và trở nên ít xã giao hơn. Một số người thậm chí chẳng buồn nói lời chào nhau mà chỉ gật đầu qua loa”.
Hội nghị ở Paris về biến đổi khí hậu được coi là cơ hội cuối cùng để thay đổi viễn cảnh tồi tệ nhất do biến đổi khí hậu như hạn hán nghiêm trọng, lũ lụt, bão tố gia tăng cũng như nhiều hòn đảo và các bờ biển đông dân cư sẽ biến mất nếu nước biển dâng cao.
Thỏa thuận toàn cầu cũng hướng đến việc cách mạng hóa hệ thống năng lượng của thế giới bằng cách cắt giảm hoặc loại bỏ than đá và các loại nhiên liệu hóa thạch khác, thay thế bằng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió.
Hội nghị tại Paris lần này được cho là gần như không có các tranh cãi nảy lửa như những hội nghị về khí hậu trước đây. Mặc dù vậy, trước khi dự thảo hoàn tất, nhiều nhà lãnh đạo thế giới tỏ ý nghi ngờ về thành công của nó.
Các nước đang phát triển khẳng định các nước giàu phải gánh vác phần lớn trách nhiệm giải quyết tác động của biến đổi khí hậu bởi họ phát thải hầu hết khí nhà kính kể từ cuộc cách mạng công nghiệp. Mỹ và các nước giàu lại cho rằng các nền kinh tế mới nổi cũng phải gánh trách nhiệm bởi các nước này cũng phát thải nhiều khí nhà kính.
Mâu thuẫn lớn nhất giữa các nước là số tiền dành cho việc giải quyết biến đổi khí hậu lên đến hàng ngàn tỉ USD. Vẫn chưa rõ nguồn quỹ này sẽ có được bằng cách nào.
Không giống như nghị định thư Kyoto thông qua năm 1997, thỏa thuận Paris lần này sẽ không phải là hiệp ước ràng buộc mang tính pháp lý, điều gần như chắc chắn không thể qua ải Quốc hội Mỹ. Theo Reuters, nó phụ thuộc phần lớn vào việc mỗi nước sẽ theo đuổi tăng trưởng xanh hơn theo cách của mình, thực hiện các cam kết trong kế hoạch tự nguyện cắt giảm phát thải khí nhà kính đệ trình trước khi hội nghị diễn ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận